Nghệ thuật chửi móc

09/01/2010 12:07 GMT+7

(TNTT>) Việc chửi thi mồm to chỉ la chuyện "võ biền". Chửi móc, nói móc mới là nghệ thuật cao nhất của chửi, khiến người nghe phải phát điên và có khi uất quá mà chết.

>> Văn hóa chửi mắng
>> Nhìn lại chửi thề

Chửi người ta là cốt để người ta phải tức giận và nổi xung lên. Kiểu chửi mắng gây ồn ào, lấy thịt đè người vừa thiếu văn hóa lại vừa không tạo được “hiệu quả” như mong muốn của người chửi.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam đã từng có một cuộc thi chửi để tìm hiệu quả cao nhất. Đó là chuyện của Ba Giai và Tú Xuất. Giai thoại rằng: “Ba Giai và Tú Xuất đều cho mình là tay cao thủ trong chuyện chửi xỏ xiên thiên hạ, không ai chịu kém ai. Thế nên để phân tài cao thấp, Ba Giai và Tú Xuất thi chửi thiên hạ xem ai là người bị thiên hạ chửi nhiều hơn. Tú Xuất là tay đanh đá nên đã từng chửi nhau 7 ngày với một bà hàng nước và giành chiến thắng nên rất tự tin. Tú Xuất chửi một hồi nhưng chỉ được chục người đáp lại vì không ai dại “dây với hủi”. Nhưng Ba Giai, với sự thâm trầm của mình, đi ra bến đò nhằm lúc đò đông mà rủa móc là đò sắp đắm. Không cần biết trên bờ là ai, cả trăm cái miệng đều chửi Ba Giai. Tú Xuất phục Ba Giai tài chửi hơn mình".

Chủ quán chửi có duyên

Chửi thề có “thương hiệu” là chị Ngọc Hiệp chủ cái quán cùng tên, chuyên bán hải sản, ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Trước khi mở miệng nói một câu, chị thường đệm hai chữ “Đ. mẹ!”. Song giọng chửi của chị thật trong trẻo, hồn nhiên, luyến láy chứ không hề có ác ý. Nhiều khách quen còn cho đó là lời... mắng yêu. Chuyện chị Hiệp chửi thề ở Bến Tre đã trở thành... giai thoại. Một quan chức huyện Bình Đại gọi điện đến quán chị đặt trước mấy món ngon. Bắt điện thoại, nhận ra giọng “quan trên” chị nhỏ nhẹ thỏ thẻ: Dạ quán Ngọc Hiệp đây! Anh muốn dặn trước món gì?- Phải quán Ngọc Hiệp hôn?- Dạ phải!- Không tôi muốn gặp bà Hiệp chửi thề kia, giọng này lạ hoắc.- Đ.M nó đây cha nội! Đ.M cha muốn ăn gì đây tui mần cho?- Ừ phải rồi! Đúng bà Hiệp chửi thề rồi! (vị quan chức này vỗ đùi rõ to và cười ha hả).

Một anh bạn cũng ở Bến Tre, ghe chị chửi hoài nên... ghiền. Mỗi lần ghé quán chị ăn là anh kiếm chuyện chọc cho chị chửi càng nhiều thì anh ăn càng ngon miệng. Ví như: Bà có bắp trâu nhúng mẻ hôn? - Đ.M cha ngu còn hơn trâu! Cua gạch óc nóc, vàng lườm không chịu ăn lại đòi trâu.

Nếu có dịp về huyện Bình Đại, bạn thử hỏi bà Hiệp chửi thề với cánh xe ôm, nhân viên cây xăng, người bán vé số... ai cũng có thể chỉ đường bạn đến ngay quán Ngọc Hiệp để được... nghe chửi.

