Trực tuyến: Khắp nơi đón giao thừa
Vậy là năm mới Canh Dần 2010 đã đến trong sự hân hoan chào đón của mọi người. Trong giờ phút đặc biệt này, Thanh Niên Online xin kính chúc quý vị và các bạn một năm mới tràn đầy sức sống, niềm vui, hạnh phúc và thành đạt. Mời bạn đọc cùng điểm lại những giờ phút chờ đón năm mới do các phóng viên Thanh Niên Online trên khắp cả nước ghi nhận.
>> Náo nức chợ quê ngày cuối năm
>> Chúng tôi thích ăn Tết Việt Nam
Thư chúc Tết Nguyên đán Canh Dần của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước, Năm 2009 vừa qua, nhờ nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đất nước đã từng bước vượt qua khó khăn do những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh gây ra, tiếp tục giành được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Thắng lợi đó, một lần nữa, khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định những chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sức mạnh nội lực của đất nước chúng ta. Thời khắc giao thừa đã điểm, năm Canh Dần bắt đầu. Tôi thân ái gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sỹ trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Tôi gửi tới nhân dân các dân tộc trên thế giới lời chúc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Nhà nước và nhân dân Việt Nam cảm ơn những tình cảm hữu nghị, sự hợp tác thiết thực của các nước, các tổ chức quốc tế và sẽ làm hết sức mình vì sự thịnh vượng, phát triển chung của các dân tộc. Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước, Năm 2010 - năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) và tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; cũng là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn: 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 65 năm thành lập Nước CHXHCN Việt Nam, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… chúng ta phải huy động tối đa các nguồn lực và khả năng lao động, học tập, sáng tạo với hiệu quả cao nhất, thực hiện thành công các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Quốc hội khóa XII đã đề ra. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tăng cường đoàn kết, chung sức chung lòng, chúng ta nhất định sẽ giành thắng lợi. Mừng xuân mới, thắng lợi mới! |
Tại TP.HCM, 20 giờ, từ trung tâm thành phố với trọng điểm là trục đường hoa Nguyễn Huệ - Lê Lợi, phóng viên Thành Trung thông báo dòng người đổ về khu vực này ngày càng đông, lớp này nối lớp khác cùng bạn bè, gia đình du xuân. Theo phóng viên Thành Trung, dù hơi “vất vả” một tí vì số lượng người quá đông nhưng dường như với những người con của thành phố mang tên Bác đó chỉ là… chuyện nhỏ. Quan trọng với tất cả mọi người là họ đang thong thả cùng gia đình du xuân, tận hưởng những khoảnh khắc nhẹ nhàng của thời khắc chuẩn bị chào đón năm mới.
|
Các con đường hướng về trung tâm TP như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Ngọc Thạch, Hai Bà Trưng… bắt đầu chật cứng với dòng người, bong bóng bay ngợp trời, mặc dù trước đó vài tiếng đường phố vắng hoe.
|
Tại các khu vui chơi, các công viên ở khu vực trung tâm mọi người bắt đầu đổ về đông hơn. Các bãi giữ xe xung quanh các khu vực này đã chật kín, rất khó để kiếm một chỗ gửi xe.
Tại trục đường Nguyễn Trãi (kéo dài từ Q.1 - Q.5) người đi mua sắm vẫn rất đông, con đường này vẫn giữ đúng bản sắc năng động “kinh doanh” mua bán ngay cả trong ngày giao thừa đặc biệt này.
Cam Ranh: Chở hoa về nhà tối 30 Tết
Đường 22 tháng 8 ở thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) dẫn từ Quốc lộ 1 đi vào Đài liệt sĩ của thị xã từ nhiều năm nay đã trở thành “con đường sức khỏe” khi mỗi sáng sớm đều được đông đảo người dân ở đây sử dụng để tập thể dục. Vào mỗi dịp Tết đến, con đường này lại trở thành khu vực trưng bày và bán các loại hoa. Chiều tối 30 Tết, rất nhiều người dân đã đến đây để mua hoa về chưng trong nhà trong những ngày đầu Xuân.
|
Hoa cúc rực rỡ thành phố Quy Nhơn
Từ thành phố Quy Nhơn, Bình Định, PV Thúc Giáp cho biết, tối 30 Tết khi càng đến gần giao thừa, lượng người đổ dồn về khu vực chuẩn bị bắn pháo hoa và cũng là nơi diễn ra Dạ hội đón giao thừa càng đông.
Trong dòng người đông đúc, cuồn cuộn trên đường Nguyễn Tất Thành, con đường trung tâm của TP Quy Nhơn và là chợ hoa xuân, chúng tôi gặp ông Patrick Fitzgibbon, cố vấn bảo tồn thủy sản người New Zealand đang làm việc tại Bình Định.
Patrick nói: “Tôi chưa từng thấy nhiều loại hoa được trưng bày cả phố dài như vậy, nên rất thích. Những ngày có chợ hoa, ngày nào chúng tôi cũng đi ngắm hoa. Tết của các bạn vui lắm!”.
Còn tiến sĩ Peter Todd, một chuyên gia nghiên cứu thủy sản cũng là người New Zealand, bạn của Patrick Fitzgibbon, thì lại thích thú với những tấm liễn trang trí cỡ nhỏ đủ màu sắc bày bán hai bên đường.
|
Peter cho hay, đây là lần thứ hai ông đón Tết ở Việt Nam. Patrick và Peter rất ấn tượng với món bánh tét, dưa kiệu, hạt dưa, trong đó Peter thích rượu Bàu Đá - một đặc sản của Bình Định.
