Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 5: Biết địch biết ta

25/02/2004 08:17 GMT+7

Như mọi người đều biết, Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, những người cộng sản và nhân dân Việt Nam vẫn thành thật tin rằng 2 năm sau sẽ tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Nhưng Ngô Đình Diệm thì không quan tâm đến bản hiệp định và nguyện vọng của nhân dân. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Diệm phế truất Bảo Đại, xây dựng miền Nam thành "nước Việt Nam Cộng hòa". Vì chủ trương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Genève, nên Đảng Cộng sản chủ trương không đấu tranh vũ trang.

Ngay cả khi biết chắc chính quyền Ngô Đình Diệm không thi hành hiệp định, Đảng vẫn chỉ cho phép tiến hành đấu tranh chính trị, đấu tranh "đòi thi hành Hiệp định Genève".

Trong khi đó, Ngô Đình Diệm triệt để thực hiện chính sách "tố cộng, diệt cộng", lê máy chém khắp miền Nam. Hậu quả là thực lực của cách mạng cũng như phong trào yêu nước của nhân dân đều bị dìm trong biển máu.

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 5: Biết địch biết ta - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 25.2.2004

Ở Sài Gòn, chính quyền Ngô Đình Diệm một mặt thực hiện chính sách "tố cộng, diệt cộng", một mặt tiến hành dẹp các giáo phái võ trang thân Pháp. Để củng cố vị trí của mình, chính quyền Ngô Đình Diệm mà người "chèo lái" thực chất là Ngô Đình Nhu, đã dần dần biến thành chế độ độc tài "gia đình trị". Trong đó, người "lãnh đạo tinh thần" bên trên là ông anh ruột Ngô Đình Diệm - Tổng giám mục Ngô Đình Thục. Điều hành trực tiếp công việc của chính phủ là một ông em ruột cố vấn Ngô Đình Nhu.

Trực tiếp "cai quản" miền Trung cũng là một ông em ruột Ngô Đình Cẩn. Chế độ Ngô Đình Diệm ngay sau khi hình thành đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn và những mâu thuẫn đó ngày càng trở nên gay gắt. Ngay trong gia đình họ cũng bộc lộ mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn giữa Ngô Đình Nhu với Ngô Đình Cẩn.

Lâu nay sách báo viết về gia đình họ Ngô thường miêu tả Ngô Đình Cẩn là một anh nhà quê bất tài "chân đi guốc gỗ, miệng nhai trầu bõm bẽm", nhưng tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn thì cho rằng "Ngô Đình Cẩn là một người rất tài giỏi, nếu anh em Diệm - Nhu nghe lời Cẩn thì chưa chắc chế độ Ngô Đình Diệm đã sụp đổ lúc đó". Nhưng đó là chuyện không liên quan đến thiên ký sự này.

Chúng tôi muốn nói lướt qua một chút để bạn đọc hiểu thêm nhân vật chính của chúng ta lúc này đang ở trong một bối cảnh như thế nào.

Tuy là "lãnh chúa miền Trung", nhưng Ngô Đình Cẩn vẫn "thò tay" rất sâu vào hầu hết các vấn đề ở Sài Gòn, nhất là "vấn đề nhân sự". Ngô Đình Cẩn muốn tìm cách đưa người thân tín gốc miền Trung của mình vào các cương vị trọng yếu trong chế độ, còn Ngô Đình Nhu thì thích dùng người Bắc di cư. Ngô Đình Nhu đặc biệt tin dùng Trần Kim Tuyến, còn Ngô Đình Cẩn thì rất ghét Tuyến, muốn đưa người của ông ta thay Tuyến.

Vì vậy mới có chuyện đàn em của Cẩn tìm cách hãm hại Tuyến và nhân vật chính của chúng ta đã khai thác một cách ngoạn mục "sự cố" đó để củng cố vị trí của mình trong cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống.

