Ông Trần Sỹ Thanh làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, vị trí thứ 13 trong 17 năm

07/04/2021 09:35 GMT+7

Sáng 7.4, với đa số đại biểu có mặt tán thành, ông Trần Sỹ Thanh đã được Quốc hội bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước , vị trí công tác thứ 13 của ông trong vòng 17 năm nay, kể từ 2004.

Sáng 7.4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước với 462/462 đại biểu có mặt đồng ý (đạt 96,25% tổng số đại biểu).
Trước đó, chiều 6.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giới thiệu ông Trần Sỹ Thanh, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước. 
Như Thanh Niên đã đưa tin, trong vòng 17 năm, từ 2004 - 2021, ông Trần Sỹ Thanh đã trải qua 12 vị trí công tác, với nhiều công việc chuyên môn khác nhau. Tổng Kiểm toán Nhà nước là vị trí thứ 13 của ông. Có thể nói, trong hệ thống, hiếm có ai trải qua nhiều vị trí trong thời gian ngắn như ông Thanh.
Năm 2004, khi 33 tuổi, ông Trần Sỹ Thanh được bổ nhiệm Chánh văn phòng Kho bạc Nhà nước, 3 năm sau, trở thành Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam.
Năm 2008, ông Thanh trở thành Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khi 37 tuổi và trở thành Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk 2 năm sau đó, rồi được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI, tham gia Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Năm 2012, ông Thanh thôi tham gia Ủy ban Kiểm tra T.Ư để trở thành Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang thay ông Nông Quốc Tuấn (con trai nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh) về giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. 
Gần 3 năm sau, vào năm 2015, ông Thanh lại được bầu bổ sung vào Ủy ban Kiểm tra T.Ư; đến tháng 2.2015, được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Khi trúng Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII vào năm 2016, ông là một trong 12 người trẻ nhất trong T.Ư.
8 tháng sau, vào tháng 10.2015, ông Thanh được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn.
Tháng 12.2017, theo phân công của Bộ Chính trị, ông Trần Sỹ Thanh về làm Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
3 năm sau, tháng 8.2020, ông được điều về làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Đến nay, chỉ sau 7 tháng, ông lại được bầu vào cương vị mới. Ông Thanh chưa làm trọn nhiệm kỳ ở bất cứ vị trí nào kể từ năm 2004.
Ông Thanh có nhiều phát biểu đáng chú ý trên cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, vào thời điểm tập đoàn này đang gặp khủng hoảng trầm trọng, khi hàng loạt nhân sự vướng vòng lao lý và nhiều dự án "đắp chiếu".
Tháng 7.2019, khi họp “giải cứu” dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, một dự án hơn 40.000 tỉ đồng đắp chiếu, ông Thanh “thiết tha đề nghị phải có ý chí, quyết tâm đi tiếp, để cho anh em chúng tôi có niềm tin; riêng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, về mặt pháp lý để dự án này có thể phát điện", vì cứ để như vậy, mỗi ngày phải trả tiền lãi vay 6 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa được gỡ vướng.
Cũng trong thời gian này, ông Thanh ví PVN như “gái lỡ thì”, nhưng “đòi hồi môn quá cao”, nên khó thu hút vốn đầu tư.
Theo ông Thanh, cơ chế, chính sách tạo rủi ro vô cùng lớn cho những người hoạt động dầu khí, khiến họ luôn "ngấp nghé trên bờ vực sai phạm". Gỡ khó về cơ chế là một trong những việc ông Thanh kiến nghị. 
Trên cương vị mới được đề cử, ông Thanh sẽ gánh vác trách nhiệm ông Hồ Đức Phớc để lại với thành tích kiến nghị xử lý tài chính hơn 350.000 tỉ đồng trong nhiệm kỳ này, gấp 3,5 lần nhiệm kỳ trước, nhưng cạnh đó cũng còn nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết, như phạm vi kiểm toán chưa đủ bao phủ theo luật định, hay các báo cáo kiểm toán chưa được công khai, minh bạch kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.