Năm nay, dù là “thủ phủ” của hoa mai nhưng Bình Định lại thất bại với loại hoa này vì hầu hết mai đều nở sớm, vì vậy dọc chợ hoa đường Nguyễn Tất Thành tràn ngập các loại cúc vàng rực rỡ.
|
Những ngày 27, 28 Tết, có chậu hoa cúc được người bán hoa hét giá bạc triệu thì đến chiều 30 Tết, chỉ còn khoảng 200.000 đồng/chậu. Những chậu hoa hôm trước được bán với giá 500.000 đồng thì càng gần giao thừa, chỉ còn dưới 100.000 đồng.
Du khách Nhật Bản xông đất Đà Nẵng Tối 13.2 (30 Tết), tại sân bay Đà Nẵng, lãnh đạo UBND thành phố, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi đón tiếp các du khách Nhật Bản đến Đà Nẵng để ăn Tết âm lịch. Đây là chuyến bay charter do Công ty du lịch Vietravel thực hiện nhằm đưa 158 du khách Nhật Bản từ thành phố Nigata (Nhật Bản) đến TP Đà Nẵng. Trong 3 ngày lưu trú, các du khách sẽ theo lộ trình tham quan Đà Nẵng, Hội An, Huế, Hà Nội, Hạ Long, TP.HCM, Mỹ Tho, Cần Thơ. Đồng thời, du khách Nhật Bản còn có dịp tìm hiểu bản sắc văn hóa của người Việt thông qua các lễ hội, đời sống và sinh hoạt của cả ba miền Bắc, Trung và Nam. |
Vừa tranh thủ chọn mua một chậu hoa cúc, Bình - người Quy Nhơn hiện đang làm việc tại TP.HCM về quê ăn Tết, vừa nói: “Ở xa, nghe tin cuối năm ngoái quê nhà bị lũ lụt nặng, tui thấy lo lo! Cứ sợ năm nay Tết sẽ không vui như mọi năm nhưng thật bất ngờ, Quy Nhơn phát triển nhanh quá, đã trở thành thành phố loại 1 và Tết ngày càng vui vì đời sống của người dân ngày càng được nâng cao”.
Thanh Hóa đón Tết với mưa xuân lất phất
Cuối cùng thì cái rét "ngọt ngào" cũng đã về với xứ Bắc. Đêm giao thừa, tại thành phố Thanh Hóa, từng hạt mưa bụi bay trên những con đường được trang hoàng đèn hoa rực rỡ.
Những hạt mưa bụi vừa đủ để đem đến cho con người một cảm giác an lành trong cái lạnh ngọt của đêm trừ tịch, mà không nỡ làm ướt áo khách du xuân. Mới hay, trời đất cũng mở lòng cùng nhân gian đón chào mùa xuân mới.
Tại Quảng trường Lam Sơn, các đoàn nghệ thuật đang chuẩn bị cho một đêm văn nghệ hoành tráng đón giao thừa. Sân khấu chính của quảng trường được trang trí đẹp mắt theo nghệ thuật sắp đặt với chủ đề “Tiễn trâu, nghênh cọp, Mừng xuân mới”.
Phía sau quảng trường và trên một số tòa nhà cao tầng, lực lượng bộ đội đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho màn pháo hoa đón chào giờ phút thiêng liêng của năm Canh Dần sắp đến...
Dạo một vòng quanh TP Thanh Hóa, đâu đâu, chúng tôi cũng được chứng kiến một không khí nhộn nhịp, khẩn trương mà tươi vui của người dân trong đêm giao thừa.
|
Các chủ cửa hàng đang khẩn trương dọn dẹp hàng hóa, nhà cửa để đón Tết, các công nhân làm vệ sinh môi trường hối hả quét sạch những con đường trước khi thời khắc giao thừa gõ cửa.
Tại các đền chùa, các bà, các mẹ và cả những cô cậu trẻ tuổi đang thành kính đốt hương cầu phúc. Để tránh việc người dân tự phát bẻ lộc đầu năm, các nhà chùa đã chuẩn bị sẵn những cành lộc bằng kim tuyến và mía cây... để phát cho người dân khi đến lễ chùa, hái lộc...
Hơn 21 giờ đêm giao thừa, người dân đổ về Quảng trường Lam Sơn để xem văn nghệ và pháo hoa càng đông hơn. Những năm gần đây, người dân TP Thanh Hóa (đặc biệt là giới trẻ) đang dần hình thành thói quen đón giao thừa ngoài đường, sau đó mới về nhà xông đất...
Hội An: Khai hội lồng đèn đón giao thừa
Từ 18 giờ, trên mọi nẻo đường ở Hội An (Quảng Nam) đã diễn ra các hoạt động mừng xuân. Năm mới năm nay trùng với ngày Lễ tình nhân nên các tình nguyện viên ở Hội An chuẩn bị khoảng 1.500 phần quà là pháo chớp sáng và chocolate để bán gây quỹ hỗ trợ các học sinh nghèo vượt khó.
Tại Quảng trường sông Hoài, 55 chiếc lồng đèn loại “khủng” đã được các đơn vị trường học, khối hành chính sự nghiệp, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp chế tác để dự thi.
Các lồng đèn đủ mọi chủ đề từ Cát tường, Chúc xuân đến mô phỏng chùa Cầu, nhà cổ được trưng bày tại đây đến ngày 27.2 sẽ tiến hành trao giải. Năm Canh Dần, ngoài lồng đèn tứ linh “Long lân qui phụng" được dựng nổi trên mặt nước còn có lồng đèn hổ nằm ở vị trí giữa sông Hoài.
