Rào cản kỹ thuật và chi phí cao trong vụ kiện OpenAI
Theo ArsTechnica, vụ kiện vi phạm bản quyền do New York Times (NYT) khởi xướng vào năm 2023 đã có thêm nhiều diễn biến phức tạp khi tờ báo này tiếp tục cáo buộc OpenAI trục lợi vì đưa ra các quy trình kiểm tra với nhiều hạn chế. Chuyên gia của New York Times chỉ được phép kiểm tra tài liệu kỹ thuật trên một máy tính bảo mật do OpenAI cung cấp. Số lượng truy vấn mô hình AI thông qua API cũng bị giới hạn ở mức 15.000 USD tín dụng (chi phí để truy vấn dữ liệu). Nếu vượt qua mức này, NYT và các bên liên quan phải chia sẻ thêm chi phí, tính theo giá thị trường.
New York Times cho rằng yêu cầu này không hợp lý, khi họ ước tính cần tới 800.000 USD để hoàn tất quá trình kiểm tra. Tờ báo cáo buộc OpenAI cố tình đặt chi phí cao để gây khó khăn cho việc tìm kiếm bằng chứng và che giấu các hành vi vi phạm bản quyền. Phản hồi lại, OpenAI lập luận rằng việc giới hạn này là cần thiết để tránh lãng phí tài nguyên và bảo vệ công ty khỏi những yêu cầu không cần thiết.
New York Times không phải tổ chức duy nhất lo ngại về cách sử dụng nội dung sở hữu trí tuệ trong phát triển AI. Nhiều tổ chức tin tức và nghệ sĩ cũng đã kiện các công ty công nghệ về hành vi tương tự. Một số cáo buộc cho rằng AI không chỉ gây thất thoát doanh thu mà còn cạnh tranh trực tiếp với những người tạo ra nội dung.
Trong quá trình kiểm tra dữ liệu huấn luyện, New York Times cho biết họ đã gặp nhiều trở ngại kỹ thuật. Tờ báo cáo buộc OpenAI từ chối cài đặt phần mềm cần thiết, gián đoạn truy cập dữ liệu và ngăn cản việc tìm kiếm bằng chứng. Dù đã phát hiện hàng triệu nội dung được cho là vi phạm bản quyền trong dữ liệu huấn luyện, New York Times vẫn chưa thể xác minh đầy đủ phạm vi vi phạm do các rào cản kỹ thuật và chi phí ngày càng tăng.
Vụ kiện có thể tạo tiền lệ pháp lý về việc kiểm tra mô hình AI
Vụ kiện giữa New York Times và OpenAI có thể tạo ra một chuẩn mực mới trong việc truy cứu trách nhiệm của các công ty AI đối với nội dung sở hữu trí tuệ. Nếu OpenAI được phép tính phí kiểm tra ở mức cao như hiện tại, nhiều nguyên đơn có thể từ bỏ ý định kiện tụng vì chi phí vượt ngoài khả năng chi trả. Điều này sẽ khiến việc giám sát các công ty AI trở nên khó khăn hơn và có thể để lại khoảng trống lớn về trách nhiệm giải trình trong ngành.
Bên cạnh đó, vụ kiện còn làm nổi bật những rủi ro tiềm ẩn của ngành AI khi các mô hình ngôn ngữ lớn được triển khai mà không qua kiểm tra đầy đủ. Các chuyên gia lo ngại rằng nếu không có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, AI có thể tiếp tục gây ra những hậu quả tiêu cực như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thông tin sai lệch và thậm chí là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Dù OpenAI tuyên bố đang nỗ lực cải thiện tính minh bạch và tăng cường đầu tư vào kiểm tra an toàn, những tranh cãi xung quanh vụ kiện với New York Times cho thấy các công ty AI sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức về trách nhiệm và đạo đức trong tương lai.
Bình luận (0)