* Sáng nay (5.4), thêm một đốt hầm Thủ Thiêm nữa tiếp tục rời bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Nhóm phóng viên Thanh Niên Online đang theo sát hành trình lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 để đưa thông tin nhanh nhất đến bạn đọc.
5 giờ 30: Kỹ sư, công nhân... có mặt đầy đủ
Tại bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai), từ 5 giờ 30 sáng, tất cả các kỹ sư, chuyên viên, công nhân tham gia vào việc lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã có mặt đầy đủ. Đốt hầm Thủ Thiêm đã được kéo lên khỏi bể đúc, neo đậu và mọi công tác kiểm tra kỹ thuật cho chuyến hành trình dài đều hoàn tất.
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có mặt để kiểm tra, chỉ đạo và tham dự lễ xuất phát. Tất cả các sở, ban ngành có tham gia trong quá trình lai dắt và bảo đảm an toàn cho quá trình lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đều có mặt tại bể đúc đúng 6 giờ sáng.
|
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Bộ đánh giá: Con nước hôm nay tốt, không lên cao quá hay xuống thấp quá. Mặc dù thủy triều đang lên nhưng dòng chảy nhẹ. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác lai dắt đốt hầm số 2 của công trình hầm dìm vượt sông Sài Gòn.
7 giờ 32: Phát pháo lệnh
7 giờ 32 phút, một phát pháo lệnh màu xanh được ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM bắn bay lên cao về hướng đoàn lai dắt đã chờ sẵn trên sông. Đó là dấu hiệu để đốt hầm số 2 của công trình hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn bắt đầu chuyến hành trình về vị trí lắp ráp của mình.
|
|
Thời tiết TP.HCM sáng nay nắng đẹp, gió nhẹ. Đã biết trước lộ trình của đốt hầm cùng kinh nghiệm xem lai dắt từ đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên, nhiều người dân TP sống dọc bên bờ sông Sài Gòn, khu vực đốt hầm đi qua cũng chuẩn bị tập trung ra những điểm mốc đốt hầm đi qua, chọn cho mình vị trí đẹp nhất để cổ vũ đoàn lai dắt.
Trong khi đó, trên tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn (đoạn luồng Sài Gòn - Vũng Tàu đến ngã ba Bình Khánh), từ 6 đến 12 giờ ngày 5.4, hoạt động lưu thông của các phương tiện thủy nội địa và tàu biển được tạm ngưng.
Việc tạm ngưng lưu thông được Cảng vụ hàng hải TP.HCM điều phối tiến hành cuốn chiếu tùy thuộc vào vị trí của đoàn lai dắt, bắt đầu từ ngã ba Bình Khánh.
Tất cả các phương tiện giao thông thủy đều đã được phổ biến vị trí neo đậu tạm thời khi đốt hầm đi qua. Trong quá trình lai dắt, Ban quản lý dự án sẽ bố trí 3 chốt cảnh giới cơ động đi kèm theo đốt hầm trong suốt hành trình 22 cây số, đó là chưa kể 11 chốt cố định được trang bị ca-nô tuần tiễu và cả tàu lai kéo để can thiệp khi cần thiết (gồm 4 chốt có sẵn lâu nay).
9 giờ 50: Đốt hầm qua cầu Phú Mỹ
Khoảng 9 giờ, tại khu vực cầu Phú Mỹ, toàn bộ cầu đã được phong tỏa. Nhằm đảm bảo an toàn cho đốt hầm đi qua, người dân được phép lưu thông nhưng không được đứng trên cầu Phú Mỹ trong thời gian này.
9 giờ 35, đốt hầm qua cầu Phú Mỹ - Ảnh: Diệp Đức Minh
9 giờ 37, đốt hầm vào cảng - Ảnh: Diệp Đức Minh
Dưới sông, lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy và Cảng vụ hàng hải TP.HCM cũng hướng dẫn các phương tiện lưu thông neo đậu cập bờ, không lưu thông khi đoàn lai dắt đi qua.
Đứng từ chân cầu Phú Mỹ, phóng viên Thanh Niên Online bắt đầu thấy những chiếc ca-nô cảnh giới xuất hiện trước tiên từ phía xa. Sau đó là tàu kéo và người quan sát bắt đầu thấy hình ảnh hai cột định vị phía trên đốt hầm số 2 dần chui qua cầu Phú Mỹ.
Cầu Phú Mỹ là một vị trí quan trọng và khó vượt qua trên chặng đường lai dắt đốt hầm.
Lúc 9 giờ 30, đoàn lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã vượt qua vị trí ngã ba sông Sài Gòn (Ngã ba Đèn đỏ) và đang tiến gần tới cầu Phú Mỹ.
Lúc 9 giờ 50, đoàn lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã vượt qua cầu Phú Mỹ trong cái thở phào của mọi người tham gia và đứng xem.
Đốt hầm đang dần tiến về cảng VICT.