Anh Dan Lee, du khách Úc, rất hào hứng trước vẻ đẹp của đèn lồng phố Hội: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và Hội An đã làm tôi bất ngờ, chắc chắn tôi và gia đình sẽ trở lại nơi này trong thời gian tới”.
Tại Công viên Kazik và cầu An Hội, hai tiểu cảnh sắp đặt lồng đèn đã được dựng lên làm điểm nhấn cho đêm hội. Gần đến phút giao thừa, dòng người từ mọi nẻo đường đổ về Quảng trường sông Hoài để chờ "tiệc" pháo hoa.
Phố phường lung linh đèn lồng |
Các du khách người Đức háo hức khi lần đầu đến Hội An |
Lồng đèn hổ nổi trên sông Hoài |
Hải Phòng: Thành phố sạch đẹp bất ngờ trước giao thừa
Đợt nắng nóng kéo dài đến thời tiết lạnh đột ngột trong hai ngày qua đã khiến các loại hoa bán chưng Tết tại thành phố cảng phần đã hỏng hết, phần được bán với giá rất cao trong ngày hôm nay.
Tại chợ hoa Đằng Hải, một bó lay-ơn giá từ 20.000 đồng đã tăng lên 50.000 - 60.000 đồng. Một bông cúc từ 500 đồng lên 2.000 - 3.000 đồng. Do hoa các loại, cây kiểng... đã sớm bán hết nên cho đến 20 giờ tối nay, các đường phố Hải Phòng hầu hết đã được quét dọn sạch sẽ.
Không khí Tết đã lan tỏa ở TP Hải Phòng khi trời có một chút mưa bụi lất phất, trong khi ở khu trung tâm, người dân đang dần đổ về xung quanh Quảng trường Nhà hát Lớn để xem chương trình văn nghệ mừng xuân.
Đất nước bước vào năm rồng bay |
Nha Trang nhẹ nhàng đón Tết Canh Dần
Thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) đón Tết Nguyên đán trong thời tiết dễ chịu, ngày không quá nóng, buổi tối se lạnh với làn gió biển, không khí trong lành, đường phố nhộn nhịp nhưng không đông đúc.
Các địa điểm bán hoa trong thành phố được tổ chức quy củ hơn, gọn gàng và sạch sẽ hơn năm ngoái. Chiều tối 30 Tết, cảnh bà con đông đúc đi mua hoa cuối năm đã không xảy ra. Đường phố vì thế mà bớt lộn xộn và tắc nghẽn ở những nơi họp chợ hoa.
Ở nhiều con đường, đèn hoa được giăng rực rỡ, nhất là đường Trần Phú. Tại đây, không gian đường phố được trang hoàng bằng giàn đèn nhiều màu sắc với nhiều họa tiết hoa mai chiếu sáng rực rỡ. Đây có lẽ là đoạn đường đẹp nhất Nha Trang trong dịp Tết này.
Đến Nha Trang vào dịp Tết, khách du lịch thập phương có nhiều lựa chọn để vui chơi giải trí như các khu vui chơi ở Vinpearl Land, Diamon Bay; câu cá sấu ở khu du lịch thác Yang Bay, bay khinh khí cầu ở đảo Hòn Tằm hay thăm dinh Bảo Đại. Nhiều người dân cũng đi lễ chùa hay đến thắp nhang tưởng nhớ các liệt sĩ ở tháp Trầm Hương đứng bên bờ biển Nha Trang.
Nếu muốn thưởng thức chút không khí truyền thống nhưng mới lạ, du khách hay người dân địa phương có thể chọn khu phố đi bộ vừa đưa vào thử nghiệm ở đối diện quảng trường Hai Tháng Tư để du xuân, thư giãn.
Khu phố đi bộ được Công ty Yến sào Khánh Hòa thiết kế như một khu chợ đêm với đa dạng hàng hóa và nhiều món ăn đặc sản của Khánh Hòa, trong đó có yến sào.
|
Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, du khách và người dân địa phương ở Nha Trang đã có một thú vui mới để du xuân. Đó là dịch vụ bay khinh khí cầu ở khu nghỉ mát trên đảo Hòn Tằm mới khai trương trước Tết 1 tuần.
Đây là dịch vụ bay khinh khí cầu đầu tiên ở Việt Nam với quả khí cầu được chế tạo theo công nghệ khác hoàn toàn với khinh khí cầu đốt khí nóng mà chúng ta thường thấy.
Quả bóng khinh khí khổng lồ ở đảo Hòn Tằm sẽ bay lên không trung theo phương thẳng đứng với một lồng sắt an toàn treo dưới quả cầu. Từ bên trong chiếc lồng, du khách có thể quan sát mọi góc độ của biển Nha Trang trong ánh nắng xuân rực rỡ, để hòa mình với không gian tĩnh lặng của biển.
Loại khí cầu ở đảo Hòn Tằm này không di chuyển mà chỉ đứng nguyên một chỗ trên không ở độ cao 150m. Nhưng như vậy cũng quá đủ để tận hưởng sự kỳ thú khi ngắm cảnh từ trên cao. Đó là những đàn cá lớn tụ với nhau trên biển hay là những chiếc tàu chạy băng băng ngoài xa khơi, tạo ra bức màn sóng màu trắng tuyệt đẹp.
Quả khí cầu từ từ bay lên không trung với 2 giai đoạn để tránh cho người đứng trong khí cầu bị choáng vì áp suất thay đổi. Phi công nhiệt tình, hiểu biết cũng giới thiệu cho bạn nhiều thông tin thú vị về khí cầu cũng như biển đảo của thành phố du lịch Nha Trang. Giá vé 200.000 đồng/1 người không phải là quá đắt để có được cảm giác thăng hoa trên trời.
