Nổi tiếng với những vai diễn phản diện như ông trùm Bảy Xoài khét tiếng trong Những đứa con biệt động Sài Gòn… nhưng ít ai biết rằng vì đi phim, nghệ sĩ Hai Nhất từng trải qua biết bao cái tết nhớ đời.
Nghệ sĩ Hai Nhất kể lại chuyện đón tết xưa - Ảnh: Phan Giang |
Ông “trùm” gói bánh chưng
Sinh ra ở đất Bắc nên dường như những phong tục tập quán đặc trưng của vùng miền đã in sâu vào tâm trí diễn viên Hai Nhất đến tận bây giờ. Ông kể: “Ngoài Bắc cách đây hơn 50 năm còn nghèo lắm, nhưng mỗi khi sắp đến Tết là mọi người trong gia đình đều chuẩn bị từ rất lâu và rất tốt. Nói về truyền thống thì không ở đâu bằng ngoài Bắc vì người Bắc rất coi trọng ngày tết Âm lịch”.
Diễn viên Hai Nhất kể vào khoảng thập niên 40 - 50, ở các vùng nông thôn của miền Bắc, mỗi gia đình đều nuôi lợn, nuôi gà, nuôi cá, trồng rau… để chuẩn bị cho tết trước mấy tháng trời. Nhà ai có nghèo đến mấy thì tết cũng có cái bánh chưng, con gà để cúng ông bà, tổ tiên.
Nghệ sĩ Hai Nhất là con trưởng trong gia đình nên mỗi lần tết đến ông đều là người phụ bố mẹ chuẩn bị, đặc biệt là việc gói bánh chưng. “Tôi được cái khéo tay gói bánh nên năm nào tôi cũng “thầu” việc gói bánh chưng. Mà không những gói đẹp, tôi còn biết luôn cả bí quyết để có một chiếc bánh chưng ngon và là “trùm” gói bánh chưng đấy”, nam diễn viên tự hào kể lại.
Bí quyết của diễn viên Hai Nhất là ngoài gạo nếp ngon, đậu xanh, thịt thì cần chú ý đến muối và hành. Ngoài ra, còn có một thứ quan trọng không kém đó là lá dong. Bánh chưng có đẹp và xanh hay không là do lá dong. Nhớ lại ngày bé, mỗi khi mẹ sai đi hái lá gói bánh là những lần… bị mắng.
“Lúc bé cứ thấy lá to lại xanh nên thích lắm, mải miết hái những chiếc lá thật to, hái nhiều quá nên lúc nào cũng bị dư thế là bị mẹ mắng. Ấy thế mà vui. Có những lần gạo nếp còn thừa một ít không đủ làm cái bánh chưng lớn thì mấy đứa em xúm lại gói những chiếc bánh nhỏ xíu rồi lúc luộc chín đứa nào cũng tranh nhau”, ông hồi tưởng.
Cứ nói đến Tết xưa là ông lại nhớ nhà và những kỷ niệm thời thơ ấu với mảnh vườn trồng nhiều cây ăn quả như nhãn, hồng quân, chuối… và đặc biệt không thể thiếu hoa đào. “Đào ngày trước đẹp lắm chứ không như bây giờ cứ nhiều loại lai tạo. Ngày trước ông bà ta chọn đào là chọn kỹ lắm. Cây đào phải có gốc lớn, các nhánh cây bung xòe và đều nhau, có nhà chọn kỹ còn để ý đến búp đều nhau, hoa đều nhau… để mong mang lại sự sum vầy, thịnh vượng trong năm mới”, nghệ sĩ Hai Nhất kể lại.
Khi nhắc đến hoa đào, người nghệ sĩ già lại nhớ về những cái Tết với không khí mùa đông. Tết đúng vào mùa lạnh nên nhiều năm có những đợt gió mùa đông bắc về rét buốt thì không gì sánh bằng. Với những gia đình kha khá trong thôn thì bọn trẻ có áo ấm đẹp diện tết chứ nhà nghèo thì cứ có cái nào mặc cái đó không có áo ấm thì hai ba lớp áo mặc chồng lên nhau mà chống rét. Lúc đó thì chẳng ai tha thiết những áo sơ mi đẹp mà chỉ mong có cái áo đủ ấm để mặc. Ngồi ngẫm nghĩ về ngày xưa, ông cứ ngỡ những kỷ niệm đó chỉ vừa diễn ra ngày hôm qua.
