Ông vua kịch bản cải lương võ hiệp

01/05/2014 08:45 GMT+7

Khi nhắc lại hàng loạt vở tuồng từng làm nên tên tuổi cho một thế hệ "vàng" của sân khấu cải lương, nhiều người nhớ ngay đến Yên Lang.

Khi nhắc lại hàng loạt vở tuồng từng làm nên tên tuổi cho một thế hệ "vàng" của sân khấu cải lương, nhiều người nhớ ngay đến Yên Lang.

 Trích đoạn vở Đêm lạnh chùa hoang - Ảnh: Thanh Phong
Trích đoạn vở Đêm lạnh chùa hoang - Ảnh: Thanh Phong

Quê Bạc Liêu, năm 1955, Yên Lang (tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh) mới 15 tuổi đã rời quê lên Sài Gòn học tú tài và làm thơ kiếm sống. Mãi đến 1958, một số ký giả kịch trường khuyên Yên Lang nên viết kịch bản cải lương. Nếu thành danh thì đây là nghề hái ra tiền. Chỉ với những tác phẩm đầu tay như Nắng chiều lên tháp cổ, Bếp lửa chiều biệt ly, Đường về quê ngoại, Cuối mùa hoa rụng... Yên Lang đã khiến người khác phải nhớ tới mình.

Tạo nên “cơn sốt”

Biết được, bầu Long, người sở hữu tập đoàn gánh hát Kim Chung đình đám nhất Sài Gòn đã nhanh chân kéo Yên Lang về viết độc quyền. Từ khi đầu quân cho Kim Chung, Yên Lang đã cho ra đời hàng loạt vở, như: Đêm lạnh chùa hoang, Băng Tuyền nữ chúa, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tây Thi... tất cả đều tạo nên cơn sốt thời đó và có sức sống vượt thời gian đến tận ngày nay.

Nhắc đến tài nghệ của Yên Lang, soạn giả Viễn Châu đã nói: “Yên Lang là bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản mang màu sắc kiếm hiệp kỳ tình, đưa thể loại này lên đỉnh cao, tạo cơ hội vàng cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng”. Những tượng đài thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương như NSND Diệp Lang, NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, Mỹ Châu, Minh Cảnh, Thanh Sang, Chí Tâm, Thanh Kim Huệ... đều ghi dấu ấn sự nghiệp của mình bằng những nhân vật từ kịch bản của Yên Lang. Những nhân vật như Bảo Xuyên Quận chúa (Lệ Thủy đóng), Tần Lĩnh Sơn (Minh Vương), Bách kiếm Vương Hồ Vũ (Minh Cảnh), Ngô Phù Sai (Chí Tâm)... đã quá quen thuộc với khán thính giả cải lương.

Thậm chí, nhiều tác phẩm của Yên Lang trở nên quen thuộc đến nỗi nhiều khán giả thuộc nằm lòng từng trích đoạn, hay chí ít một lớp, một bản. Yên Lang là bậc thầy của cải lương kiếm hiệp, hương xa. Các vở của ông đều ăn khách nhưng không hề rẻ tiền. Ông sử dụng ngôn ngữ rất chắt lọc, sâu sắc nhưng gần gũi, hợp lý. Các tuyến nhân vật rõ chất lãng tử, lang bạt kỳ hồ, nghĩa khí; tình yêu đôi lứa thủy chung, chất chứa và luôn có một cái kết vẹn nghĩa trọn tình.

“Ông già tôi rất có hiếu”

Cũng cần nói, ngoài 6 đoàn hát mang tên Kim Chung, bầu Long còn được biết đến là đại gia kinh doanh bất động sản, hột xoàn ở đất Sài Gòn. Thế nhưng ông từng thú thật rằng hai lĩnh vực kinh doanh đó ông cũng không hốt bạc bằng kinh doanh cải lương. Tập đoàn gánh hát Kim Chung lúc đó ngoài chiêu mộ những tên tuổi ăn khách, họ còn rất chú trọng đầu tư cho kịch bản. Bầu Long không ngại trả tiền cao cho các kịch tác gia để họ cho ra đời những tác phẩm giúp ông hái ra tiền.

Soạn giả Lam Tuyền, con trai của soạn giả Yên Lang nhớ lại, lương công chức lúc đó trung bình 20.000 đồng, đoàn Kim Chung sẵn sàng trả cho cha ông 500.000 đồng mỗi tháng để ông viết độc quyền cho họ. Ngoài ra, tác giả kịch bản cũng được hưởng 6 phần trăm doanh thu mỗi đêm. Với sự đãi ngộ đó, một tên tuổi như Yên Lang chắc chắn có cuộc sống sung túc ở đất Sài Gòn. “Ông già tôi rất có hiếu. Khi có số tiền lớn, điều đầu tiên ông làm là mang về quê xây cho ông bà nội tôi căn nhà khang trang. Sau đó ông mới mua căn hộ ở chung cư Minh Mạng để gia đình tôi sinh sống”, soạn giả Lam Tuyền nhớ lại.

Sau 1975, hàng loạt đoàn cải lương không còn hoạt động và ông dường như cũng sống khép mình hơn. Một số vở được viết sau này như Kỷ niệm thời con gái (đoàn Sài Gòn 3), Một chuyện tình buồn (sân khấu Trần Hữu Trang) tuy cũng tạo nên tiếng vang nhưng không giúp được ông nhiều trong hoàn cảnh kinh tế thắt ngặt. Theo lời gia đình, vì manh áo chén cơm mà Yên Lang buộc phải xuất ngoại.

Đến thế hệ Lam Tuyền, người duy nhất trong gia đình 4 người con kế nghiệp sự nghiệp viết lách, tuy thừa nhận có nhiều ảnh hưởng của cha, thế nhưng lại không theo “gu” viết cải lương võ hiệp kỳ tình mà nghiêng hẳn qua tâm lý xã hội. Ngoài Lá sầu riêng Lam Tuyền chuyển thể tạo nên đình đám một thời, đến Ra giêng anh cưới em hay Người nhà quê... thì Lam Tuyền đã làm cha mình hài lòng.

Đêm 24.4 vừa qua, trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử quốc gia, tỉnh Bạc Liêu đã có buổi vinh danh Yên Lang (ảnh). Do tai nạn bất ngờ, ông đã lỡ hẹn chuyến về quê để tận mắt thấy hàng vạn khán giả chen chúc chật cả Nhà thi đấu Bạc Liêu. Đêm ấy, nghệ sĩ Minh Vương (diễn trích đoạn Đêm lạnh chùa hoang), Trọng Hữu, Trọng Phúc (ca cổ Quán nửa khuya)... đã đưa khán giả về lại với những hình ảnh một thời vàng son của cải lương. Yên Lang tâm sự với con rằng, đêm đó ở Mỹ, ông chỉ xem được qua internet từ kênh của các đài truyền hình nhưng ông đã không cầm được nước mắt vì những gì khán giả quê nhà dành cho ông.

Tiến Trình - Trần Thanh Phong

>> Hát nhạc trẻ theo phong cách... cải lương
>> Nhiều hoạt động kỷ niệm 95 năm nghệ thuật cải lương
>> Nở rộ cải lương phòng trà
>> Bất ngờ với cải lương
>> Cây hài Kiều Oanh làm cải lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.