Ông viết kịch bản, đạo diễn, nghiên cứu, phê bình lý luận, tập hợp các nghệ nhân đến nhiều vùng miền dạy hướng dẫn dựng vở, dạy học trò. Nhà thơ Huy Cận đã viết tặng người bạn gắn cuộc đời với nghiệp chèo bài thơ, gọi ông với danh xưng “trùm chèo”. Từ đó, đi đến đâu Trần Bảng cũng được mọi người gọi là ông “trùm chèo”.
NSND Trần Bảng sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông đã có công dựng lại nhiều vở chèo cổ, chèo dân gian như: Quan m Thị Kính, Súy Vân, Lưu Bình Dương Lễ, Nàng Thiệt Thê, Trinh Nguyên, Từ Thức, Lọ nước thần và các tác phẩm chèo hiện đại. Ông đóng góp nhiều công trình nghiên cứu, lý luận quan trọng: Khái luận về chèo, Kỹ thuật biểu diễn chèo, Chèo - Một hiện tượng sân khấu dân tộc... Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. |
Thời thế đưa đẩy
Nhưng cái duyên đến với chèo của NSND Trần Bảng thật lạ, đơn giản chỉ là vì “thời thế đưa đẩy”. Từ nhỏ, ông được bố là nhà văn Trần Tiêu và bác là nhà văn Khái Hưng hướng đến văn chương, để sau này nối nghiệp nhà. Nhưng đến khi Trần Bảng mười chín đôi mươi, thời cuộc thay đổi, văn chương có ít đất để phát triển. Trong khi, khắp nơi sinh hoạt văn nghệ - chủ yếu là sân khấu đang rộn rã. Năm 1946, Trần Bảng thành lập đội kịch tuyên truyền nhỏ có tên Sao Mai. Nhờ có sẵn năng khiếu văn chương ông viết kịch bản rồi kiêm luôn đạo diễn. Đến năm 1952, Trần Bảng được phân công về đoàn văn công T.Ư mới thành lập trên Việt Bắc, gồm có tổ kịch (Thế Lữ là tổ trưởng, ông là tổ phó), tổ chèo và tổ ca múa. Thời điểm ấy, Trần Bảng chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày viết kịch bản hay làm đạo diễn chèo. Và chẳng ai có thể tưởng tượng một người Tây học như Trần Bảng lại thích và có khiếu với nghệ thuật truyền thống.
Thời điểm bước ngoặt là năm 1953 khi T.Ư chỉ thị các đoàn văn công chú ý khai thác các di sản văn hóa dân tộc. Sau đợt đi thực tế, Trần Bảng có viết kịch bản kịch nói, được khuyến khích ông thử chuyển sang kịch bản chèo. Trong lần chọn vở diễn cho hội nghị T.Ư, đoàn văn công tại Việt Bắc chuẩn bị một vở kịch nói và mang theo vở chèo Chị Trầm mà Trần Bảng vừa dựng để góp vui. Nhưng bất ngờ là vở chèo của ông lại được chọn. Một kịch bản đơn giản, nhưng nhờ có yếu tố chèo đã dễ dàng đi sâu vào lòng người và tạo được không khí mới mẻ. Có thể coi đây là vở chèo hiện đại đầu tiên sau Cách mạng, được Trần Bảng viết khi ông mới 26 tuổi.
Trong buổi duyệt hôm ấy, Bác Hồ cũng có mặt. Xem xong Bác khen: “Cái phường chèo này hát hay lắm!” và mời Trần Bảng ngày hôm sau dùng cơm với Bác. Trong bữa cơm (có thêm anh hùng Nguyễn Thị Chiên, bác sĩ Trần Hữu Tước), Bác khen ông trẻ tuổi mà biết yêu văn hóa dân tộc như vậy là quý lắm và dặn phải học các cụ nghệ nhân, cố gắng giữ gìn, phát huy di sản. Sau đó một thời gian, ba tổ của đoàn văn công T.Ư ở Việt Bắc tách thành các đoàn riêng: đoàn kịch (tiền thân của Nhà hát Kịch Việt Nam), đoàn chèo (Nhà hát Chèo Việt Nam) và đoàn ca múa (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Với vị trí trưởng đoàn chèo, T.Ư cần một cán bộ trẻ, yêu và hiểu chèo, Trần Bảng được nghĩ ngay đến. Còn ông thì không khỏi băn khoăn. Nhưng thực tế bấy giờ, không ai biết về chèo (có chăng chỉ là các cụ nghệ nhân), Trần Bảng lại là người đã dựng một vở chèo hoàn chỉnh nên xứng đáng hơn cả. Nhà văn Hoài Thanh khích lệ ông: “Cậu cứ làm đi, mình tin chèo sẽ cho cậu sự nghiệp”.
