Trước đó, ông đã có một dự án 'kỳ lạ' là đi theo những người cận tử để tìm câu trả lời: nên ứng xử thế nào trước cái chết và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?
Nhìn vào cái chết để rút ra bài học cho cuộc sống
|
Nhiều người không muốn nói tới cái chết, dường như hy vọng rằng, không nhắc tới nó thì nó sẽ quên ta đi. Tôi muốn chọn một cách tiếp cận ngược lại. Đó là nhìn thẳng vào cái chết để rút ra nhiều bài học cho cuộc sống. Đây là lý do tôi tìm tới những người cận tử và xin phép họ cho tôi đi cùng những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời họ.
Ông đã gặp những ai và điều gì đã để lại ấn tượng nhất?
Tôi đã gặp rất nhiều người, ở các tôn giáo khác nhau, từ các bác sĩ, điều dưỡng, các nhà sư, các linh mục, đặc biệt là những người đã trải qua mất mát người thân và những người đang trên đường đến với cái chết, để biết họ suy nghĩ về cái chết ra sao. Những người gần chết họ sẽ hiểu được cái gì là quan trọng nhất của cuộc sống. Nếu ai ý thức về nó thì sẽ không bị cuốn vào những cái phù du và sẽ sắp xếp lại cuộc sống của mình để sử dụng thời gian một cách ý nghĩa hơn. Tôi đã từng gặp những người sống đến 80 tuổi, nhưng trước cái chết, họ vẫn còn day dứt vì có nhiều việc chưa làm được. Có những người chết ở tuổi 20 nhưng họ vẫn mãn nguyện với cuộc sống của mình.
|
Thông điệp ông muốn nói là gì sau khi nghiên cứu về cái chết?
Tôi hiểu rằng, cái chết là một phần tất yếu của cuộc sống. Một lúc nào đó nó sẽ xảy ra, dù muốn hay không. Thay vì sợ hãi, ý thức về cái chết trước mặt khiến tôi ý thức rõ ràng hơn về thời gian tôi còn có trong tay. Đối mặt và suy nghĩ về cái chết khiến tôi trân trọng cuộc sống hơn, loại bỏ dễ dàng hơn những điều phù phiếm tầm phào và tập trung vào những điều quan trọng với mình.
Với những người biết mình sẽ chết, họ sẽ dành tình cảm cho những người xung quanh và những người thân cũng sẽ dành cho họ những tình cảm đặc biệt hơn. Tôi hình dung là mỗi người được cấp một cái phiếu để xuất hiện trên trái đất này. Cái phiếu có hạn, nhưng không ai biết thời điểm nó hết hạn. Tất cả chúng ta rồi cũng phải chết, vậy thì tại sao ta không sống như những người biết mình sắp chết? Và, tôi hiểu rằng, nếu muốn có một “kết thúc” đẹp đẽ, người ta phải ý thức được điểm đến của cuộc đời và sẽ không phải nuối tiếc những ngày đã sống.
Cần được chết nhẹ nhàng
Trong những bài viết về những người cận tử, ông có đề cập đến việc cần trợ tử đối với những bệnh nhân ung thư để họ có được một cái chết nhẹ nhàng hơn. Vì sao ông lại muốn như vậy?
Quan niệm của người Việt là “còn nước còn tát”. Tuy nhiên, với những bệnh nhân ung thư, những ngày cuối cùng của cuộc đời họ đau đớn tột cùng và nếu được chết sẽ là một cái chết nhân đạo. Ở giai đoạn cuối, trọng tâm của các can thiệp không nằm ở chữa bệnh nữa, mà hướng người bệnh có chất lượng cuộc sống cao nhất trong thời gian còn lại của họ. Ở các nước phát triển, sẽ có một nhóm liên ngành làm việc này, gồm nhân viên xã hội, chuyên gia tâm lý, bác sĩ và điều dưỡng, giáo sĩ hay nhà sư... Tất cả là để hướng đến một cái chết thanh thản, nhẹ nhàng về thể xác, yên ổn về tinh thần. Ngược lại với nó là cái chết thê thảm, những cái chết trong đau đớn, trong nỗi canh cánh cho người ở lại và trong sự khánh kiệt.
Trong hành trình cận tử, ông đã đến gặp bác sĩ của Bệnh viện K, để xin được cấp thuốc chống đau cho những nhân vật của mình. Và chỉ cần bác sĩ ký cho một tờ giấy giới thiệu, thì đã giúp gia đình bệnh nhận ra khỏi địa ngục, như ông đã viết. Phải chăng đây là điều còn bất cập của ngành y tế?
Theo tôi, trở ngại mang tính cấu trúc lớn nhất ở VN hiện nay là chúng ta chưa đưa chăm sóc giảm nhẹ vào mạng lưới y tế cộng đồng, trong khi đa số những người có nhu cầu, những người bệnh giai đoạn cuối lại ở nhà.
