'Ông' trách nhiệm ở đâu?

25/08/2016 05:37 GMT+7

Để đi vào hoạt động, một dự án phải trải qua rất nhiều cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép nhưng khi xảy ra sự cố, chỉ có chủ đầu tư chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý hầu như vô can.

Đây được coi là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến tình trạng vi phạm về môi trường ngày càng trở nên phổ biến hiện nay.
Nếu không ai phải chịu trách nhiệm thì sẽ không ai sợ hãi hay “chùn tay” trong việc ký duyệt thông qua các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thiếu chất lượng hay cấp phép các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Trong khi xu hướng đầu tư của nguồn vốn nước ngoài vào VN như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nhận xét, đang dịch chuyển sang các dự án thâm lạm năng lượng, khoáng sản, không thân thiện với môi trường. Nếu “bộ lọc” đầu vào không đủ mạnh về năng lực chuyên môn, về sự liêm chính, sự ràng buộc về trách nhiệm thì rất khó để ngăn ngừa tình trạng vi phạm về môi trường.
Trên thực tế, xét về mặt quản lý, chúng ta có cả một bộ máy khổng lồ kiểm soát mỗi dự án. Hãy thử điểm lại quy trình cấp phép sẽ thấy, một dự án đầu tư thông thường phải trải qua rất nhiều giai đoạn, từ khi lập đề án, thiết kế, thi công, xây dựng, quy hoạch, thẩm định ĐTM... mỗi khâu lại có một hoặc vài cơ quan có thẩm quyền xem xét rồi mới cấp phép. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và vẫn đang kêu trời vì phải chạy quá nhiều cửa, thậm chí mất vài năm mới xong khâu thủ tục. Đáng nói là cơ quan “duyệt” thì nhiều nhưng khi xảy ra sự cố hầu như chỉ có chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Đây chính là vấn đề gây bức xúc trong dư luận lâu nay.
Đáng lo ngại nhất là buông lỏng khâu thẩm định, kiểm duyệt ĐTM. Theo quy định hiện hành, ĐTM là khâu hết sức quan trọng, phải được lập trước khi thực hiện dự án. Mục đích của việc lập ĐTM là để biết được tầm ảnh hưởng của dự án đến môi trường xung quanh so với mức tiêu chuẩn quy định, từ đó mới ra quyết định phê duyệt dự án hay không. Trong quá trình lập ĐTM, chủ đầu tư, tư vấn, chính quyền địa phương nơi đặt dự án phải thường xuyên trao đổi, tham vấn cộng đồng... Đây là một thủ tục pháp lý không thể thiếu ở các nước trên thế giới nhưng ở VN lại bị coi nhẹ, chỉ được xem như một thủ tục hành chính và phụ thuộc hoàn toàn vào báo cáo của chủ đầu tư.
Tiền kiểm lỏng lẻo, hậu kiểm (thanh - kiểm tra quá trình vận hành, triển khai dự án) cũng không chặt chẽ hơn. Hậu quả là dự án vừa đi vào hoạt động, thậm chí mới chỉ chạy thử đã gây ô nhiễm mà điển hình là vụ Formosa thải độc ra biển, khiến cá chết tại 4 tỉnh miền Trung hiện nay. Rồi dự án nhà máy lớn nhất VN Lee&Man nằm ngay bên bờ sông Hậu đến sát ngày hoạt động mới ngã ngửa rằng chưa hề có ĐTM tổng thể...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong Hội nghị trực tuyến về môi trường diễn ra vào hôm qua, cũng nhiều lần nhấn mạnh về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan cấp phép. Theo Thủ tướng, cấp phép đến đâu, chịu trách nhiệm đến đó, phần nào của Bộ, phần nào của địa phương phải được phân định rạch ròi và phải có người chịu trách nhiệm cụ thể.
Chúng ta có đầy đủ ban, bệ kiểm soát đầu vào thì không có lý do gì không tìm được “ông” trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.