Huế: Chợ hoa phút chót hút hàng
Người dân Huế lâu nay vẫn có thói quen đi chợ hoa và mua hoa chưng Tết vào giờ chót. Khoảng từ 16 giờ chiều nay, tất cả các mặt hàng hoa đều đồng loạt hạ giá.
Thông tin được truyền đi nhanh chóng và hàng ngàn người đã đổ xô đến các chợ hoa ở trước công viên Phu Văn Lâu, Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh trên đường Hùng Vương... tạo ra một “cơn sốt” mua bán hoa.
Hoa xuân ở Huế hút hàng - Ảnh: B.N.L |
Chỉ sau vài giờ hạ giá, các loài hoa như cúc vàng vốn phong phú đến nỗi tràn ra cả dọc đường quốc lộ 1A từ thị trấn Phú Bài của huyện Hương Thủy đến thành phố Huế đã trở nên hút hàng.
Thế nên đến tối nay, nhiều người đã không thể mua được cho mình những chậu hoa ưng ý. Một số khác đành chấp nhận mua những chậu hoa kém sum suê, tươi tắn với giá cao.
Mọi năm, chợ hoa xuân Huế thường kéo dài đến giao thừa mới tàn cuộc, nhưng năm nay, mới khoảng 22 giờ đêm, các điểm bán hoa đều đã không còn để bán.
Cần Thơ: Ấm áp xuân Bến Ninh Kiều
Tối 30 Tết, từ lầu 8 khách sạn Golf 4 du khách phóng tầm nhìn xuống Bến Ninh Kiều - một địa danh nổi tiếng nằm bên bờ sông Cần Thơ, nhìn thông ra sông Hậu nơi có cầu Cần Thơ vắt qua - chỉ thấy ken đặc người, xe.
Đêm trừ tịch, Bến Ninh Kiều có rất nhiều đôi tình nhân tay trong tay bách bộ đến khu công viên tượng Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm. Họ nguyện mong một năm mới an lành, rồi thong thả bước về phố đi bộ, tiến đến khu phố ẩm thức, nhà lồng phố cổ vui xuân.
Nơi khu công viên tượng Bác Hồ, nhiều du khách tây lẫn ta liên tục đưa máy ảnh lên nhá đèn.
Bến Ninh Kiều chụp từ trên cao |
Anh Nguyễn Thanh Minh từ Vĩnh Long đưa con trai sang chơi giao thừa, thổ lộ “Cha con tui muốn đi chuyến phà Hậu Giang cuối năm xem cảm giác nó thế nào. Bởi sau Tết cầu Cần Thơ chính thức khánh thành, phà Hậu Giang sẽ lùi vào dĩ vãng. Phải nói thật lòng Bến Ninh Kiều đêm nay đẹp thật. Từ lan can bờ sông nhìn ra phía trước cha con tui đã thấy ánh đèn thuyền du lịch kèm lời ca vọng cổ vẳng lại nghe thật đã trong lòng”.
Đêm cuối năm tại bến sông này, một điểm cầu truyền hình giao thừa cũng sẽ được kết nối. Vì thế, càng về khuya lượng người đổ về càng thêm đông đúc. Xuân Canh Dần đón giao thừa nơi Bến Ninh Kiều âu cũng là một niềm vui khó quên đối với du khách gần xa!
Hà Nội: Đất trời giao hòa cùng xuân ngàn năm
Đêm 30 Tết, tiết trời Hà Nội chìm trong cái rét ngọt và mưa phùn đặc trưng những ngày Tết cổ truyền tại miền Bắc. Có thể nói, thời tiết đã chiều lòng người khi trước Tết cả tuần, Hà Nội và các địa phương phía Bắc nóng như giữa mùa hè.
Vẫn như mọi năm, bờ hồ Hoàn Kiếm là trung tâm các hoạt động chào đón năm mới của người dân thủ đô. Khắp các ngả đường dẫn đến bờ hồ, mới hơn 19 giờ, đã tấp nập người.
Người dân tập trung rất đông tại 4 sân khấu lớn xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Tại sân khấu Đền Bà Kiệu, nhà hát ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn chương trình nghệ thuật; sân khấu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là chương trình biểu diễn nghệ thuật xiếc và đặc biệt là chương trình chào xuân dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ… Tất cả đều mang cùng chủ đề Chào xuân 2010, Hà Nội ngàn năm tuổi.
Dẫn vợ con đến chờ ở bờ hồ từ cuối giờ chiều, anh Hoàng Hữu Nghĩa (An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, đã phải vượt quãng đường gần 20km để cả gia đình được chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa trong thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ.
Chị Hoài, vợ anh Nghĩa chia sẻ: “Năm nay Hà Nội có sự kiện đặc biệt là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi đưa cháu đến đây với mong muốn được chứng kiến thời khắc thiêng liêng giao hòa này”.
Đến 20 giờ 30 phút, khu vực bờ hồ đã nhộn nhịp. Không còn nhiều ghế đá trống. Nhiều gia đình bao gồm ông bà, bố mẹ, con cái đi bách bộ quanh hồ, vừa đi vừa hào hứng trò chuyện.
Nhiều bạn trẻ ngồi tâm sự trong khi du khách nước ngoài cho biết rất thích không khí đón năm mới tại Việt Nam. Anh Thomas, du khách đến từ Anh, nói: “Năm nay là năm thứ tư tôi đón năm mới tại Việt Nam. Cảm xúc vẫn vẹn nguyên như ban đầu. Cực kỳ ấm cúng, thân mật và vui”.