Tôi đã có dịp trò chuyện với ông Eric Krakauer, phó giáo sư chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ của Trường ĐH Harvard và ông cũng là người đã lăn lộn nhiều năm để giúp đỡ VN trong lĩnh vực này. Trong hình dung của ông Krakauer, thì các nhân viên y tế cần phải đến tận nhà thăm người bệnh giống như người ta đến để tuyên truyền phun thuốc diệt muỗi, họ xác định nhu cầu morphine (thuốc giảm đau - PV) rồi báo lên huyện để cấp thuốc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ở VN đã không làm được dù “chỉ sau nửa ngày đào tạo thì các nhân viên y tế cộng đồng có thể làm được việc này”, ông Krakauer đã không mệt mỏi nói với các quan chức Bộ Y tế về điều này. Bên cạnh đó, hiện các bác sĩ đã hạn chế kê đơn morphine, do đó nhà nước không nắm được nhu cầu thực tế, dẫn tới khối lượng nhập khẩu thấp và đã thiếu morphine...
Hiến tạng là điều tuyệt vời nhất
Ông đã viết trong cuốn sách Điểm đến của cuộc đời rằng: “Giá trị của cái chết là nó giục giã chúng ta sống một cuộc sống có ý thức”. Phải chăng điều này đã khiến ông đưa cả gia đình đi hiến tạng?
Trong thời gian đi cùng những người cận tử, tôi đã hiểu một cách sâu sắc rằng tôi sẽ chết. Nhưng ý thức này đã không còn làm tôi chán nản, mà nó nhắc nhở tôi cần tập trung vào những điều cốt lõi trong cuộc sống. Tôi điềm tĩnh và bình thản hơn trước những nháo nhác ngoài xã hội. Trong hành trình này, tôi cũng đã gặp Vân, người sống ở một làng quê nghèo, trình độ học vấn không cao, nhưng đã phá bỏ mọi định kiến xã hội rằng chết phải toàn thây, để làm được việc có ích là hiến giác mạc của mình cho y học.
Trong khi giúp Vân thực hiện ý nguyện này, tôi cũng được biết, hiện cả nước có hàng chục ngàn người đang cần được ghép mô tạng để duy trì sự sống. Tuy nhiên, số người đăng ký hiến tạng vẫn còn rất ít. Thấy được giá trị của việc hiến tạng, nên tôi đã cùng gia đình làm việc này.
Thưa ông, việc này với ông có thể là đơn giản vì ông đã có nhiều trải nghiệm, nhưng với vợ ông và nhất là các con ông còn chưa đến tuổi trưởng thành (17 tuổi và 11 tuổi) thì liệu có gặp khó khăn không?
Khi tôi nói ra điều này thì cả nhà đều đồng ý, vì trong quá trình đến với những người cận tử, tôi cũng thường xuyên chia sẻ với vợ con. Họ cũng hiểu được hiến tạng là sự tuyệt vời nhất, vì sẽ được tái sinh.
Khi cầm tờ phiếu đăng ký hiến mô tạng, con gái Mai An cũng có vẻ lưỡng lự và nói “con sợ” nhưng tôi đã giải thích rằng: “Nếu đăng ký hiến tim, một ngày nào đó, khi con không còn nữa, trái tim con sẽ cứu sống một bạn khác đang cần tới nó”. Nghe xong, Mai An đặt bút đánh dấu vào ô hiến tim một cách dứt khoát, không chút do dự... Quan sát những người đăng ký hiến tạng và cả gia đình mình đăng ký, tôi thấy ai cũng cười cả. Cười vì mình vừa làm được việc có ý nghĩa và thấy được rằng mình sẽ không bị tan biến vào hư vô, một phần cơ thể của mình sẽ được người khác đón nhận và mình sẽ được tồn tại tiếp...
Ông Đặng Hoàng Giang (52 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng có 20 năm sống ở Áo và mang quốc tịch nước này. Ông vốn là học sinh chuyên toán, học đại học chuyên ngành công nghệ thông tin tại Đức và làm luận án tiến sĩ về kinh tế phát triển tại Áo.
Khi về VN, ông hoạt động trong các dự án xã hội. Hiện, ông là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội KH-KT. TS Đặng Hoàng Giang là tác giả cuốn sách Điểm đến của cuộc đời vừa ra mắt vào đầu năm 2018. Ông cũng là tác giả 2 cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone và Bức xúc không làm ta vô can, trong đó có một đoạn được trích dẫn vào đề thi môn ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2017, với từ “thấu cảm” gây sóng gió trong dư luận. Đồng thời ông còn có nhiều bài viết gây ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội như bài Mẹ ơi con tạm biệt mẹ...
|
Có sức tác động xã hội
TS TRẦN NGỌC HIẾU (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Dám chọn những đề tài gai góc
Nhà sản xuất, phê bình phim MARCUS MẠNH CƯỜNG VŨ
Một hành trình khốc liệt và đầy nhân văn
NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY (Biên tập viên NXB Nhã Nam)
|
Bình luận (0)