Pả Chiến ở La Lay!

28/02/2017 09:06 GMT+7

Nếu không có biển hiệu, thật khó để biết một gian nhà cấp 4 thấp le te, bé xíu, được lợp bằng tôn là Trạm quân dân y mà thiếu tá Chiến đang làm việc...

Pả Chiến là cách gọi trìu miến của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô dành cho thiếu tá, y sĩ Trần Văn Chiến (trong tiếng Vân Kiều, pả có nghĩa là bố), nhân viên y tế duy nhất ở Trạm quân dân y kết hợp của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay (xã A Ngo, H.Đakrông, Hướng Hóa. Quảng Trị)...
Một mình lo cả... ngàn dân
Nếu không có biển hiệu, thật khó để biết một gian nhà cấp 4 thấp le te, bé xíu, được lợp bằng tôn là Trạm quân dân y mà thiếu tá Chiến đang làm việc. Ở đây, chỉ có một mình, ông tiếu lâm rằng mình vừa là trạm trưởng vừa là nhân viên vừa là anh nuôi vừa là... lao công, tạp vụ.
Giữa buổi ban trưa mà sương vẫn giăng khắp lối, cuộc chuyện trò của tôi với vị cán bộ quân y cứ bị ngắt quãng liên tục vì… chốc chốc lại có bệnh nhân ghé vào. Cũng không có gì nghiêm trọng, người kêu tức ngực, người kêu mỏi lưng, người kêu khó ngủ… Ngồi nhìn thiếu tá Chiến tỉ mẫn thăm khám cho từng người mà thầm tặc lưỡi, ở dưới xuôi, mấy phòng mạch tư mà khách khứa vào ra nườm nượp thế này chắc kiếm được bộn tiền. Đến tận gần đầu giờ chiều chúng tôi mới ngồi lại với nhau cho đàng hoàng. Thiếu tá Chiến kể ông được biên chế vào trạm từ tháng 4.2013. Về lý thuyết, một mình ông có trách nhiệm lo cho cả ngàn dân, trong đó có người dân 2 xã A Ngo, A Bung, 1 phần xã Tà Rụt (H.Đakrông) và 1 phần xã Hồng Thủy (H.A Lưới). Các xã này đều đã có Trạm y tế do ngành y tế quản lý nhưng không có nghĩa “khách khứa” tìm đến với thiếu tá Chiến ít đi. Thiếu tá Chiến bảo, điều này thuộc về thói quen, có được do mối thâm tình của đồng bào vùng cao với bộ đội… “Nhưng bản thân tôi cũng không quan trọng người ta ở đâu chỉ cần họ đến trạm là tôi thăm khám”, thiếu tá Chiến nói, rất nhẹ nhàng.