Giao thừa năm nay trùng với ngày lễ Tình nhân, quanh bờ hồ Hoàn Kiếm và nhiều con phố thủ đô, nhiều cửa hàng bán hoa hồng và chocolate vẫn sáng đèn. Nhiều đôi bạn trẻ, thay vì chỉ đến Hồ Gươm để đón giao thừa và xem bắn pháo hoa như mọi năm thì năm nay lại có thêm mục đích là bày tỏ tình yêu đôi lứa.
Nguyễn Minh Dương, sinh viên ĐH KHTN bày tỏ: “Thật là một đêm đặc biệt. Em đã chuẩn bị một buổi tối tuyệt vời để dành tặng cho bạn gái. Sẽ có hoa hồng, chocolate và một phong bao lì xì để có một năm mới tràn ngập hạnh phúc, may mắn và tình yêu”.
Hiện tại, theo quan sát của PV Thanh Niên Online, dòng người đang đổ về khu vực xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm càng lúc càng đông. Chỉ còn ít phút nữa, màn bắn pháo hoa được chờ đợi để chào năm mới Canh Dần 2010 và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ chính thức bắt đầu.
Đà Lạt: Anh đào rạng rỡ đón xuân
Đêm 30 Tết, trong tiết trời se lạnh của thành phố Đà Lạt, không khí đón Tết của người dân nơi đây dường như trầm hơn các nơi khác. Các chợ hoa chiều cuối năm khá ảm đạm.
Năm nay nhà vườn Đà Lạt gặp nhiều khó khăn. Tuy chiều cuối năm, giá các loại hoa đặc hữu Đà Lạt như lily, lay-ơn, cúc… đều tăng hơn khoảng gấp rưỡi, nhưng nhà vườn Đà Lạt không được lợi, vì trước đây 1 tuần, giá hoa lay-ơn tại vườn xuống thấp, chỉ còn 2.000 đồng/chục.
Hầu hết các thương lái không dám mua nhiều, làm nhiều nông dân đành ngậm ngùi nhìn hoa nở tại vườn. Thậm chí nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì “chạy” theo những luống hoa!
Các loài hoa, cây cảnh từ nơi khác đến cũng gặp tình cảnh tương tự: thanh long cảnh, quất, hoa mai… cũng khá ế ẩm.
Riêng hoa hồng lại được mùa, vì năm nay ngày Valentine trùng với mùng 1 Tết nên lượng hoa các nhà vườn chuẩn bị cho ngày này cũng nhiều hơn mọi năm.
Điều duy nhất tô điểm cho thành phố sương mù là mấy ngày cuối năm tiết trời nắng ấm áp, làm cho các cây mai, anh đào ở các tuyến đường như Tương Phố, xung quanh bờ hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Hùng Vương… bắt đầu khoe sắc, tô điểm cho Đà Lạt một sắc màu rực rỡ.
Điều này khá bất ngờ đối với người dân Đà Lạt, vì trước đó, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, người ta dự đoán mai anh đào “lâm bệnh” không nở hoa được.
Thanh long cảnh khá ế ẩm ngày cuối năm |
Hoa anh đào nở rực trên các tuyến phố ở Đà Lạt |
Bình Thuận: Nhộn nhịp du khách đón xuân
Giống như Đà Lạt, cho đến chiều 30 Tết, hai bên bờ sông Cà Ty, đường Bà Triệu và Trần Hưng Đạo… các loài hoa cúc, hướng dương, vạn thọ, đặc biệt là hoa mai được chở về từ huyện Hàm Thuận Bắc dù giá xuống khá thấp nhưng vẫn còn rất nhiều.
Tuy nhiên không khí đón xuân mới khá nhộn nhịp ở Phan Thiết. Mới 21 giờ tối giao thừa, các con phố chính như Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong và nhất là đại lộ Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng đã chật cứng người trẩy hội. Theo Sở VH-TT- DL Bình Thuận thì trong đêm giao thừa này có khoảng 20.000 du khách vui xuân tại Bình Thuận.
Cũng tại đêm giao thừa, Bình Thuận sẽ có 6 điểm bắn pháo hoa là Phan Thiết, Tuy Phong, La Gi, Đức Linh, Hàm Tân và đặc biệt là huyện đảo Phú Quý lần đầu tiên bắn pháo hoa phục vụ nhân dân trên đảo.
Phát biểu với Thanh Niên Online, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý Huỳnh Văn Hưng phấn khởi nói: năm nay huyện đảo gặp nhiều khó khăn khi có đến 6 lần bị cô lập với đất liền. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế của huyện đảo đạt trên 8,5%; công tác chăm sóc đời sống tinh thần vật chất cho đồng bào được quan tâm; nhiều hạng mục công trình được xây dựng như kè biển, cảng neo đậu tàu thuyền tránh bão... Giáp Tết hàng hóa chở ra kịp thời nên bà con trên đảo đón Tết đầy đủ.
Quy Nhơn: Đón giao thừa tại Quảng trường
Trở lại với thành phố biển Quy Nhơn, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, nhiều người Quy Nhơn và các vùng lân cận có thói quen đón giao thừa tại Quảng trường trước Trung tâm thương mại thành phố, bên đường Nguyễn Tất Thành, nơi sau lời chúc Tết của lãnh đạo tỉnh sẽ là màn bắn pháo hoa rực rỡ.
21 giờ 30, tại sân khấu ngoài trời bên đường Nguyễn Tất Thành, Dạ hội chào đón Giao thừa xuân Canh Dần đã bắt đầu bằng màn múa hát tập thể do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn và các học sinh ở TP Quy Nhơn biểu diễn.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Văn Thiện, đã đánh trống khai xuân. Hưởng ứng theo tiếng trống khai xuân là “màn hợp xướng” của hàng chục tiếng trống chầu, tạo nên một không khí náo nức, phấn chấn.
