Xã Sơn Bằng (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là quê hương của bác sĩ - nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Sinh thời, ông rất quan tâm sự nghiệp giáo dục nước nhà. Năm học 1998-1999, trường trung học phổ thông mang tên ông khai giảng khoá đầu tiên, đến nay cơ sở vật chất của trường vẫn là em út trong đại gia đình các trường trung học phổ thông trên đất Hà Tĩnh. Nhưng trong tâm thức của hàng ngàn người dân tay lấm chân bùn, trường Nguyễn Khắc Viện xuất hiện như bụt, tiên trong cổ tích.
Xây từ con tim
Trường Nguyễn Khắc Viện toạ lạc giữa không gian thoáng đãng bên dòng sông Ngàn Phố, đoạn qua xã Sơn Bằng. "Bà đỡ" cho ngôi trường mẹ tròn con vuông là nhà giáo nghỉ hưu Nguyễn Lê Đắc (SN 1934), tiến sĩ tâm lý giáo dục, thương binh kháng Mỹ hạng 4/4.
Năm 1995, ông tiến sĩ về quê dự kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Cấp 2 Sơn Bằng. Sau những cuộc say thăng thiên nổ trời trong niềm vui gặp gỡ bạn bè đồng môn, đồng nghiệp, ông đau đáu trước cảnh các cháu đang tuổi đến trường mà không còn cơ hội học lên cấp 3. Qua tìm hiểu, ngoài những cháu do lực học yếu thi trượt chuyển cấp, nhiều cháu lực học tốt, nhưng vì kinh tế gia đình không đủ sức nuôi nên đành phải nghỉ học.
Đang tuổi học trò mà không còn cơ hội đến trường, chúng lông nhông tụ tập trong quán, ngoài đường, thường xuyên đối mặt với lắm thứ tệ nạn xã hội. Trách nhiệm của địa phương, nhà trường, gia đình đều rất lo lắng, song chưa có cách gì giúp các cháu tiếp tục đến với môi trường giáo dục phổ thông.
Ông tiến sĩ nhận thấy, so với thời ông dạy cấp 2 tại quê từ năm 1952-1966 thì giáo dục ở Sơn Bằng có chiều hướng đi xuống. Sau năm 1945, Sơn Bằng được người đời tôn vinh là "đất học". Trước năm 1970, Sơn Bằng nhiều năm là điển hình của giáo dục Hà Tĩnh, nhưng ông lấy "mốc" năm 1952 về sau để so sánh là bởi, năm ấy ông tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Liên khu 4, được phân công vào dạy tại Chúc A (nay thuộc xã Hương Lâm, huyện Hương Khê).
Chúc A ngày đó đang là chốn khỉ ho cò gáy, rừng thiêng nước độc, sào huyệt của sốt rét kinh hoàng mà không có cơ sở y tế. Các đồng nghiệp lên vùng thiêng trước ông chưa ai trụ lại nổi 3 tháng, ông trụ lại 1 năm, đoạt luôn 3 kỷ lục: Thời gian "trụ" lâu nhất, tóc tai rụng sạch nhất, sốt rét đeo đẳng dài nhất.
Năm 1955, "trên" rút ông về làm Hiệu trưởng trường cấp 2 xã Xuân Lộc, rồi trường xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc. Chiến tranh lan ra miền Bắc, một lần đưa học sinh tham gia đắp đập thuỷ lợi, máy bay Mỹ ào đến trút bom, 4 trò bị chết, thầy bị thương, ông là giáo viên đầu tiên của ngành giáo dục Hà Tĩnh hưởng chế độ thương binh 4/4 thời chống Mỹ.
Năm 1966, ông được đi học 2 năm tâm lý giáo dục tại ĐH Sư phạm I Hà Nội, được trường giữ lại làm giảng viên khoa Tâm lý. Sau mấy năm độc thân ở Hà Nội, ông xin chuyển về dạy ĐH Sư phạm Vinh để được gần nhà. Về Vinh năm trước, năm sau 1ha cây cối trong vườn nhà ông tại Sơn Bằng bị chặt bỏ, căn nhà gỗ vợ con đang ở cũng phải đưa lên núi.
Ông đôn đáo chưa lo nổi chỗ ở cho vợ con, thì Tỉnh uỷ Nghệ An ưu tiên cấp đất cho giảng viên ĐH Vinh. Được cấp 500m2 đất ở tại phường Trung Đô, ông đưa luôn cả vợ con và nếp nhà gỗ từ quê về Vinh. Lo xong chỗ ăn ở cho vợ con, ĐH Vinh cử ông đi nghiên cứu sinh tiến sĩ khoá đầu tiên trong nước.
Với một giáo viên kinh qua dạy trường làng đến trường đại học, từ thập niên 1970, ông đã nhận ra nguyên nhân sâu xa khiến giáo dục của "đất học" Sơn Bằng đi xuống là do sự xáo trộn cộng đồng quần cư có bề dày gắn kết. Ngay sau phong trào "đưa dân vô rú, thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn" được lắng xuống, cũng là lúc phong trào học tập của con em Sơn Bằng tụt dốc trông thấy! Sự xáo trộn cộng đồng quần cư có bề dày gắn kết đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, từ đó dẫn đến phong trào giáo dục tụt dốc.
