Chiều 19.8, UBND Q.Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) đã tổ chức buổi họp báo để cung cấp cho các cơ quan báo chí về những thông tin cơ bản về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024.
Lễ hội không bán vé, phát hành 18.000 giấy mời
Tại buổi họp báo, ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND Q.Đồ Sơn, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024, cho biết sẽ có 16 "ông trâu" tham dự lễ hội kéo dài từ ngày 3.9 đến ngày 18.9.
Năm nay, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tròn 35 năm kể từ khi được khôi phục năm 1990.
Kỳ lễ hội năm nay, ban tổ chức tiếp tục không bán vé mà phát hành 18.000 giấy mời.
"Ông trâu" giành giải nhất được tặng 100 triệu đồng, giải nhì 60 triệu đồng, đồng giải ba 30 triệu đồng.
Kiểm tra doping, chất cấm đối với các "ông trâu" tham dự lễ hội
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Ngô Văn Huy, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT Q.Đồ Sơn, cho hay để đảm bảo sự công bằng, khách quan, an toàn, trước khi diễn ra lễ hội, các "ông trâu" phải vượt qua 3 lần kiểm tra về sức khỏe.
"Các lần kiểm tra phải đảm bảo trâu có độ thuần, không hung dữ, không tấn công người. Từ trước đó, chủ trâu đã đưa trâu đến các khu vực có đông người qua lại, múa cờ, khua chiêng trống để trâu làm quen với không khí của lễ hội", ông Huy nói.
Ban tổ chức lễ hội của các phường có trâu tham dự phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các trâu; khi phát hiện trâu có biểu hiện hung dữ, tấn công người, phải cương quyết loại khỏi danh sách trâu tham dự lễ hội, chủ động phương án thay thế. Chủ tịch UBND các phường phải chịu trách nhiệm nếu trâu của phường mình có biểu hiện gây mất an toàn mà vẫn đăng ký tham gia lễ hội.
Vẫn theo ông Huy, như mọi năm, trước ngày diễn ra lễ hội, các "ông trâu" sẽ được tiến hành lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm xem có sử dụng doping, chất cấm, chất tăng lực hay không. Trâu sử dụng chất cấm cũng sẽ bị loại và được thay thế bằng trâu khác.
"Trâu khi "xung trận" đã được phong thần nên mới gọi là "ông trâu", ở lễ hội còn mang màu sắc tâm linh nên từ trước đến nay chưa phát hiện trâu nào dùng chất cấm", ông Huy thông tin thêm.
Bình luận (0)