|
Trả nợ cho chèo
|
Những ngày đầu, ông đã nghĩ ngay đến việc bảo tồn và phục dựng chèo cổ. “Thời điểm ấy, từ Nghệ An trở ra còn chưa tới hai mươi nghệ nhân, trong đó các nghệ nhân “trội” hẳn lên thì rất ít. Phải khai thác nhanh, chứ để nữa thì di sản sẽ mất hết” - NSND Trần Bảng nhớ lại. Ông cho tổ chức hội nghị nghiên cứu chèo, mời các nghệ nhân đến trình diễn. Một loại hình nghệ thuật của ông cha nhưng lại “lạ” với đương thời nên có tác động rất mạnh, đặc biệt là tới giới trí thức. Năm 1957, Trần Bảng dựng lại vở chèo Quan m Thị Kính. Trước người ta mới chỉ được xem những trích đoạn chèo cổ chưa bao giờ được xem trọn vở, nên ai ai cũng thấy ngỡ ngàng. Nguyễn Huy Tưởng ôm chầm lấy Trần Bảng thốt lên: “Tớ mê Thị Màu của cậu rồi đấy!”.
Trần Bảng quan niệm: “Kịch nói du nhập từ phương Tây có lý luận rõ ràng. Còn chèo là nghệ thuật trong dân gian, được các cá nhân bồi đắp cả trăm năm hình thành nên, chả có lý luận, sách vở gì cả”. Thành ra ông phải vừa làm vừa học - học ở các nghệ nhân, học trong văn hóa dân gian và học từ mỗi lần dựng vở. Ông không ngại dựng đi dựng lại nhiều lần, như vở Súy Vân và Quan m Thị Kính được dựng lại tới ba lần. Lần thứ hai dựng vở Quan m Thị Kính là một thất bại lớn nhưng cũng là bài học đắt giá cho ông. Khoảng những năm 64-65, có xu hướng “kịch hóa” sân khấu truyền thống như chèo, cải lương. Đến năm 1968, ông thử dựng Quan m Thị Kính theo kiểu cách đương thời thì giật mình nhận ra: lối diễn tinh tế, cách điệu - vốn là thế mạnh của chèo, bị thay bằng lối thô vụng. “Chèo phải như con chim được bay bổng, đưa tính kịch vào giống như cái dây cột chân chim lại” - Trần Bảng ngẫm ngợi. Vở diễn bị hỏng khiến ông day dứt và suy nghĩ mãi làm thế nào để trả đúng “hồn” cho tác phẩm. Và phải đến gần hai mươi năm sau, ông mới thấy mình sáng ra. Nhờ lần đến chùa Mía, nhìn thấy bức tượng Thị Kính ngồi ẵm đứa trẻ con ngây thơ, ông mới nghĩ: bấy lâu người ta xem vở chỉ nghĩ đến Thị Màu, mà lại ít biết cái nhân văn của Thị Kính. Vậy nên Thị Kính của Trần Bảng đã được nâng lên cao hơn với đức nhẫn, vị tha, bác ái, chịu đựng bao oan ức chỉ để nuôi một đứa trẻ, nâng niu một sự sống. Tác phẩm được dựng lại lần thứ ba vào năm 1985. Vở diễn đã được mang đi dự liên hoan sân khấu tại Berlin trong năm đó. Lần ấy, Trần Bảng đưa cả chiếu chèo sân đình với dàn đế lên sân khấu khiến ai cũng ngỡ ngàng. Nhưng ông hiểu, chỉ làm như vậy khán giả quốc tế mới cảm được hết cái độc đáo, cái hay của chèo. Khán giả ở dưới vỗ tay, còn trong cánh gà ông rơi nước mắt. Không chỉ vì vở diễn được khán giả đón nhận, mà vì ông đã thỏa tâm nguyện đã lâu: để thế giới được biết đến chèo.
Minh Ngọc
Bình luận (0)