Đây là 1 trong 5 giải pháp được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng gợi mở với Thành ủy TP.HCM tại buổi làm việc sáng nay (23.9) của đoàn công tác Trung ương Đảng, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu.
Theo ông Võ Văn Thưởng, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đề ra các chủ trương nhưng kết quả thực hiện nhiều việc chưa như kỳ vọng, trong đó có chương trình phát triển và chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch. Một số vấn đề thí điểm như thực hiện chính quyền đô thị, thành lập TP.Thủ Đức… thiếu tính đột phá và kết quả chưa rõ nét, còn nhiều tồn đọng phải giải quyết.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại buổi làm việc |
TTXVN |
Đảng bộ TP.HCM có truyền thống năng động, sáng tạo
Thường trực Ban Bí thư chia sẻ truyền thống Đảng bộ TP.HCM cho thấy càng khó khăn thì phải càng bám sát dân, càng lắng nghe, trăn trở, năng động, sáng tạo và quyết liệt để đạt thắng lợi cao hơn.
Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay cần phải thúc đẩy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức. Lịch sử giai đoạn trước và giai đoạn đầu của Đổi mới, các điểm sáng luôn xuất hiện ở thành phố.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (ngoài cùng bên trái) tham dự buổi làm việc của đoàn công tác Trung ương với Thành ủy TP.HCM sáng 23.9 |
đình phú |
Ông Thưởng nhắc lại câu chuyện được ghi trong lịch sử của Thành ủy TP.HCM khi mua gạo cứu đói giúp người dân thời kỳ Đổi mới. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) đã hỏi các thành viên trong Ban Thường vụ Thành ủy rằng các đồng chí muốn giữ được chức mà để cho dân đói, hay để dân ấm no mà chúng ta có thể mất chức, thậm chí có thể đi tù. Thời điểm đó, lựa chọn của tập thể là đột phá để có gạo lo cho dân.
“Tôi cho rằng bài học này còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay, và tôi tin rằng nếu quyết tâm thì sẽ vượt qua”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh đây là lựa chọn duy nhất của thành phố. “Nếu ngồi than thì chúng ta chỉ than thở suốt thôi, còn nếu đối mặt với nó để vượt qua thì sẽ tìm cách”, ông nói thêm.
Trước các điểm nghẽn mà thành phố đang đối mặt, ông Võ Văn Thưởng đề nghị TP.HCM cần khẩn trương hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện các khâu đột phá, nhất là hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Quá trình làm phải chặt chẽ, không lấy lý do khẩn trương để làm ẩu.
“Thành phố mà nằm trong nhóm lẹt đẹt thì có hài lòng được không?”, ông Thưởng đặt câu hỏi và cho rằng thành phố phải nỗ lực cải thiện các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) để thoát khỏi nhóm trung bình thấp.
Mạnh dạn đề xuất các chính sách vượt trội
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị TP.HCM cần mạnh dạn đề xuất chính sách mới, chính sách vượt trội trên một số lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế để thành phố phát triển mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Ông gợi ý khi tổng kết Nghị quyết 16 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, TP.HCM cần bàn cụ thể, kiến nghị cụ thể một số chính sách lớn để xem xét, giải quyết.
Ông Võ Văn Thưởng đề nghị TP.HCM cần mạnh dạn đề xuất các chính sách vượt trội phù hợp với tiềm năng, thế mạnh |
ngọc dương |
Trong buổi làm việc với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu 5 kiến nghị đối với Trung ương, tập trung vào định hướng chiến lược phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hoàn thiện thể chế TP.Thủ Đức, chính sách về tài chính tương xứng để đầu tư hạ tầng, giải quyết dứt điểm các tồn đọng…
Ông Võ Văn Thưởng đánh giá 5 kiến nghị của thành phố rất đúng nhưng còn tổng quát. Do vậy, TP.HCM cần nghiên cứu khoa học hơn, cụ thể hơn, đề xuất gì phải có cơ sở và quyết tâm “sắt đá” để thực hiện.
Giải đáp câu hỏi “Trung ương quan tâm và hỗ trợ thế nào để TP.HCM phát triển như tiềm năng, lợi thế và xứng đáng là trung tâm lớn?”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết nhiệm kỳ nào, Bộ Chính trị cũng có nghị quyết hoặc kết luận về phát triển TP.HCM. Đặc biệt, Tổng bí thư gần như vài tuần đều hỏi thăm tình hình thành phố, đặc biệt trong lúc dịch Covid-19 thì thường xuyên gọi điện thăm hỏi, trao đổi, dặn dò hoặc thông qua các lãnh đạo Đảng và nhà nước đến làm việc tại TP.HCM.
Dù vậy, Thường trực Ban Bí thư cũng nhìn nhận sự hỗ trợ và giải quyết một số kiến nghị của thành phố chưa kịp thời và chưa hiệu quả; nhiều kiến nghị nêu ra nhiều lần, nhiều nơi nhưng không ai trả lời hoặc trả lời không đúng. Do đó, ông Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan Trung ương tích cực hơn trong giải quyết các khó khăn vướng mắc của TP.HCM, vì giải quyết cho TP.HCM cũng là vì cả nước.
TP.HCM là vùng đất có chiều sâu văn hóa
Trao đổi tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá TP.HCM không chỉ đi đầu về kinh tế mà còn là nơi có chiều sâu văn hóa. TP.HCM là nơi khởi nguồn nhiều phong trào quần chúng thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân thành phố và nhân rộng ra các địa phương khác.
Ông Võ Văn Thưởng dẫn chứng câu chuyện vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo TP.HCM có thể không ăn tết ở nhà để dành thời gian ăn tết với công nhân, sinh viên, lao động bởi vì họ là một phần không thể thiếu của thành phố và tạo nên bản sắc của thành phố. Đây là biểu hiện của thành phố nghĩa tình.
Bình luận (0)