"... Trời dần tối, đoàn người lặng lẽ men theo bờ ruộng ngoằn ngoèo, lồi lõm. Tới ấp chiến lược, tin báo truyền khẩu từng người vừa đủ nghe. Trong ấp khoảng 1 giờ khuya, thỉnh thoảng ánh đèn dầu le lói qua khe cửa. Ra khỏi ấp chừng 2 tiếng là đến điểm bàn giao giữa hai cung giao liên. Dưới vòm trời sao lấp lánh, giữa cánh đồng mênh mông gió thổi, những đốm lửa thuốc lá lập lòe, cán bộ giao liên phổ biến tình hình để phòng tránh địch phát hiện, tránh máy bay, nên yêu cầu đi nhanh tới điểm tập kết trước khi trời sáng.
Đoàn người lại nối đuôi nhau rảo bước. Đôi bàn chân vốn chỉ quen đi trong thành phố, dù đã tập luyện cả tháng trời mà lúc này bước thấp bước cao, tê dại tưởng chừng hết chịu đựng nổi, cảm giác như máu đang chảy ướt đẫm lẫn với bùn. Toàn thân dựa vào cái gậy chống, lao đi cho kịp với dòng người, chẳng ai chờ đợi ai. Tới điểm tập trung, toàn thân đau như dần, hai chân sưng húp, vừa đau đớn vừa tê cứng.
... Nghỉ ngơi đến 5 giờ chiều, ăn uống xong, lại chống gậy đeo ba lô lên đường. Leo qua hai chiếc cầu khi mà tưởng như muốn rớt xuống lòng kênh sâu thăm thẳm. Bì bõm nương theo bờ ruộng, đến khoảng 8 giờ tối được báo chuẩn bị qua lộ 4. Mọi người tự tìm lấy một chỗ núp chờ để giao liên đi nắm tình hình. Vòm trời sao thưa thớt, tiếng dế kêu như một bản đại hòa tấu vang khắp cánh đồng. Một tấm nilon được trải qua lộ cho mọi người bước đi không để lại dấu vết. Một tiếng cú kêu. Đoàn người ra khỏi những chỗ núp, lần lượt băng qua lộ.
Đi một đoạn, lại báo có đèn xe jeep, mọi người lao nhanh lên phía trước. Tư Xệ, cán bộ giao thông vũ trang lùi lại mấy bước ghé vào tai tôi: Chú đi như thế địch phát hiện thì nguy, Phải chúc 5 ngón chân xuống, thế này... thế này... Pháo địch không rõ từ đâu dội tới, phá tan đội hình. Tất cả đều nằm xuống. Hết tiếng pháo, đoàn người lớp ngốp đứng dậy, người nào cũng ướt sũng...
Sau 10 ngày hành quân, hai chân nát bấy, tứa máu mủ. Bước một bước là đau buốt lên tận óc, toàn thân đè lên chiếc gậy. Cuối cùng cũng không chịu nổi, ngất đi, được cõng vào nhà một đồng bào cơ sở cách mấy cây số. Tư Xệ mỗi ngày phải đi về 12 cây số để đón y tá trong xã ra điều trị. Một tuần sau, tuy chưa khỏi hẳn, vẫn phải lên đường trong tình trạng suy kiệt, bước thấp bước cao, nhìn cảnh vật ngày cũng như đêm, quay cuồng trong đồng nước mênh mông mù mịt...
... Sau khi vượt qua cuộc hành trình gian truân 1 tháng 8 ngày thì về đến cơ quan, tại một khu rừng le thuộc tỉnh Lộc Ninh. Niềm vui tràn ngập như đứa con đi xa lâu năm mới về. Ngây thơ, trong trắng, rộn ràng khí thế cách mạng... Các anh cho biết tình hình trong Sài Gòn - địch đã bắt Xuân và con trai. Ngoài Bắc thì cả gia đình đã biết tin mình ra vùng giải phóng...".
Sau hai mươi năm hoạt động trong lòng địch, ông Ba Quốc chịu đựng những gian khổ ít ai hiểu được. Nhưng đoạn nhật ký trên cũng cho thấy, lần đầu tiên ông Ba Quốc biết đến một sự gian khổ khác của cuộc chiến đấu mà hai mươi năm qua ông chưa từng nếm trải. Gian khổ nhưng đầy chất lãng mạn. Và "ông tướng" này lại hăng hái hướng về Sài Gòn.
Con người này không bao giờ bỏ dở nửa chừng bất cứ công việc nào. Không phải ngẫu nhiên mà khi đã bị lộ rồi ông vẫn còn tranh thủ gặp người này người khác. Ông bảo, cuối năm đó (1974) ông lại xuống Củ Chi để "móc nối lại" những người mà ông đã tiếp xúc trước khi đi. Đầu tiên ông cử giao liên vào gặp ông Nguyễn Văn, nhưng thất bại. Người giao liên cho biết vì vợ con ông đã bị bắt, nhà đang bị canh chừng, bạn bè thân thích của ông đều bị theo dõi, phải chờ một thời gian cho lắng xuống rồi mới móc nối lại được.
Liên quan đến chuyện này, anh con trai thứ ba của ông Ba Quốc kể: "Sau khi bố tôi đi, lãnh đạo cơ quan tình báo miền cho giao liên mang xuống Sài Gòn gửi cho gia đình tôi 30 ngàn đồng (tiền Sài Gòn lúc đó). Số tiền này giao liên mang đến nhờ ông Nguyễn Văn chuyển. Ông Nguyễn Văn nhận nhưng sợ bị theo dõi nên không dám mang đến. Không biết làm sao với số tiền ấy, cuối cùng thì ông ấy đem đút vào ống tre, giấu kỹ trên trần nhà. Mãi đến khi giải phóng Sài Gòn rồi, ngày 2.5.1975 ông mới mang số tiền đến gửi cho mẹ tôi và nói thật là lúc ấy sợ quá không dám mang qua nhà tôi".
Còn ông Ba Quốc, sau chuyến xuống Củ Chi không thành, ông trở lại cơ quan, đi tham gia khai thác số tù binh bắt được trong trận Phước Long. Và ông bắt đầu nôn nao muốn về thăm gia đình ở Hà Nội. Đúng lúc đó thì cơ quan tình báo quân sự trung ương có lệnh gọi ông ra Bắc. Thế là ông chuẩn bị cho một chuyến đi ra Bắc. Lúc này đã là mùa xuân năm 1975... (còn tiếp)
Bình luận (0)