Ông Trump gia tăng áp lực đối ngoại

Khánh An
Khánh An
09/01/2025 05:21 GMT+7

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu về hàng loạt vấn đề đối ngoại, đồng thời không loại trừ khả năng dùng sức ép quân sự hoặc kinh tế để đạt mục tiêu.

Chưa đầy 2 tuần trước khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chia sẻ quan điểm về hàng loạt vấn đề đối ngoại, từ ý định kiểm soát kênh đào Panama, mua lại Greenland cho đến các vấn đề Ukraine và chi tiêu quân sự của NATO. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi được quốc hội Mỹ xác thực việc đắc cử, ông tập trung nhiều vào các vấn đề đối ngoại, trái với những phát biểu trong thời gian tranh cử vốn tập trung nhiều vào lĩnh vực đối nội.

Ông Trump không loại trừ dùng vũ lực để kiểm soát kênh đào Panama, Greenland

Sức ép quân sự

Trong cuộc họp báo trên, kéo dài khoảng một giờ vào ngày 7.1 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (bang Florida), ông Trump nói mình "không thể đảm bảo" sẽ không sử dụng sức ép quân sự hoặc kinh tế nhằm kiểm soát kênh đào Panama và đảo Greenland của Đan Mạch. "Không, tôi không thể đảm bảo với bạn về bất cứ chuyện nào trong 2 chuyện đó, nhưng tôi có thể nói thế này, chúng ta cần chúng (kênh đào Panama và Greenland) vì an ninh kinh tế", tờ The New York Times dẫn lời ông Trump phát biểu.

Ông Trump gia tăng áp lực đối ngoại- Ảnh 1.

Ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo ở Mar-a-Lago hôm 7.1

Ảnh: Reuters

Mỹ từng kiểm soát kênh đào Panama nhưng chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter (tại nhiệm 1977 - 1981) ký thỏa thuận trao trả quyền này cho Panama từ năm 1999. Ngoại trưởng Panama Javier Martinez-Acha lập tức lên tiếng phản đối. "Những bàn tay duy nhất kiểm soát kênh đào là của người Panama và điều đó sẽ tiếp diễn", Reuters dẫn lời nhà ngoại giao nhấn mạnh.

Trong cuộc họp báo, ông Trump còn gợi ý sẽ đánh thuế Đan Mạch nếu nước này từ chối đề nghị hỏi mua Greenland. Greenland là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và nước này trước đó tuyên bố Greenland không phải để bán. "Tôi không cho rằng sẽ là cách tốt để chiến đấu với nhau bằng các phương tiện tài chính, khi chúng ta là đồng minh và đối tác thân thiết", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói sau cuộc họp báo của ông Trump.

"Vịnh Mỹ, tiểu bang Canada"

Tiếp nối những tuyên bố liên quan lãnh thổ, ông Trump còn cho biết mình sẽ đổi tên vịnh Mexico thành vịnh Mỹ. "Nó bao phủ rất nhiều lãnh thổ, vịnh Mỹ - một cái tên đẹp và điều này phù hợp", ông nói và lặp lại lời kêu gọi Mexico giúp ngăn người nhập cư trái phép tại biên giới. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene sau đó thông báo sẽ đưa ra dự luật đổi tên vịnh Mexico thành vịnh Mỹ. Trong ngày 7.1, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua một dự luật về việc trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ nếu bị buộc tội.

Trong cuộc họp báo, ông Trump lại nhắc ý tưởng biến Canada thành một tiểu bang của Mỹ, khi chỉ trích thâm hụt thương mại và hỗ trợ quân sự cho Ottawa. Ông cho rằng Mỹ không được lợi gì từ những việc đó và gọi đường biên giới giữa hai nước là "đường vẽ nhân tạo". Đáp trả phát biểu trên, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói rằng điều đó "cho thấy sự thiếu hiểu biết hoàn toàn" về điều giúp Canada trở thành một nước hùng mạnh. "Nền kinh tế của chúng tôi mạnh. Người dân chúng tôi mạnh. Chúng tôi sẽ không bao giờ lùi bước trước những mối đe dọa", bà phát biểu.

Tổng thống Zelensky: Hòa bình không phải món quà cho không, nhưng Mỹ sẽ sát cánh Ukraine

Ukraine, NATO

Về vấn đề Ukraine, ông Trump chia sẻ hy vọng giải quyết xung đột tại Ukraine trong vòng 6 tháng. "Hãy nhìn xem, Nga đang mất rất nhiều người trẻ và Ukraine cũng vậy. Điều đó không bao giờ nên xảy ra", theo ông Trump.