Tấn Tới

Việc chửi thi mồm to chỉ là chuyện "võ biền". Nói móc mới là nghệ thuật cao nhất của chửi, khiến người nghe phải phát điên và có khi … qua đời. Trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Khổng Minh là bậc thầy chửi móc nên dạy quân sĩ móc Chu Du là: “ Chu Du mẹo giỏi yên thiên hạ, đã mất phu nhân lại thiệt quân”, Du nghe xong khí uất đầy ruột, thổ huyết sau đó bệnh nặng mà chết. Khi Khổng Minh sang khẩu chiến với quần nho của Giang Đông, các bên cũng nói móc nhau để tạo thế trên bàn ngoại giao. Mưu sĩ Giang Đông nói: “Lưu sứ quân từ khi có tiên sinh đánh đâu thua đấy”, Khổng Minh móc lại: “Cái chí của đại bàng thì bọn sẻ biết thế nào được”. Nhưng Khổng Minh cũng chưa phải là người nói móc đầu tiên ghi trong chuyện Tàu. Thời Xuân Thu, Án Anh, thừa tướng nước Tề khi sang Sở bị tướng Sở bắt chui lỗ chó vào thành thì chửi móc luôn: “Đi sứ nước người thì vào cửa người, đi sứ nước chó thì vào cửa chó”. Người Sở căm tức nhưng không làm gì được.

Chẳng cứ quan văn mà quan võ cũng nói móc nhau trước trận để khiến đối phương tức điên lên. Trong trận Trương Phi đại chiến Mã Siêu (Tam Quốc diễn nghĩa), Phi múa mâu tự giới thiệu theo đúng bài: “Ta là Trương Dực Đức người nước Yên”. Mã Siêu nói móc luôn: “Nhà tao đời đời làm khanh tướng, đâu biết đến loại thất phu quê kệch như ngươi”. Trương Phi vốn xuất thân từ nhà bán thịt lợn, bị nói móc dòng dõi gia đình thấp hèn nên nổi điên ngay.

Đó là trong tiểu thuyết, còn đời sống hằng ngày, chuyện nói móc nhan nhản. Nó không thô như chửi to tiếng nhưng lại làm người nghe phải đau vì mỗi câu, mỗi từ như cứa vào nỗi đau của người khác. Hai nhà hàng xóm cãi nhau, một bà chửi sang luôn nhà bên kia: “Tao không chửi mày mà cho con tao sang chửi mày”. Bà kia vốn mặc cảm muộn chồng nên bị đối thủ chửi như vậy thì cứng họng nuốt nước mắt vào lòng. Không thể đỡ nổi với kiểu chửi móc thâm như thế. Nhiều khi để tạo sự uy hiếp cho đối thủ, cao thủ chửi móc không ngại lôi nỗi đau từ đời nảo đời nào của đối thủ ra bêu riếu. Vì những điều bị biêu riếu là sự thật nên đối thủ chỉ còn nước chào thua.

Trên mạng internet hiện giờ, dù là thế giới ảo nhưng cũng có vô số cao thủ chửi móc tại nhiều diễn đàn. Gặp một vấn đề tranh luận, thấy người kia sai một chút về kiến thức thì sẽ bị móc ngay: “Trình độ như chú không đáng để bàn chuyện với anh” hoặc “Chú nên về nhà đọc sách 10 năm rồi quay lại tranh luận với anh tiếp”. Không có một từ văng tục trong câu chửi nhưng người nghe khí uất đầy ruột chỉ muốn cầm bàn phím mà đập vào màn hình. Nếu trả đũa chửi lại trên diễn đàn thì sẽ bị admin khóa nick ngay. Trò chơi kết thúc, cao thủ chửi móc sẽ ngồi một góc cười rằng: “Trình độ tranh luận như thế thì non lắm”.

Chửi như hát thì sao mà cấm!

