(TNO) Xe tự hành trên sao Hỏa Opportunity của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã trở thành thiết bị nhân tạo đầu tiên hoàn thành một khoảng đường marathon trên một hành tinh ngoài Trái đất, với thời gian thực hiện là 11 năm.
Xe tự hành trên sao Hỏa Opportunity - Ảnh: NASA
|
Xe tự hành Opportunity đã trải qua cột mốc đi hết 42 km vào hôm 25.3 sau 11 năm và hai tháng lang thang qua những đồi dốc trên hành tinh đỏ. Opportunity đã khiến cho các nhà khoa học kinh ngạc khi ban đầu nó chỉ được trông đợi hoạt động trong vài tháng.
Theo AFP, xe tự hành Opportunity sử dụng năng lượng mặt trời, đáp xuống bề mặt sao Hỏa ở vị trí có tên hố Eagle vào tháng 1.2004.
"Đây là lần đầu tiên một công trình nhân tạo vượt qua được khoảng đường của một cuộc chạy đua marathon trên bề mặt của một thế giới khác", AFP dẫn lời John Callas - giám đốc dự án Opportunity thuộc Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA có trụ sở tại Pasadena, California (Mỹ).
Trong quá trình thực hiện sứ mệnh của mình, Opportunity cùng người anh em của nó là Spirit (hiện không còn hoạt động) đã khám phá ra các điều kiện cho sự tồn tại của một môi trường ẩm ướt trên sao Hỏa cổ đại, có thể từng thuận lợi cho việc phát triển sự sống.
Xe tự hành Curiosity - Ảnh; NASA
|
Hiện Opportunity được giao nhiệm vụ dài hơi là thăm dò mép miệng hố Endeavour, sau khi nó gây ngạc nhiên cho giới khoa học vì vượt xa thời gian hoạt động dự kiến.
Vào tháng 6 năm ngoái, Opportunity đã vượt kỷ lục khoảng đường chu du trên bất kỳ thiên thể nào ngoài Trái đất của một thiết bị do con người chế tạo. Kỷ lục cũ được nắm giữ bởi xe tự hành Lunokhod 2 của Liên Xô, đáp xuống mặt trăng vào năm 1973.
Hiện trên sao Hỏa, NASA còn có xe tự hành Curiosity, có kích cỡ lớn hơn nhiều so với Opportunity, đang hoạt động. Curiosity đáp xuống hành tinh đỏ vào năm 2012, và các dữ liệu do nó truyền về cho thấy nơi đây từng có sự tồn tại của các vi sinh vật.
Bình luận (0)