Diễn viên Hai Nhất trong bộ phim Con gái ông trùm - Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
|
Cái Tết thập tử nhất sinh
"Từ khi bước vào con đường nghệ thuật này, nói không có tết thì không phải nhưng hầu như chưa có cái tết nào chuẩn bị kỹ và đầy đủ cả. Thậm chí có cả cái tết phải đi nằm bệnh viện. Cũng có cái tết, quay phim đến ngày 29, 30 rồi thì nhậu một bữa với anh em trong đoàn, sáng ngủ dậy đã thấy hết Tết", nghệ sĩ Hai Nhất tâm sự.
Đã qua ba phần tư cuộc đời, nghệ sĩ Hai Nhất vẫn nhớ như in cái tết suýt chết của mình. Sau khi quay xong bộ phim Mùa nước nổi (1985) trở về nhà được vài ngày thì 28 Tết ông bất ngờ sốt cao, phải nhập viện vì cơn sốt rét ác tính mang về sau chuyến đi đóng phim. Vì trước đó còn trên phim trường nên ông đã chủ quan, chỉ uống thuốc giảm sốt để cầm cự.
“Lúc tôi nhập viện thì cũng là lúc mắt tôi không thể nhìn thấy gì ngoài một màu vàng nhạt. Bác sĩ bảo người nhà tôi rằng chậm mấy phút nữa là chết rồi vì bệnh nhân bị cạn hồng cầu, hồng cầu trong máu bị khô gần hết. Khi nằm cấp cứu, đạo diễn tới thăm, tôi bảo chắc em không trụ nổi để xem phim anh phát sóng rồi. Cứ tưởng là chết vì sức yếu lắm, mê man nhiều ngày liên tục không tỉnh. Vậy mà may sao, tôi nằm viện hơn một tháng trời thì xuất viện”, diễn viên Hai Nhất kể lại.
Đón tết trên giường bệnh cũng chính là kỷ niệm nhớ đời với ông. Cái tết thập tử nhất sinh. Đó là chưa kể những cái tết khó khăn, chật vật mà ông từng trải qua.
Thời bao cấp cơm không có ăn thì làm phim là một điều xa xỉ chứ không nói đến việc kiếm thù lao “khủng” như ngày nay. Đi một bộ phim mất ba, bốn năm mới xong 1 tập phim nhựa nhưng nhận tiền thù lao có khi trả nợ hết cũng chả còn lại đồng nào. Trong khi đó tiền ăn uống chi tiêu phải tự lo.
“Cô biết đấy, đàn ông con trai đi đóng phim xa nhà buồn lắm, cứ đóng xong lại rủ mấy ông trong đoàn làm vài chầu để giải lao. Không có tiền trả bữa nhậu thì ghi sổ nợ. Đến khi nhận cát sê thì lại ra trả nợ thôi. Ấy thế mà đóng được 1 bộ phim lại có cảm giác tự hào lắm đấy. Vì không phải ai cũng được đóng phim đâu. Có nhiều người phải bán nhà, trắng tay cũng vì đi phim. Tôi thì không đến mức bán nhà hay trắng tay nhưng từ lúc bắt đầu đóng phim trong giai đoạn ấy, tôi cũng mất một nửa gia tài. Vì nó, tôi còn phải đi vay tiền để ăn tết là chuyện thường”, diễn viên Những đứa con biệt động Sài Gòn tâm sự.
Sau khi đất nước giải phóng, năm 1976 diễn viên Hai Nhất vào Sài Gòn lập nghiệp. Sự khác biệt về phong tục và công việc đặc thù khiến những cái tết của người nghệ sĩ với gia đình không còn được như trước. Nhiều lần ông đi đóng phim đến cận tết thậm chí qua tết mới về. Những năm tháng đó, tết với ông là ngày nghỉ ngơi chứ không còn là ngày sum họp gia đình nữa.
“Vì tôi đã dành gần nửa đời người để theo đuổi đam mê sự nghiệp mà dần quên đi những hạnh phúc giản đơn xung quanh mình. Lớn bằng chừng này nhưng mẹ tôi vẫn cứ xem tôi như một đứa trẻ và suốt ngày cưng nựng tôi như thuở bé. Nhiều lúc ngượng với con với cháu nhưng giờ thì hoàn toàn muốn nhỏ lại trong lòng mẹ và bên gia đình. Bây giờ với tôi, tết được ở bên cạnh gia đình như thế là đủ”, Hai Nhất tâm sự.
Bình luận (0)