Hồi tháng 12 năm ngoái, Telegraph cho biết một nhóm nghị sĩ Nga đã đệ trình một dự luật, quy định người nào chửi thề nơi công cộng sẽ bị phạt từ 15 đến 45 USD. Quy định trên vốn sẵn có ở Belgorod của Nga. Được biết cảnh sát ở nơi này sẽ phạt ngay lập tức những người chửi thề tại khu vực công cộng từ 15 đến 45 USD. Đặc biệt những ai văng tục trước mặt trẻ em thì sẽ bị áp dụng mức phạt cao nhất. Liệu dự luật trên có được thông qua để trở thành luật của toàn nước Nga hay không thì còn phải chờ. Riêng ở ta, cho tới nay vẫn chưa có dự luật nào tương tự như thế. Phải chăng, vì trong tiếng chửi của người Việt còn chất chứa bao yêu thương và sự âu yếm thân tình. Các chị, các mệ ở Huế mỗi khi ném câu “mả cha mi” hay “mi là đồ con tinh”… vào mặt bọn trẻ, thì hầu hết đó không phải là ý chửi mà phải gọi là “mắng yêu”. Thậm chí khi nghe người lớn chửi mình như thế, đám trẻ con cũng tít mắt mà cười, nũng nịu chứ đâu có giận dỗi chi. Thế nên nếu đem hình phạt như ở vùng Belgorod nước Nga đề cập ở trên áp dụng cho người dân Huế thì coi như thua.

Chưa hết, người dân cố đô còn truyền miệng nhau câu chửi “Đồ mi là đồ mi phá, bố mi về là bố mi la” nghe cứ y như hát nhạc... Trong trường hợp này, chửi mà nghe hết sức dễ thương, người bị chửi thấy khoái thì luật nào cấm cho được.

Có điều lạ là nhiều câu chửi của người Huế thường hay bắt đầu bằng chữ “đồ”. Cảm giác như người ta dùng chữ “đồ” để làm giảm nhẹ cái từ chính thể hiện ý chửi. “Mi là đồ heo”, nghĩa là “đồ heo” chứ không hoàn toàn là “heo”. Hoặc khi muốn chửi mà chưa nghĩ ra từ để chửi cho sướng miệng, người ta chọn cách lấp lửng: ‘cái đồ, cái đồ…’. Còn cái đồ gì gì thì tự hiểu, nói chung là "tao đang muốn chửi mi". 

Đây cũng là một đặc điểm chung của nhiều nơi thuộc miền Trung chứ không riêng gì Huế.

Trần Ka

Ngôn ngữ chửi bới trong tiểu thuyết kim dung

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung xây dựng thế giới của bọn hào sĩ giang hồ. Các nhân vật này sống trên đường đao mũi kiếm, ít được học hành, lại ỷ mình có chút võ công cho nên họ ăn nói rất lỗ mãng. Họ chửi bới kẻ thù, chửi bới người khác rất tự nhiên. Ngôn ngữ chửi bới đối với họ đã trở thành quán tính đến nỗi ta có thể nói không nghe tiếng chửi bới thì họ không còn là hào sĩ giang hồ.

Thông thường, bọn hào sĩ giang hồ chửi người khác bằng những cụm từ quân rùa đen, phường chó đẻ, bọn mặt dơi tai chuột, bọn trôi sông giạt chợ, quân chó lộn giống, bọn mèo què…Đàn ông thì tự xưng là “lão gia, lão tử”. Phụ nữ thì tự xưng là “lão nương” mặc dù họ chỉ mới vài ba chục tuổi. Nàng Khang Mẫn trong Thiên Long bát bộ chửi hương hồn chồng mình là Mã Đại Nguyên: “Mã Đại Nguyên, ngươi đừng làm ma nhát quỷ. Lão nương không sợ ngươi đâu”.

Giận lên, bọn hào sĩ giang hồ chửi tưới hạt sen, không tha một ai hết. Các nhà sư bị họ chửi là bọn trọc đầu, thầy chùa thối tha, thầy chùa chết đâm. Các đạo sĩ tu theo Đạo giáo của các phái Võ Đang hay Toàn Chân bị chửi là bọn lỗ mũi trâu. Minh giáo (Manicheisme - Ma Ni giáo, một tôn giáo đứng đắn bắt nguồn từ Bái Hỏa giáo) bị họ tước bỏ chữ Ni, chỉ còn Ma giáo (đạo thờ ma). Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Nga Mi (Ỷ thiên đồ long ký) mở miệng ra là chửi là dâm tặc Ma giáo.