Liên quan khả năng Ukraine gia nhập NATO, ông Trump nói rằng mình thông cảm với quan điểm của Nga rằng Ukraine không nên gia nhập. Ông cáo buộc Tổng thống Joe Biden thay đổi quan điểm về vấn đề Ukraine gia nhập liên minh này. "Khi đó Nga có ai đó ngay trước cửa nhà họ, và tôi có thể hiểu cảm xúc của họ về điều đó", theo ông Trump. Kể từ hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest (Romania) năm 2008, các nước NATO đã chính thức bày tỏ sự ủng hộ đối với việc kết nạp Ukraine. Chính quyền của ông Biden tiếp tục ủng hộ điều này. Tuy nhiên, các trợ lý và đồng minh của ông Trump thường phản đối vì họ xem đó là hành động khiêu khích không cần thiết đối với Nga. Về phía Ukraine, các nhà lãnh đạo đã nỗ lực để nước này gia nhập NATO vì cho rằng điều đó sẽ giúp ngăn chặn hành động quân sự của Nga sau này.

Về hoạt động của NATO, ông Trump cho biết sẽ yêu cầu các nước thành viên chi cho quốc phòng nhiều hơn mức 2% GDP như mục tiêu hiện nay. "Tôi nghĩ NATO nên chi 5%. Họ hoàn toàn có thể làm vậy", ông nói. NATO ước tính 23/32 thành viên đáp ứng chỉ tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng trong năm 2024. Không nước nào, kể cả Mỹ, chi ở mức 5%. Ba Lan là nước chi mức cao nhất với 4,12% GDP, kế tiếp là Estonia (3,43%) và Mỹ (3,38%).

Facebook hủy chương trình kiểm chứng thông tin

Công ty truyền thông xã hội Meta Platforms ngày 7.1 thông báo hủy bỏ chương trình kiểm duyệt thông tin tại Mỹ. Việc này sẽ giảm bớt các hạn chế về các chủ đề gây tranh cãi như nhập cư hay bản dạng giới trên các mạng xã hội của Meta. Meta sẽ triển khai hệ thống "ghi chú cộng đồng", tương tự như hệ thống trên nền tảng X của tỉ phú Elon Musk - cho phép người dùng có thể chỉ ra các bài đăng có khả năng gây hiểu lầm và cần thêm vào ngữ cảnh, thay vì giao trách nhiệm cho chương trình kiểm duyệt. Meta cũng sẽ ngừng chủ động quét ngôn từ thù hận và các vi phạm khác, đồng thời chỉ xem xét các bài viết đó khi có báo cáo từ người dùng.

Theo Reuters, đây là cuộc cải tổ lớn nhất của "ông lớn" công nghệ trong việc quản lý nội dung chính trị trên mạng xã hội trong bối cảnh nhà sáng lập Meta Mark Zuckerberg muốn hàn gắn quan hệ với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Trí Đỗ

Venezuela nói bắt nhóm "lính đánh thuê" có công dân Mỹ

Hãng Reuters ngày 7.1 đưa tin giới chức Venezuela đã bắt 7 công dân nước ngoài mà Tổng thống Nicolas Maduro gọi là những "lính đánh thuê", trong đó có 2 công dân Mỹ được cho là giữ chức vụ cao. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Maduro cho biết 7 người nói trên đã tham gia vào việc lập kế hoạch thực hiện "hành động khủng bố" trước thềm lễ nhậm chức của ông vào ngày 10.1.

Bộ Ngoại giao Mỹ không lập tức bình luận về thông tin trên. Trước đó trong ngày 6.1, Tổng thống Mỹ Joe Biden chào đón ứng viên đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela là ông Edmundo Gonzalez Urrutia đến thăm Nhà Trắng. Mỹ và một số quốc gia cho rằng ông Gonzalez mới là người chiến thắng trong kỳ bầu cử tháng 7.2024 và kết quả Tổng thống Maduro tái đắc cử là gian lận. Trong diễn biến liên quan, ông Gonzalez nói rằng người con rể Rafael Tudares đã bị bắt cóc trong ngày 7.1 tại thủ đô Caracas của Venezuela.

Bảo Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.