10 giờ 40: qua cảng VICT
Trên khúc sông hẹp để qua cảng VICT, đoàn lai dắt di chuyển với tốc độ chậm. Đoàn đến cảng VICT vào khoảng 10 giờ 40. Sau đó, đốt hầm tiếp tục hướng về cầu Tân Thuận (Q.7) và đến đây lúc 11 giờ 20.
Như vậy, so với khi lai dắt đốt hầm đầu tiên, do cùng di chuyển trên lộ trình cũ nên đoàn lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 có tốc độ đi nhanh hơn. Đoàn chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút để đi quãng đường từ cầu Phú Mỹ đến cầu Tân Thuận (Q.7).
Hiện phóng viên Thanh Niên Online đang chờ đoàn lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 tiến vào khu vực Bến Nhà Rồng để đi qua khúc sông Sài Gòn ở trung tâm TP.
12 giờ: đến vị trí lắp ráp
Vào lúc 12 giờ trưa nay (5.4), đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã về đến vị trí lắp ráp tại khu vực Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm.
Như vậy, chuyến hành trình của đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã hoàn thành sớm hơn dự kiến đến 1 tiếng đồng hồ. Đốt hầm đã di chuyển trên chặng đường suôn sẻ.
Tại vị trí lắp ráp hầm dìm Thủ Thiêm, lực lượng hoa tiêu, tàu cảnh giới, người nhái và các chuyên gia,... đang đưa đốt hầm vào vị trí của mình.
Chiều nay, đốt hầm sẽ được được xoay chuyển từ phương dọc (theo dòng sông) sang phương ngang (vào vị trí kết nối) và neo lại trên sông.
Quá trình dìm đốt hầm số 2 dự kiến diễn ra trong 15 giờ, bắt đầu khoảng 7 - 9 giờ ngày 6.4 và hoàn tất lúc 23 giờ cùng ngày.
* Mọi hoạt động lưu thông tàu biển và các phương tiện thủy nội địa khác quanh khu vực dìm hầm sẽ tạm ngưng trong 36 giờ (tức dự kiến vào khoảng 12 giờ ngày 5.4 đến 0 giờ ngày 7.4).
|
Hai cột định vị phía trên đốt hầm số 2 sừng sững trước cầu Phú Mỹ - Ảnh: Nghĩa Phạm
Đoàn lai dắt đốt hầm chui qua cầu Phú Mỹ an toàn - Ảnh: Nghĩa Phạm
|
|
|
|
|
|
12 giờ 40, đốt hầm được xoay từ phương dọc sang phương ngang, nằm ngang giữa dòng sông Sài Gòn - Ảnh: Mai Vọng
* Được biết, đốt hầm Thủ Thiêm số 2 được lai dắt trên 22km đường sông, qua 5 quận, huyện của TP.HCM (huyện Nhà Bè, Q.1, Q.2, Q.4 và Q.7) để đến vị trí lắp ráp tại khu vực Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm.
Theo đánh giá của Ban QLDA Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM, quá trình lai dắt đốt hầm số 2 sẽ khó khăn, phức tạp hơn đốt hầm số 1 vì đốt hầm được neo đậu ở giữa sông. Đây là khu vực nước sâu nhất và dòng chảy rất xiết.
Vị trí đốt hầm số 2 nằm ở giữa sông nên việc xoay chuyển và bảo đảm an toàn trong quá trình lắp đặt đốt hầm vào đúng vị trí kết nối cũng sẽ khó khăn hơn so với đốt hầm số 1. Do vậy, tàu dự phòng và lực lượng hoa tiêu, CSGT đường thủy... vẫn sẽ làm nhiệm vụ cảnh giới trong suốt quá trình dìm hầm cho tới khi đốt hầm được dìm vào vị trí an toàn và hai cột định vị được tháo gỡ.
Đoàn lai dắt đốt hầm số 2 có 4 tàu kéo chính, 1 tàu kéo dự bị, 2 tàu đẩy cảnh giới và 5 ca-nô cao tốc làm nhiệm vụ dẫn đường và cảnh giới từ vị trí bể đúc hầm đến vị trí dìm hầm.
|
Hai mươi bốn cơ quan và đơn vị chức năng đã được UBND TP.HCM huy động tham gia công tác lai dắt nhằm đưa đốt hầm số 2 đến vị trí lắp đặt an toàn.
Trong đợt lai dắt đốt hầm số 2 này có thêm sự tham gia của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ để cập nhật các số liệu quan trắc về mưa, gió, dòng chảy và trường ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Bách khoa TP.HCM, Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật TP.HCM đi theo để nghiên cứu quá trình thực hiện công trình.