Điều đáng buồn là sự tụt dốc ấy kéo dài tới năm 1997 khi ông đã nghỉ hưu, đã vào "lão giả an chi" cùng gia đình người con trai thứ hai làm việc tại Sở Ngoại vụ TPHCM. Ngày đó, một số cán bộ, bạn hữu, học trò cũ của ông tâm huyết với sự nghiệp trồng người, đang ý định mở trường trung học phổ thông tư thục tại Sơn Bằng.
Tâm nghề + tình người = thành công!
Là người con xa quê lâu năm, ông cổ vũ chủ trương đúng đắn ấy và nhiệt tâm đóng góp kinh nghiệm giúp đội ngũ trẻ thực hiện thành công việc mở trường tư thục. Khốn nỗi, cùng với bạn bè đồng nghiệp, một số cán bộ đương chức đương quyền từ xã đến tỉnh là học sinh cũ của ông, cũng đề nghị ông vào cuộc với trách nhiệm trụ cột.
Mấy lần ông nêu lý do: Một đời gắn bó với bảng đen phấn trắng, thương binh 4/4, nay nhức đầu mai ôm bụng, ở tuổi 64 muốn được nghỉ ngơi dưỡng già, nên xin đứng sau cánh gà "nhắc vở" để đội ngũ trẻ thực hiện dự án thành công. Song với cái lý: Có tiền là xây được một ngôi trường khang trang, để trường hoạt động tốt, chất lượng giáo dục được người dân thừa nhận thì không phải ai cũng làm được. Vậy là mọi người vẫn biểu quyết ông làm trụ cột: "Thầy cứ mạnh dạn làm. Trong phạm vi quyền hạn được giao, chúng em tích cực hỗ trợ thầy!".
Không thể để lũ trẻ trong độ tuổi học trò của Sơn Bằng và các xã lân cận bị đứt đoạn giữa đường, tình thương - lương tâm - trách nhiệm của một nhà giáo chân chính thường trực trong ông và dù ngôi trường tư thục đầu tiên tại địa phương đang trên giấy, nhưng đã cuốn ông tiến sĩ trở về với một thời "đất học" Sơn Bằng. Về mà vẫn để cả hộ khẩu, lương hưu tại TPHCM.
Về ngồi lên lưng hổ rồi, bấy giờ ông mới giật mình: Việc "đầu tiên" xây dựng trường là tiền đâu? Đã không chối nổi mới phải ngồi lưng hổ, mà đã ngồi lên hổ thì phải đến cùng, nhảy xuống giữa đường là... hết sống.
Được vợ con đồng ý, ông bán căn nhà gỗ cùng toàn bộ khuôn viên 500m2 tại TP.Vinh, thiếu bao nhiêu liều vay anh em bạn bè, giật gấu vá vai, cả nhà tập trung cùng lo "ngôi trường danh dự" của quê hương, của bao người tin tưởng gửi gắm vào ông. Đến một ngày, ngôi trường mang tên nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện hiện ra trong khu vườn rộng 1ha từ 3 đời để lại, cũng là lúc vợ con phải đưa ông tiến sĩ vào cấp cứu tại Bệnh viện TPHCM.
|
Loáng đã 10 năm!
Sự khác biệt giữa trường tư thục Nguyễn Khắc Viện với các trường công lập ở chỗ: "Đầu thải" của các trường trung học phổ thông công lập (số học sinh không đủ điểm kỳ thi chuyển cấp) lại là đầu vào của trường ông. Ông tổ chức lớp học theo giới tính. Họp phụ huynh không theo từng lớp, mà theo địa bàn cư trú của học sinh, mời cán bộ xã, cán bộ xóm cùng họp, nhà trường - địa phương - phụ huynh cùng phải biết tình hình học tập rèn luyện của từng em. Sau 2 hoặc 3 tiết học, nghỉ giải lao một lần, thời lượng nghỉ giải lao của trường đảm bảo đúng bằng tổng thời lượng nghỉ giải lao số các tiết học theo quy định chung của bộ.
Năm học 2008-2009, trường có 28 lớp/1.600 học sinh, mức học phí theo quy định Nhà nước, 40 giáo viên hợp đồng đều đang dạy tại các trường công lập. Hai năm nay, chú trọng tiếng Anh, ông quyết định triệu hồi người con trai thứ hai (tốt nghiệp khoa tiếng Anh ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, làm việc tại Sở Ngoại vụ TPHCM) về đảm đương dạy tiếng Anh tại trường.
Một số khác biệt nêu trên là kết quả ứng dụng thực tiễn của luận án tiến sĩ "Giáo dục học sinh ngoài giờ lên lớp", được ông đặt ra gần 40 năm trước: Muốn giáo dục đào tạo con người có đức - trí - tài thì không thể đóng khung trong giờ lên lớp. Điều ông hướng tới là tạo những con người theo đúng quy luật phát triển khách quan, khi ra trường phục vụ tốt mục đích xã hội. Luận án tiến sĩ của ông được hội đồng bảo vệ đánh giá cao, đến nay vẫn được Bộ GDĐT áp dụng.
Giao Hưởng
Bình luận (0)