Sau 2 ngày nắng nóng, ngày 30 Tết, thời tiết ở Quy Nhơn bắt đầu dịu lại và lúc này thì khá mát mẻ. Gặp hai bạn trẻ đang cùng len lỏi vào sát phía sân khấu, họ cười rạng rỡ cho biết: “Tụi em thích cái không khí đón giao thừa ở Quy Nhơn nên dù đã có công việc và nhà ở ổn định ở TP.HCM nhưng năm nào cũng cố về quê ăn Tết”.
Chỉ còn ít phút nữa thôi là đến Giao thừa, thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Lúc này, các con đường xung quanh Quảng trường trung tâm TP Quy Nhơn - nơi sẽ bắn pháo hoa - như Nguyễn Tất Thành, Trường Chinh, Lê Duẩn, Trần Thị Kỷ đều chật cứng người. Ai cũng muốn đến gần khu vực bắn pháo hoa để nhìn cho “đã mắt”.
Những người bán hoa cuối cùng cũng đã dần rút khỏi chợ hoa, nhường chỗ cho các công nhân vệ sinh khẩn trương dọn dẹp để thành phố có một bộ mặt khang trang, sạch đẹp khi bước vào năm mới.
Các con đường xung quanh Quảng trường trung tâm TP Quy Nhơn đều chật cứng người |
Một nữ công nhân vệ sinh cho biết, giao thừa năm nào cũng vậy, phải đến 3 - 4 giờ sáng thì họ mới hoàn tất công việc của mình.
Trò chuyện với một anh bộ đội trẻ làm bảo vệ khu vực bắn pháo hoa mà chúng tôi chưa kịp hỏi tên, anh chàng cười ngượng nghịu nói: “Đây là lần đầu tiên em được làm nhiệm vụ này, hồi hộp lắm anh ạ. Bà con mình đi đón giao thừa đông quá, ngoài sự hình dung của em”.
Trong cái bắt tay thật chặt, chúng tôi chúc anh hoàn thành tốt nhiệm vụ, đón xuân vui vẻ.
Trên sân khấu, các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) đang tái hiện cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung và thần tốc đại phá 29 vạn quân Thanh.
Vào hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết năm nay, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2010) gắn với hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Và đúng 23 giờ 30, pháo hoa đã rực rỡ trên bầu trời Quy Nhơn do năm nay tỉnh quyết định bắn sớm, để nhân dân kịp về nhà đón giao thừa.
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Quy Nhơn |
Đà Nẵng: Giao thừa lộng lẫy nhất mọi năm
Mọi nẻo đường đều đổ về sông Hàn TP Đà Nẵng trong đêm Giao thừa. Dù chỉ tháng 3 tới đây, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế lần thứ 3 - 2010 tại TP Đà Nẵng sẽ quy tụ nhiều cường quốc pháo hoa tranh tài, nhưng thưởng thức màn pháo hoa ngay trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa những điều chưa vừa ý và hi vọng tương lai tươi sáng vẫn có ý nghĩa đặc biệt nhất. Năm nay, người dân TP Đà Nẵng có thêm một điểm ngắm pháo hoa mới, đó là cầu Thuận Phước - cầu dây võng dài nhất Việt Nam, từ trên cầu mọi người có thể phóng tầm mắt thâu tóm 4 điểm bắn pháo hoa.
Màn pháo hoa năm nay bắn 3.500 quả pháo so với 2.000 quả như mọi năm. Đặc biệt tại điểm bắn số 2 có thêm 500 quả pháo nền khiến khu vực bờ Đông sông Hàn, quận Sơn Trà có một bộ mặt hoàn toàn mới.
Đúng 12 giờ, điểm bắn số 1 tại cảng Đà Nẵng khai hỏa đón chào năm Canh Dần, các điểm số 2, 3, 4 lần lượt tung lên trời hàng ngàn quả pháo đủ màu sắc. Trời gió nhẹ và hơi se lạnh giúp người xem thưởng thức màn pháo hoa trọn vẹn do gió đã tản khói trên bầu trời.
Kết thúc màn pháo hoa, người dân đổ về các chùa chiềng để thắp hương và xin lộc đầu năm. Hàng trăm điểm giữ xe tự phát đã mọc lên quanh khu vực xem bắn pháo hoa với giá "chặt chém" 10 ngàn đồng/xe máy. Các điểm bán lá trầu cũng được dịp tăng giá đến 20 ngàn đồng/cành trầu xanh.
Pháo hoa tưng bừng trên dãy Trường Sơn
Năm nay, cùng với thành phố Huế, lần đầu tiên đồng bào các dân tộc Cờ tu, Pa cô, Tà ôi... sinh sống ở miền núi phía tây Thừa Thiên - Huế đã được chứng kiến màn bắn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Trường Sơn hùng vĩ.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện đoàn A Lưới, có mặt tại thị trấn A Lưới trong thời khắc thiêng liêng này, cho biết: “Từ chiều tối, hàng ngàn bạn trẻ, đồng bào các dân tộc sinh sống trên dãy Trường Sơn đã háo hức đổ về tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua thị trấn A Lưới để đón giao thừa, thưởng thức các tiết mục văn nghệ và màn pháo hoa lần đầu tiên được bắn để phục vụ đồng bào.
