Ngày 20.12, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Hùng, liên quan đến đường dây sản xuất sách giáo khoa giả có quy mô cực lớn.
Ngoài ông Hùng, một số bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.
Hồi tháng 7, ông Hùng bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù về tội nhận hối lộ. 35 bị cáo khác bị tuyên thấp nhất 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 10 năm tù, về các tội: sản xuất, buôn bán hàng giả; môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo bản án sơ thẩm, từ đầu năm 2021 đến tháng 6.2021, Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, cùng đồng phạm sản xuất, nhập kho tổng cộng gần 9,5 triệu quyển sách giáo khoa giả với tổng giá trị hơn 260 tỉ đồng. Nhóm này đã tổ chức tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển.
Ông Trần Hùng kêu oan vì bị tuyên 9 năm tù tội nhận hối lộ
Trước khi đường dây này bị phát hiện, ngày 9.7.2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 quyển sách giáo khoa giả. Biết ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo, bị cáo Thuận thông qua bị cáo Hải đưa cho bị cáo Trần Hùng 300 triệu đồng.
Nhận tiền, bị cáo Hùng hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, đồng thời can thiệp, tạo điều kiện xử lý vụ việc theo hướng vi phạm hành chính thay vì chuyển sang cơ quan điều tra.
Quá trình xét xử, 35/36 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Trần Hùng là người duy nhất kêu oan từ đầu tới cuối.
Tham gia bào chữa, luật sư cho rằng cơ quan tố tụng dựa vào lời khai đầy mâu thuẫn của Nguyễn Duy Hải (người được cho là môi giới, chuyển tiền hối lộ của bị cáo Thuận cho ông Hùng) để buộc tội ông Hùng là không khách quan; ông Hùng không có quyền hạn gì trong việc xử lý vi phạm của Công ty Phú Hưng Phát.
Luật sư còn dẫn dữ liệu từ các cột sóng điện thoại của nhà mạng MobiFone, cho thấy tại thời điểm xảy ra vụ việc, ông Trần Hùng đang ở Q.Ba Đình (Hà Nội), còn bị cáo Hải đang ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) và Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội). Hai bên không gặp nhau nên không thể có chuyện đưa, nhận hối lộ.
Tuy nhiên, theo HĐXX, ông Trần Hùng là Tổ trưởng Tổ 304, có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin các vụ việc vi phạm, tham mưu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm.
Vụ việc Công ty Phú Hưng Phát bị phát hiện, Cao Thị Minh Thuận liên hệ với bị cáo Hùng nhờ giúp đỡ, ông Hùng ra điều kiện sẽ tha nếu nữ giám đốc chỉ ra các cơ sở vi phạm khác. Tiếp đó, bị cáo Thuận thông qua bị cáo Hải đặt vấn đề sẽ đưa tiền cho bị cáo Hùng.
Xem nhanh 12h: Hoãn xét xử ông Trần Hùng tội nhận hối lộ vì nhân chứng không đến
Nhận 300 triệu đồng, ông Trần Hùng hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, từ sách giả thành sách do người khác ký gửi; đồng thời chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 17 xử lý vụ việc theo hướng mà bị cáo Thuận thay đổi lời khai. Vụ việc lẽ ra phải được chuyển sang cơ quan điều tra thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Vẫn theo HĐXX, mặc dù lời khai của Nguyễn Duy Hải có khác nhau về thời điểm đưa tiền, nhưng xuyên suốt đều thể hiện bị cáo Thuận thông qua bị cáo Hải đưa tiền cho bị cáo Hùng. Việc đưa tiền diễn ra tại phòng làm việc của bị cáo Hùng.
Thêm vào đó, lời khai của bị cáo Hải phù hợp với lời khai người làm chứng, lời khai của bị cáo Thuận và những người liên quan, phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra cũng như sơ đồ hiện trường diễn ra việc đưa tiền do bị cáo Hải tự vẽ.
Riêng về dữ liệu liên quan đến cột sóng điện thoại, HĐXX dẫn lại trình bày của đại diện MobiFone, cho thấy chỉ với dữ liệu này thì không đủ căn cứ xác định thời điểm xảy ra vụ việc bị cáo Hùng đang ở Q.Ba Đình.
Từ những căn cứ đã nêu, HĐXX khẳng định bị cáo Trần Hùng không oan.
Bình luận (0)