Khi được hỏi về nạn bạo lực học đường, hầu như các hiệu trưởng và giáo viên đều ngại nói. Chỉ khi nào lớn chuyện phải nhờ đến công an hoặc nạn nhân vào bệnh viện thì các trường mới công nhận. Trong khi đó, hầu hết các học sinh (HS) là nạn nhân hay người chứng kiến đều ngại kể với cha mẹ, thầy cô vì lo sợ sẽ bị trả thù.
Dung dưỡng cái sai?!
Tối 2.4, chị S. - phụ huynh có con học lớp 11 tại một trường THPT dân lập ở TP.HCM, kể cho PV Thanh Niên biết chuyện con trai mình bị bạn đánh bầm tím cả một vùng lưng và vai. “Chỉ vì một vài câu nói qua lại mà con tôi bị một HS học chung lớp vác cây đánh từ phía sau tới. Khi biết chuyện, tôi đã suy nghĩ cả đêm không biết phải xử lý thế nào để con mình an tâm tiếp tục học mà không bị bạn trả thù. Ngày hôm sau, khi dẫn con vào trường gặp giám thị và HS kia, tôi quyết định ngậm bồ hòn làm ngọt và kêu con mình phải bắt tay làm hòa với người đã đánh mình. Sau khi về nhà, con tôi hỏi một câu mà tôi không biết trả lời ra sao: “Con bị bạn ấy đánh, mà cũng đâu có lỗi gì sao mẹ bắt con xin lỗi bạn ấy?”, chị kể, rồi nói tiếp: “Tôi biết làm vậy con tôi sẽ không phục và bị thiệt thòi, nhưng nếu tôi làm lớn chuyện chắc gì HS kia bị kỷ luật? Rồi trong suốt những ngày tới, con tôi lại sẽ bị các bạn trả thù”.
Việc đánh nhau trong trường học là một thực tế nhưng nhà trường phải giải quyết trong một thời gian dài chứ không thể một sớm một chiều vội kết luận, quy lỗi cho ngành giáo dục là không đúng
|
|
Ông Nguyễn Hoài Chương Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM |
Anh Trần Văn T. - phụ huynh trường THCS Hồng Bàng, Q.5 (TP.HCM) thì khẳng định từng nhiều lần nghe con kể về việc ẩu đả giữa các nhóm trong trường. “Những vụ đánh hội đồng hay đánh nhau trước mặt HS trong lớp mà không ai dám lên tiếng là do hầu hết HS chứng kiến đều cùng băng nhóm với người đánh hoặc không dám nói vì sợ bị trả thù”, anh nói rồi thừa nhận: “Sau những vụ đánh nhau, phụ huynh của nạn nhân quá bức xúc đến trường khiếu nại, nhà trường ghi biên bản, rồi đâu cũng vào đó” .
Chính thực trạng này mà phụ huynh thà chịu nhịn nhục còn hơn để con mình mãi là nạn nhân của bạo lực học đường. Chị S. tâm tư: “Con cái chúng ta đang được giáo dục như thế nào để chúng thờ ơ thấy bạn mình bị đánh mà chỉ dám đứng nhìn, còn chúng ta - những người lớn lại dung dưỡng những cái sai ấy!”.
Không thể đuổi học vì đánh nhau!
Nhiều giáo viên cho biết nếu HS đánh nhau đến bể đầu thì chẳng hiệu trưởng nào dám đuổi học em đó vì quy định của ngành hạn chế tối đa trường hợp lưu ban bỏ học. Biết được điều này, nhiều HS thậm chí còn lớn tiếng thách đố thầy cô.
Hầu hết các vụ HS đánh nhau trong thời gian gần đây đều được các trường xử lý nhẹ nhàng, chủ yếu chỉ cảnh cáo nhắc nhở. Như vụ nữ sinh lớp 10 của trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) đánh nhau, quay video clip tung lên mạng cũng chỉ bị kỷ luật đuổi học “treo” 1 năm. Vụ Nguyễn Cẩm Ly - HS lớp 10 trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) đánh bạn cũng với hình thức quay clip tung lên mạng nhưng vẫn chỉ dừng lại ở hình thức bị cảnh cáo, hạ bậc hạnh kiểm và ghi vào học bạ...
Khi được hỏi về những biện pháp xử lý các vụ HS đánh nhau, ông Ngô Đức Bình, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lai, Q.8 (TP.HCM) - nơi xảy ra vụ nữ sinh bị đánh ngất xỉu phải nhập viện, đã rất trăn trở. Ông cho biết: “Không thể đuổi học vì nếu nhà trường có đuổi thì đến hè, UBND phường lại tổ chức vận động, thuyết phục HS ra lớp. Đâu cũng vào đó!”.
Ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thừa nhận: “Việc đánh nhau trong trường học là một thực tế nhưng nhà trường phải giải quyết trong một thời gian dài chứ không thể một sớm một chiều vội kết luận quy lỗi cho ngành giáo dục là không đúng. Những biện pháp kỷ luật đối với HS cũng là một hình thức giáo dục chứ không phải xử lý như tội hình sự, nên nếu em nào giáo dục mãi không được thì phải đuổi học. Quy định của Bộ GD-ĐT về việc xử lý kỷ luật HS có quy định rõ tùy theo mức độ sẽ bị đuổi học, nhưng vấn đề giáo dục vẫn là chủ yếu. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào vị trí của phụ huynh HS cá biệt mới thấy thông cảm. Chẳng cha mẹ nào muốn con bị xử lý kỷ luật cả. Dù sao các em cũng là trẻ con...”.
Một số vụ bạo lực học đường gần đây |
Thiên Long - Phi Loan
Bình luận (0)