Tuy nhiên, kẻ chửi bới sáng tạo nhất, ngôn ngữ mới lạ nhất là Vi Tiểu Bảo, công tước của triều Thanh. Hắn xuất thân từ kỹ viện thành Dương Châu, lại được vào tu nghiệp trong hoàng cung Thanh triều. Mà hoàng cung và kỹ viện là hai nơi trá ngụy nhất trên đời nên Vi Tiểu Bảo được coi là bậc thầy của nghề chửi bới.

Hơn tất cả mọi người, hắn dám chửi thái hậu là mụ điếm già; chửi công chúa Kiến Ninh là con đượi non; chửi thượng thiện thái giám Hải lão công là Hải lão con rùa. Hắn luôn luôn đem tất cả những người phụ nữ khác, từ công chúa, quận chúa đến thứ dân so sánh với các kỹ nữ trong Lệ Xuân Viện thành Dương Châu. Sang Vân Nam, hắn chửi Bình Tây vương Ngô Tam Quế là đại hán gian; chửi Ngô Ứng Hùng - con Ngô Tam Quế là tiểu hán gian. Hắn chửi hay đến nỗi hai vị sư phụ của hắn là Khang Hy, hoàng đế Thanh triều và Trần Cận Nam, tổng đà chúa của Thiên Địa hội chống Thanh triều đều học theo hắn mà chửi. Họ chửi thái hậu giả là mụ điếm già. Và do thù mụ điếm già mà Khang Hy đem con đượi non Kiến Ninh công chúa (trên danh nghĩa là em Khang Hy) gả cho tiểu hán gian Ngô Ứng Hùng.

Ngay trên bàn đàm phán, đang làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Thanh triều, hắn cũng chửi Phí Diêu Đa La Quả La Văn (Feodore Golovin), đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nga La Tư (La Sát). Gặp Kim Dung viết: “Con mẹ quân chó đẻ! Ta nguyền rủa tổ tôn mười tám đời bọn quỷ La Sát các ngươi”. Thốt xong câu đó, hắn chửi Phí Diêu Đa La ào ạt. Kim Dung viết: “Rồi tiếp đến những lời thô tục tuôn ra như nước chảy, thao thao bất tuyệt. Hắn chửi cao tổ mẫu, tằng tổ mẫu, rồi đến tổ mẫu, mẫu thân, tỷ muội, bà ngoại, a di, cô mẫu nhà Phí Diêu Đa La. Hắn chửi tưới hột sen, chửi vung xích chó. Bao nhiêu đàn bà người họ Phí của nước La Sát hắn chửi tuốt, không chừa một ai”.

Hắn chửi bằng thổ ngữ đất Dương Châu (tỉnh Triết Giang); bọn thuộc hạ của hắn là người Trung Quốc nghe mà vẫn không hiểu công tước chửi cái gì. Ấy bởi vì họ nói tiếng Quan thoại. Chửi như thế thì bảo làm sao đại sứ Sa hoàng Nga có thể nghe ra được. Thật ra, Phí Diêu Đa La không phải họ Phí mà là họ Quả La Văn. Tuy nhiên, hắn cứ đè họ Phí mà chửi vì hắn dốt nát, đâu biết được người Nga cái tên đặt ở trước cái họ.

Lịch sử chiến tranh Trung Quốc cho biết người Trung Quốc thường dùng những tên to con, tốt tướng, miệng rộng, giọng to làm mạ thủ. Mạ thủ có nhiệm vụ ở truồng, đến trước thành bên địch mà chửi để khiêu khích tướng địch mở cửa thành ra đánh. Vi Tiểu Bảo bắt được một số hàng binh Nga, cũng buộc họ làm mạ thủ chửi tướng Đồ Nhĩ Bố Thanh (Tolbusin) mở cửa thành Nhã Tát Khắc (Nertohinsky) ra đánh nhau. Tuy nhiên, hắn thất vọng vì ngôn ngữ  chửi của bọn lính Nga quá tầm thường, quanh đi quẩn lại chỉ là ngươi là con heo, ngươi là đồ chó. Hắn phải công nhận chỉ có người Trung Quốc chửi mới có ca có kệ, có vần có điệu và ngôn ngữ cực kỳ phong phú.