tin liên quan

'Ông tiên' hồi sinh những bệnh nhi nguy kịch
Có những ca không ai nghĩ bệnh nhân có thể qua khỏi. Thế nhưng các bé đã được cứu sống một cách ngoạn mục, phục hồi kỳ diệu. Có một 'ông tiên' đứng chính ở bàn mổ đã tạo nên những phép màu đó.
Vị y sĩ quân đội vừa bước sang tuổi 49 này khiêm tốn bảo ông không có chuyên môn cao nhưng luôn xuất hiện đúng thời điểm, theo kiểu “nước xa không cứu được lửa gần”. “Ở nơi vùng cao này, nhiều ca cần phải xử trí nhanh. Chứ đem về tới đồng bằng, có bác sĩ giỏi, máy móc hiện đại thì cũng đã muộn”, thiếu tá Chiến đúc kết. Ví như cách đây chừng 3 ngày, ở gần trạm có một cháu bé chỉ hơn 1 tuổi rưỡi bị ngạt đường hô hấp, mặt tím tái, không thởi được…bà con không biết chuyện gì xảy ra cứ thế vác ngược đem tới trạm, khóc như mưa gió. Thật may là có thiếu tá Chiến ở đó, thực hiện hô hấp nhân tạo hơn 10 phút thì cứu được đứa trẻ…
Cũng có bận, trong đêm mưa rét, đang ngon giấc trong chăn ấm, tiếng đập cửa rầm rầm làm thiếu tá Chiến vùng dậy. Đó là một ca sốt rét. Thấy thiếu tá Chiến mở cửa, thân nhân dù đang lả người vì vác người bệnh đi một quãng đường khá dài vẫn thở hắt ra: “Gặp pả Chiến là coi như sống rồi”. Làm quân y vùng biên, dấu chân pả Chiến không biết đã đi qua bao nhiêu bản làng, cứu biết bao nhiêu ca bệnh nặng nhẹ các kiểu. Có khi, chỉ với một túi thuốc, thiếu tá Chiến lội bộ qua tận nước bạn Lào để khám chữa bệnh. Vậy nên, mới có lời đồn ở bản La Lay Sói (H.Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào) rằng: “Thuốc của bộ đội Chiến, bộ đội VN khi nào cũng tốt”.
Niềm vui của pả Chiến
Cuộc chuyện trò của chúng tôi lại một lần nữa gián đoạn vì thiếu tá Chiến… có khách. Lần này không phải là bệnh nhân mà là bà Kăn Sinh, một người quen của trạm. Bà lão không đến tay không mà gùi theo những củ sắn to, nói để biếu cho “pả” Chiến. Hỏi ra mới biết, bà lão vùng cao này từng có một người chồng mắc bệnh động kinh, được thiếu tá Chiến cứu nhiều lần giữa lúc chết đi sống lại. Giờ thì người chồng bà đã về với đất nhưng bà Kăn Sinh vẫn hàm ơn pả Chiến lắm. Nên cứ đến vụ thu hoạch chuối bà lại lựa những nải chuối to, đến vụ thu hoạch sắn bà cũng lựa những củ sắn lớn… mang sang biếu ân nhân. “Pả Chiến thương bà con, bắt con ma bệnh cho bà con thì bà con thương lại thôi”, bà Kăn Sinh gọn lỏn. Nhưng bà Kăn Sinh không phải là người duy nhất. Nên cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay thường phải “ghen tị” với thiếu tá Chiến về những món quà mộc mạc mà người dân mang đến tặng ông. Từ sắn, chuối, mít cho đến rượu, gà, cá… đủ cả!
Đến như bà Hồ Thị Thanh (57 tuổi) vượt hơn 30 km từ xã Hồng Thủy (H.A Lưới, TT- Huế) sang tận đất Quảng Trị để được pả Chiến thăm khám cũng không quên mang theo chút quà quê là những trái bơ rừng chín mọng. Bà nói: “Đau khớp đau ngực chi cũng tìm tới pả Chiến, khám pả Chiến thì lành, pả Chiến cứu không biết bao nhiêu lần mà kể. Mà pả Chiến có lấy tiền đâu”. Nghe bà con khen lấy khen để, thiếu tá Chiến cũng không giấu niềm vui nhưng điều ông vui nhất trong suốt hơn 4 năm công tác ở trạm quân y vùng cao này chính là việc ông đã cùng với đồng đội của mình thuyết phục bà con thay vì tin tưởng vào thầy mo, phép thuật thì hãy tin vào khoa học, vào thuốc men và bộ đội. “Vùng cao mà, vẫn còn nhiều hủ tục lắm. Câu chuyển tưởng như đơn giản là để bà con biết chăm lo cho sức khỏe, tự tìm đến trạm xá để thăm khám là cả một hành trình dài, có công sức của biết bao nhiêu người, bao nhiêu cán bộ quân y, chứ cũng đâu riêng gì tôi”, thiếu tá Chiến nói đầy xúc động.
Tuyên truyền viên phòng chống ma túy
Pả Chiến nhận món quà là gùi sắn to do bà Kăn Sinh mang đến tặng Ảnh: Nguyễn Phúc
Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay là một trong số ít đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thành lập tổ tuyên truyền phòng chống ma túy vì nằm ở ngã ba biên giới. Thiếu tá Chiến, tất nhiên với chuyên môn của mình đã trở thành một tuyên truyền viên nhiệt thành nhất mang đến những kiến thức về ma túy, về HIV/AIDS cho bà con nhiều bản làng. Thương pả Chiến lặn lội đường xa vất vả, bà con lắng nghe để từ đó biết mà tránh xa “hàng trắng” để bản làng bình yên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.