Tại trung tâm huyện, hai điểm văn nghệ với chủ đề Lời ca dâng Đảng (do công nhân viên chức biểu diễn) và Liên hoan tiếng hát các làng văn hóa đã thu hút hàng ngàn người từ các già làng, bô lão, các chị, các mẹ và các bạn trẻ vùng cao A Lưới đến theo dõi. Đúng 0 giờ màn pháo hoa đã thắp sáng nền trời Trường Sơn hùng vĩ trong niềm phấn khởi của bà con các dân tộc Cờ tu, Pa cô, Tà ôi...
“Bà con phấn khởi lắm, người đông đứng chật kín tất cả các tuyến đường của thị trấn. Khi những phát pháo hoa đầu tiên thắp lên nền trời, bà con dân tộc đã reo hò, sung sướng. Đối với người dân miền xuôi, pháo hoa không còn xa lạ, nhưng với đồng bào đây là dịp hiếm hoi mà họ có được may mắn tận hưởng những phút giây giao thừa thiêng liêng và hoành tráng.
Việc chọn A Lưới để tổ chức bắn pháo hoa năm nay, không chỉ thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với đồng bào dân tộc mà còn là sự tri ân những đóng góp và hi sinh to lớn của đồng bào dân tộc trên dãy Trường Sơn anh hùng đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến. Thật tuyệt vời! Là một cán bộ đoàn, mình cảm thấy rất hạnh phúc và cảm động với niềm vui của đồng bào các dân tộc” - anh Mạnh Hùng nói.
Tại TP.Huế, chương trình văn hóa nghệ thuật tổng hợp Giao thừa được tổ chức ở quảng trường Ngọ Môn thu hút hàng chục ngàn người tham gia.
|
|
Hà Nội: Rộn ràng thời khắc đón giao thừa
12 giờ. Thời khắc giao thừa đã điểm. Tại bờ hồ Hoàn Kiếm, hàng nghìn người đã tập trung cách đó vài tiếng đồng hồ để chờ đón giây phút chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Những người đến bờ hồ sớm nhất là các bạn trẻ |
Đưa gia đình đến bờ hồ từ cuối giờ chiều, bác Trần Văn Sắc (Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, các năm trước cả gia đình bác đều đón giao thừa tại nhà, nhưng năm Canh Dần mọi người đổi ý định tiễn năm cũ, rước năm mới tại hồ Hoàn Kiếm. “Để cho có không khí khi Hà Nội sắp tiến hành kỷ niệm 1.000 năm văn hiến nên chúng tôi muốn tạo dấu ấn gì đó đặc biệt một chút”, bác Sắc giải thích.
Đứng dưới mưa để xem bắn pháo hoa |
Xung quang bờ hồ, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn đèn màu, những ánh mắt lấp lánh, đầy ắp xúc cảm trong thời khắc thiêng liêng càng khiến cho lòng người thêm rộn ràng khi chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Cảm xúc chợt bùng nổ, rồi vỡ òa trong niềm vui sướng tột cùng khi những bông pháo hoa rực rỡ đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên nền trời mưa phùn giăng mắc. Tất cả cùng đứng dậy, reo hò, vỗ tay sung sướng, thầm nguyện cầu một năm mới an bình, thái hòa cho gia đình, người thân, bạn bè…
Một vài bạn trai tìm mua hoa hồng tặng bạn gái nhân ngày Valentine |
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Dứt màn bắn pháo hoa cũng là khi mọi người chuẩn bị du xuân. Trong khi có rất nhiều người khác nán lại, chúc tụng nhau những lời chúc đẹp đẽ nhất trong năm mới 2010.
Nhiều gia đình quây quần bên nhau ngay tại bờ hồ, cùng nâng ly ôn lại những kỷ niệm của một năm đã qua, vạch ra kế hoạch cho từng thành viên trong năm mới sắp đến. Những bạn trẻ âu yếm nắm tay nhau, tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của một năm mới tràn ngập tự tin và sức trẻ.
Ôm chặt bó hoa hồng nhận được từ người yêu trong đêm giao thừa cũng là ngày Lễ tình nhân, Lê Thị Thu Thảo (Hàng Bài, Hà Nội) bày tỏ: “Lại một năm mới nữa gõ cửa. Mình sẽ cố gắng để thực hiện được mục tiêu giành học bổng du học trong năm 2010 này”.
TP.HCM: Đêm giao thừa của tình yêu
Đúng thời khắc giao thừa, thời điểm thiêng liêng nhất trong năm khi trời đất chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bầu trời TP.HCM rực sáng bởi những đợt bắn pháo hoa hoành tráng, ấn tượng.
Trước đó, càng đến gần thời khắc thiêng liêng trong năm, mọi nẻo đường dẫn về khu vực trung tâm thành phố ken đặc người. Ai ai cũng tranh thủ tìm một vị trí đẹp để hướng mắt lên bầu trời chờ đợi màn pháo hoa xuân đang đến gần.
Tại đầu đường hoa Nguyễn Huệ, hàng chục ngàn người đã ngồi sẵn theo nhóm chờ xem bắn pháo hoa. Đường Hàm Nghi bỗng chốc biến thành phố đi bộ khi các bạn trẻ dựng xe dọc theo những làn phân cách và hai bên đường.
Mới 22 giờ 30 nhưng nhóm bạn trẻ Minh Sơn, Q.5 đã có mặt để "xí" chỗ và í ới điện thoại kéo thêm bạn bè đến tận hưởng bữa "tiệc" pháo hoa mừng xuân. Năm ngoái, Sơn và nhóm bạn cũng chọn chỗ này và xem rất rõ.
Tại các góc mũi tàu như công viên 23 tháng 9, vòng xoay Quách Thị Trang, đầu đường Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lợi mọi người đã đậu sẵn xe để chờ đợi màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật mỗi năm mới đến một lần.