Trong 12 bộ tiểu thuyết và 3 đoản thiên của Kim Dung tràn đầy tiếng chửi bới. Tuy nhiên, những tiếng chửi bới này đặt vào đúng những văn cảnh, những tình huống, phù hợp với cách của từng nhân vật nên khi đọc, người đọc cảm thấy vui. Kim Dung không làm dơ văn chương của mình và cũng không muốn văng tục vào cuộc đời. Nghiêm Gia Viêm, giáo sư trường Đại học Bắc Kinh nhận định: “Kim Dung đã đưa tiểu thuyết võ hiệp lên ngang hàng với văn học cung đình”.

Vũ Đức Sao Biển

Ý kiến...

Phải thẩm thấu văn hóa mới cảm được văn hóa chửi (Nhân đọc Văn hóa chửi mắng TNTT&GT 7.1.2010)

Theo tôi, chửi cũng là một nét văn hóa trong văn hóa nhân loại, nhưng chỉ khi ta thẩm thấu một cách kỹ lưỡng nền văn hóa ấy, ngôn ngữ ấy, thì ta mới cảm nhận hết cái "văn hóa chửi" nó "siêu nhiên" tới mức độ nào. Cứ thử đọc Tư cách mõ của cụ Nam Cao mà xem, xem cái câu chửi "mẹ kiếp" nó vừa lăng mạ, nó vừa chửi thề, mà nó cũng lại nói lên xúc cảm của người chửi và của cả người nghe chửi như thế nào: "- Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo: Tham như mõ...".  Đọc Chí Phèo ta sướng bởi cái chửi của hắn, một cái chửi làm cho ta nhập hồn vào trong "văn hóa chửi" hay trong "văn học chửi". Nam Cao đã cho Chí Phèo thay tác giả chửi thả sức, chửi hết cỡ mà ai nghe cũng thích, cũng tưởng "thằng Chí Phèo nó chừa mình ra". "Bắt đầu là hắn chửi trời, rồi hắn chửi đời... rồi hắn chửi luôn cả cái làng Vũ Đại, nhưng cũng chẳng ai "bắt nhời"…".

Có nhiều cách chửi: Chửi thẳng, chửi mạt sát, chửi bới, chửi xéo, chửi móc, chửi tục, chửi leo, chửi trèo, chửi ví, chửi rủa... Mỗi kiểu chửi đều mang một xúc cảm khác nhau và đều mang lại một sự cân bằng tâm sinh lý nhất định. Không thể không nói đến "văn hóa chửi" và cũng không thể phủ định "văn hóa chửi". Chúng ta hãy chờ xem chuyên mục hấp dẫn này đưa chúng ta đến "biết chửi", "biết nghe chửi" và "cảm nhận chửi" như thế nào.

Nguyễn Quang (Hà Giang, 0915395249) 

Không nên chửi thề (Nhân đọc Nhìn lại chửi thề TNTT&GT 8.1.2010)

- Tôi không tán thành việc chửi thề, dù sao thì nói những lời ngọt ngào với nhau vẫn dễ nghe hơn. Cho dù đối phương có sai trái, nhưng nếu mình biết cách nói cho họ cảm thấy dễ chịu, cảm thấy bị thuyết phục thì mình vẫn thành công. Còn hơn là mình cứ ào ào buộc tội họ bằng những lời khó nghe, thì người ta có sai cũng không chịu thừa nhận là mình sai. Hơn nữa những lời nói trong cơn giận dữ của mình chưa chắc đã đúng. Tôi nghĩ việc gì cũng vậy, cần bình tĩnh và nói chuyện có văn hóa thì vấn đề mới được giải quyết, chứ chửi thề thì nên hạn chế tối đa.

Quốc Vũ, Hóc Môn, TP.HCM (boysaigon…@yahoo.com)

Anh Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.