Thống kê của Điện lực Nam Định cho biết có 1.900 cột trung thế và 18.000 cột hạ thế bị xô nghiêng hoặc gãy đổ. Con số khiến ai cũng phải giật mình! Và không chừng, những con số tiếp theo để khắc phục sự cố này cũng có thể sẽ khiến chúng ta giật mình thêm lần nữa.
Thực tế là cơn bão số 1 vừa qua không quá mạnh. Vậy mà cột điện gãy đổ quá nhiều! Khắc phục sự cố để sớm đưa điện trở lại phục vụ người dân là việc phải tập trung làm lúc này. Nhưng cũng đừng vì chuyện gấp rút đó mà quên đi trách nhiệm phải đi đến tận cùng nguyên nhân của chuyện bất thường này.
Một kỹ thuật đơn giản và tối thiểu về giải quyết vấn đề là việc đặt một chuỗi ít nhất 5 câu hỏi đuổi “Tại sao?” có thể giúp truy tìm nguyên nhân thực sự của một vấn đề nào đó (kỹ thuật 5 Whys).
tin liên quan
Hà Nội ngổn ngang trong mưa bão, gió giậtHà Nội nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 1 và đang có gió giật mạnh cấp 7, khiến nhiều cây cối, phương tiện ngã đổ ngổn ngang trên đường phố.
Một lãnh đạo Điện lực Nam Định đã thừa nhận nhiều cột điện tại Nam Định chưa đảm bảo chất lượng, là một phần nguyên nhân dẫn đến gãy, đổ. Vậy tại sao cột điện ở Nam Định chất lượng kém? Là do “lịch sử”. Nếu có thể chấp nhận câu trả lời này thì đây cũng chỉ mới là lượt hỏi lần thứ nhất. Nếu thật sự muốn tìm kiếm nguyên nhân của vấn đề để khắc phục và ngăn chặn về sau thì phải đặt thêm ít nhất 4 lần câu hỏi nữa.
Chắc chắn trong những lượt đặt câu hỏi tiếp theo, điện lực sẽ chạm đến lý do “trách nhiệm của đơn vị thầu, thi công”. Rồi sẽ là bồi thường, rồi sẽ là “trảm tướng”, thậm chí có khi còn là xem xét nhân thân tốt của người có liên quan để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự... Nhưng đó không thể là lượt đặt câu hỏi “Tại sao?” sau cùng.
Lượt hỏi sau cùng sẽ dẫn đến nguyên nhân không thể chối cãi. Rằng chính sự làm ăn gian dối một cách có hệ thống ở những công trình dùng tiền công mới là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Bờ kè và trụ điện ở Đà Nẵng năm 2009 bị gió bão đánh vỡ, gãy; tháp truyền hình Nam Định bị gió bão xô đổ năm 2012, giờ là hàng vạn cột điện ở Nam Định. Nguyên nhân tận cùng đâu phải do gió bão. Bờ kè không lõi thép. Cột điện không móng. Cột tháp thiết kế và thi công sai.
tin liên quan
Bão không mạnh nhưng thiệt hại lớnMưa bão số 1 đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 11 người bị thương, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu và đặc biệt là ngành nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Ở những công trình đó luôn có đầy đủ các ban bệ từ chủ đầu tư cho đến tư vấn, thiết kế, giám sát, thanh tra. Nhưng gian dối vẫn hoàn gian dối.
Vì làm ăn gian dối cả dây nên cuối cùng ai thật sự giám sát chất lượng? Là dân. Tháng 5 vừa rồi một nông dân Nam Định tố cáo vụ cột điện 220 kV thi công gian dối. Và ai giám sát nữa? Trớ trêu thay, là “ông trời”.
Có lẽ nào, trước những chuyện trớ trêu như chuyện làm ăn gian dối thành dây thành chùm xúm lại che giấu, phải đợi khi trời gió bão thì mới vỡ ra, chúng ta lại phải thở dài rồi ngẩng mặt lên trời mà kêu: “Lạy trời cho gió nổi lên - Vỡ bung vỡ bét công trình dối gian!”.
Bình luận (0)