Có một điều thật đặc biệt trong ngày giao thừa Tết năm nay khi xung quanh những địa điểm đóng đô xem bắn pháo hoa luôn có một lực lượng bán hoa hồng chào mời tận tình.
“Ngày lễ Tình nhân Valentines năm nay đúng dịp giao thừa nên thật tình dù không thể đo đếm được mãi lực thị trường nhưng tôi và các bạn cũng liều một chuyến”, anh chàng Đức Khánh hào hứng tiết lộ kế hoạch kinh doanh của mình. Nhìn chung, dịp lễ Tết nên giá hoa hồng cũng tương đối mắc: từ 15.000 đến 20.000 đồng/bông.
Xem pháo hoa đêm giao thừa đã trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu đối với bất kỳ người dân thành phố mỗi độ xuân về...
Nối mạng Tết cùng bạn trẻ Việt năm châu Trong những giờ cuối cùng của năm Kỷ Sửu để chuẩn bị bước qua năm mới Canh Dần, Thanh Niên Online đã nối mạng cùng một số bạn trẻ người Việt đang sinh sống ở những châu lục khác nhau, để cùng chia sẻ những cảm nhận về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. * Điều gì ở Tết Việt thu hút và để lại ấn tượng nhất? Đó là câu hỏi đầu tiên mà Thanh Niên Online đặt ra cho các bạn.
- Trần Thị Trúc Thanh (y tá, ngụ Melbourne, Úc): Tôi sang Melbourne 8 năm. Mỗi lần Tết chẳng thấy không khí Tết gì ngoài việc mẹ mua trái cây bày cúng trong nhà. Khu phố đông người Việt định cư thì cũng có hội chợ Tết nhưng năm nào cũng giống y chang, chẳng hấp dẫn. Ở nước ngoài chẳng có không khí náo nức của ngày cận Tết. Chính vì vậy điều làm tôi nhớ nhất Tết quê nhà là không khí chuẩn bị, đi mua sắm tết, ngoài đường bày bán bánh mứt la liệt, đồ trang hoàng nhà cửa. Bên này, Tết thì bận bịu đi làm, chẳng ai chuẩn bị gì, nhiều khi làm cho lấy lệ, rất chán! - Nguyễn Huỳnh Duy Thanh (làm luận án tiến sĩ tại Queen’s University Kingston, Canada): Mỗi lần Tết về thì tôi nhớ nhiều thứ lắm. Nhớ cái sự nhộn nhịp trước Tết, đường phố đầy hoa. Nhớ tối giao thừa đường phố chộn rộn, đón ông Táo về. Nhớ sáng mùng 1 đường phố vắng lặng. Những thứ đó ở đây không có. Nhưng điều mà Thanh nhớ nhất vẫn là gia đình của mình. Ở lâu thì bạn bè thân cũng giống như gia đình nhỏ, cũng họp lại đi chơi và ăn nhậu. Nhưng khi tàng cuộc thì trong lòng vẫn thấy thiếu. Nhắc đến Tết, Thanh lại muốn bay ngay về VN để cùng ba mẹ và em trai ăn đón giao thừa.
- Nguyễn Đức Tài (cử nhân xây dựng, Darmstadt, Đức): Tôi nhớ nhất khi nhỏ được bố mẹ đưa đi chúc Tết tất cả ông bà, cậu dì, chú bác, không sót một ai. Vì ba mẹ tôi quan niệm cả năm mới có một dịp nên ai cũng phải đi thăm, gặp mặt hỏi han, cho con cái hai nhà chơi với nhau. Cái đó thể hiện cái tình cảm sâu sắc của người Việt chúng ta. * Các bạn đều trải qua tuổi học trò ở VN, trưởng thành ở nước ngoài, vậy mỗi người Việt dù ở đâu theo bạn nên làm gì để Tết luôn đặc sắc và ấn tượng? - Trần Thị Trúc Thanh: Theo tôi thì dù ở nước ngoài nhưng người Việt vẫn nên giữ những giá trị truyền thống ngày Tết, gia đình sum họp. Có thể tính lịch để xin nghỉ làm trước trong những ngày Tết cổ truyền. Là y tá, đáng lẽ ngày mai chủ nhật tôi vẫn phải đi làm buổi sáng nhưng tuần trước đã xin nghỉ để ở nhà với gia đình ngày Tết này chứ! - Nguyễn Đức Tài: Sau này lớn lên, nhiều bạn trẻ thích tự đi một mình hay ví von nhau cách đi thăm đó là "chạy sô", tôi nghe rất buồn. Bởi chỉ những ai rất mực yêu mến ta và ngược lại thì họ mới cất công đến nhà nhau chơi như vậy. "Chạy sô" chúc Tết đúng tình cảm thật là điều quý giá nhất. - Nguyễn Huỳnh Duy Thanh: Canada là nước rộng, người thưa có khi cả gia đình mỗi người ở một thành phố. Thế nhưng mỗi khi Giáng sinh thì ai cũng lo sắp xếp để về tụ họp với gia đình. Việc ăn tối ngày Giáng sinh rất quan trọng đối với họ. Mỗi lúc coi tivi hay đọc báo từ Việt Nam, Thanh cảm thấy cái giá trị gia đình ngày Tết không còn được bằng ngày xưa. Phần lớn quảng cáo, chương trình và tin tức đều về chợ hoa, vũ hội… Hy vọng là trong lòng mọi người cái quan trong nhất vẫn là gia đình mình. Thành Trung (ghi) |
Nhóm PV Thanh Niên Online
(Thực hiện)
Bình luận (0)