Bữa rồi tôi tình cờ tìm thấy một cái đĩa MP3 cũ có một số vở cải lương cũ. Tôi chọn vở Tiêu Anh Phụng loạn trào. Chuyện kể về một nữ tướng cướp tên là Tiêu Anh Phụng (do nghệ sĩ Mỹ Châu đóng) vì có tình cảm với công chúa cải trang thành nam nhân (do nghệ sĩ Lệ Thủy đóng) đã quy thuận triều đình và làm một võ quan cao cấp. Công chúa bèn tác hợp Anh Phụng với hoàng tử (nghệ sĩ Minh Vương). Nhân có giặc xâm phạm, viên tể tướng (nghệ sĩ Diệp Lang) có lòng đố kỵ nên đã tâu rỗi để nhà vua truyền Tiêu Anh Phụng làm nguyên soái. Ở nhà, tể tướng lập mưu tạo chứng cứ giả rồi vu cáo nàng có ý thoán nghịch. Nhà vua lập tức triệu hồi Anh Phụng. Giữa triều đình, tình ngay lý gian, Tiêu Anh Phụng bèn nổi loạn. Trong lúc chính sự rối ren, tên thừa tướng lật đổ nhà vua để tự lập. Hoàng gia bôn đào, hoàng tử phải lên sơn trại xin lỗi Tiêu Anh Phụng để nàng đưa binh về thảo phạt kẻ soán vị. Nhờ người con gái có công cứu giá nên viên tể tướng không bị chém, chỉ bị giáng làm thứ dân. Những người có công đều được đãi ngộ xứng đáng…
Đó là một vở cải lương có hậu. Con người trong nghịch cảnh không được buông xuôi mà phải không ngừng đấu tranh, thậm chí có khi phải làm điều vượt qua quy tắc xử sự thông thường. Câu chuyện khá hay nhưng không phải là một tuồng tích của Việt Nam. Chẳng hề chi, thưởng thức cải lương, nội dung là thứ yếu, nghe ca mới là chính. Những Mỹ Châu, Lệ Thủy, Diệp Lang, Minh Vương, Thanh Kim Huệ, Văn Chung, Kim Ngọc… đủ làm nên một tác phẩm lớn nếu xét về mặt ca và diễn. Từng tiếng than của Mỹ Châu, của Thanh Kim Huệ, lời chia tay quyến luyến của Minh Vương, tiếng cười nham hiểm của Diệp Lang… đều toát lên tính cách của nhân vật và phản ánh được diễn biến của câu chuyện. Người nghe vừa thương vừa giận vừa bật cười với từng lớp diễn, từng lời hát nên vở hát như thấm vào lòng người nghe…
Mà Tiêu Anh Phụng loạn trào đâu phải là vở hay nhất của cải lương Việt Nam. Đó chỉ là vở tôi tình cờ nghe lại sau nhiều năm không nghe. Vậy mà hồn cải lương vẫn còn rung động với từng lời ca tiếng hát. Chắc lòng yêu mến bộ môn nghệ thuật đặc trưng của Nam bộ này trong tôi vẫn còn nguyên vẹn, chỉ tạm thời bị cái tất bật của thời gian che lấp mà thôi. Tôi mong sao có thể truyền được tình yêu này cho con cái, để nó không chỉ hiểu thêm những câu chuyện hay, có ý nghĩa qua các tuồng tích mà còn có thể truyền được tình yêu này cho các thế hệ sau nữa. Sẽ thật buồn nếu ngày nào đó người ta chỉ biết cải lương qua sách vở và chỉ nghe cải lương trong các viện bảo tàng!
Nguyễn Minh Hải
>> Cải lương rút ngắn
>> Trao giải giọng ca cải lương giải Cao Văn Lầu
>> Cải lương vào phòng trà
>> Cải lương sống trên internet
>> Cải lương loay hoay làm mới
Bình luận (0)