Không thấy ông nói về kết quả của "vụ vàng", chúng tôi thắc mắc. Ông cười: "Sau đó là việc của họ. Được việc của mình rồi, tôi không quan tâm đến vụ ấy nữa". Nghe ông nói một câu như vậy chúng tôi hiểu rõ hơn về tính cách của ông: Tính mục đích của nhà tình báo này là rất cao. Ông không quan tâm đến những gì không liên quan đến nhiệm vụ của mình.

Trở thành chuyên viên của Sở Nghiên cứu chính trị, ông Ba Quốc tập trung nghiên cứu tất cả những công việc của cơ quan này và bắt đầu khai thác những gì có thể khai thác. Ông nói thành thật: "Tôi không được đào tạo gì nhiều, học vấn cũng vậy mà nghiệp vụ tình báo cũng vậy. Chỉ đến khi vào trong lòng địch tôi mới tự học. Ban đầu tôi hơi lo vì vào đây tiếp xúc với toàn là luật sư, bác sĩ, trí thức... mà mình từ miền Bắc vào, trông nhà quê lắm. Nhưng sau một thời gian học hỏi, thích nghi, tôi thấy bọn họ cũng không hơn gì mình, cả về kiến thức, về nghiệp vụ... Từ đó tôi thấy tự tin hơn". Ông làm việc tận tụy, chu đáo, mẫn cán để tạo lòng tin cho Trần Kim Tuyến.

Vừa thể hiện "tính chuyên nghiệp" trong công việc hằng ngày, ông vừa nhanh chóng tìm hiểu để biết rõ những cái mạnh và cái yếu của cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống, ngoài chức năng, nhiệm vụ và các thủ đoạn của nó. Ông kể: "Năm 1956, Mỹ cấp cho Sở Nghiên cứu chính trị xã hội (Phòng 4) 50 triệu đồng (tiền Sài Gòn lúc đó) để tổ chức biệt kích đánh phá miền Bắc. Biệt kích thì chọn những người công giáo di cư, hầu hết là người Bùi Chu - Phát Diệm để người Mỹ huấn luyện. Còn số tiền đó thì dùng để mua một chiếc tàu viễn dương loại tốt. Nhưng, bác sĩ Tuyến lại quan tâm đến việc khác nhiều hơn, nên ông ta đã dùng 30 triệu để chi cho công việc của Đảng Cần lao và củng cố Tổng liên đoàn lao động của Bùi Lượng để chống lại Tổng liên đoàn lao công của Trần Quốc Bửu do Mỹ khống chế. Số tiền còn lại đi mua tàu, bị Phòng 4 ăn bớt một ít, người đi mua ăn bớt một ít nữa, nên chỉ mua được một chiếc tàu cũ nát không ra gì.

Sau chương trình đó, Mỹ vẫn nhận được tin tức về miền Bắc, nhưng đùng một cái người Mỹ sinh nghi. Bởi họ kiểm tra những tin tức đó, thấy không phải gửi trực tiếp từ Hà Nội mà lấy từ người của Trần Kim Tuyến ở Lào và Campuchia. Được một thời gian, người Mỹ yêu cầu kiểm soát chương trình này. Để đối phó, Trần Kim Tuyến tạo sự cố cho tàu nổ luôn ngoài khơi, cho phép thuyền trưởng và thuyền phó nhảy trước khỏi tàu để thoát nạn". Đó là một trong những câu chuyện cho thấy chính quyền Ngô Đình Diệm và bản thân Trần Kim Tuyến nhận viện trợ của Mỹ mà bắt đầu "qua mặt" người Mỹ như thế nào. Những việc đại loại như thế ông đều theo dõi kỹ, để "biết địch, biết ta".

Năm 1956, địch bắt đầu đánh phá ác liệt các "cơ sở nằm vùng của Việt cộng". Người chỉ huy trực tiếp của ông là ông Ba Hội cũng bị bắt. Trong bối cảnh đó, Trần Kim Tuyến bất ngờ giao cho ông thực hiện một kế hoạch đặc biệt. Đó là một vụ án cực kỳ quan trọng mà đích thân Ngô Đình Nhu phải chỉ đạo trực tiếp và theo dõi từng ngày một. Còn đối với ông, đây là một công việc vô cùng gay cấn... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.