Hầm Thủ Thiêm còn có những điểm thú vị so một số hầm dìm vượt biển tại Hồng Kông và Sydney (Úc). Cụ thể: - Mỗi đốt hầm Thủ Thiêm nặng hơn 27.000 tấn, trong khi mỗi đốt hầm tại Hồng Kông (xây xong năm 1982) nặng chỉ 20.000 tấn. - Chiều rộng của đường hầm Thủ Thiêm là 33m (6 làn xe), đường hầm tại Sydney (xây dựng xong 1992) chỉ rộng 4 làn xe. - Quá trình lai dắt các đốt hầm Thủ Thiêm từ bể đúc đến vị trí dìm xuống sông được xem là xa nhất với 22 km. Mai Vọng |
Đốt hầm số 2 dài 92,4m; rộng 33,3m và cao 9,1m.
Đường đi của đốt hầm được chia làm hai đoạn. Đoạn 1 từ vị trí bể đúc đến ngã ba sông Sài Gòn (còn gọi là Ngã ba Đèn đỏ). Đây là tuyến giao thông khá rộng nên sẽ tổ chức lưu thông theo từng khu vực, vận tốc di chuyển dự kiến của đoàn lai dắt là 5,5 km/giờ.
Đoạn 2 từ ngã ba sông Sài Gòn đến vị trí lắp đặt, luồng hẹp và có nhiều đoạn bờ sông uốn cong nên sẽ cấm mọi phương tiện lưu thông khi đoàn lai dắt đốt hầm đi qua, vận tốc di chuyển của đoàn lai dắt là 3,7 km/giờ.
- Chiều 29.3, đốt hầm Thủ Thiêm số hai đã được kéo lên khỏi bể đúc để kiểm tra kỹ thuật, chuẩn bị cho việc lai dắt, lắp đặt. - Ngày 4.4, Ban chỉ đạo thực hiện lai dắt, thi công lắp đặt các đốt hầm dìm đã tổng kiểm tra toàn bộ tuyến luồng, lộ trình lai dắt. Dự kiến hành trình lai dắt (ngày 5.4) 7 - 8 giờ: Lễ xuất phát quá trình lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 tại bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) 8 - 9 giờ: Đoàn lai dắt đến khu vực cảng đóng tàu An Phú 8 giờ 40 - 9 giờ 40: đến Ngã ba Đèn Đỏ 9 giờ 40 - 10 giờ 40: đến cầu Phú Mỹ 11 giờ 30 - 12 giờ 30: đến cảng VICT 13 - 15 giờ: đến vị trí lắp đặt tại khu vực Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm Đưa đốt hầm vào vị trí lắp ráp (ngày 5.4) 15 - 18 giờ: đốt hầm được xoay chuyển từ phương dọc (theo dòng sông) sang phương ngang (vào vị trí kết nối) và neo lại trên sông Dìm hầm (ngày 6.4) 7 - 9 giờ: bắt đầu quá trình đánh dìm đốt hầm Thủ Thiêm số 2 23 giờ: hoàn thành việc dìm hầm * Mọi hoạt động lưu thông tàu biển và các phương tiện thủy nội địa khác quanh khu vực dìm hầm sẽ tạm ngưng trong 36 giờ (tức dự kiến vào khoảng 12 giờ ngày 5.4 đến 0 giờ ngày 7.4). |
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục chính của gói thầu số 4 (xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm). Gói thầu có tổng trị giá 2.083 tỉ đồng, do nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) thực hiện.
Hầm có tổng chiều dài 1.490m, bao gồm 2 đoạn hầm dẫn phía Q.1 (dài 585m), phía Thủ Thiêm (535m) và đoạn hầm dìm (370m) chia làm 4 đốt hầm. Công trình còn có 2 tháp thông gió và nhiều hệ thống kỹ thuật khác. Ngoài ra, trong đường hầm còn có đường kiểm tra và khoang thoát hiểm. Thanh Niên Online xin điểm qua những cột mốc quan trọng trong quá trình thực hiện công trình này:
- Ngày 7.3.2010, đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên được lai dắt từ bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) về khu vực xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn (bờ phía Thủ Thiêm, Q.2). Việc đánh dìm đốt hầm số 1 kéo dài từ 9 giờ sáng đến 23 giờ đêm 8.3 và được kết nối thông với hầm dẫn phía Thủ Thiêm vào ngày 10.3.
- Đốt hầm số 2 được lai dắt vào ngày 5.4, dìm hầm vào ngày 6.4. - Dự kiến, đốt hầm số 3 được kết nối vào ngày 4.5, dìm hầm vào ngày 5.5; đốt hầm cuối cùng được lai dắt về vào ngày 4.6, dìm hầm vào ngày 5.6. - Hầm chui vượt sông Thủ Thiêm dự kiến hợp long vào tháng 8.2010 và thông xe kỹ thuật vào tháng 2.2011. - Đến khoảng tháng 4.2011, toàn bộ dự án Đại lộ Đông Tây sẽ hoàn thành, dài 21,9 km, từ nút giao với Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), xuyên vào trung tâm TP, vượt sông Sài Gòn và nối vào xa lộ Hà Nội tại nút giao Cát Lái (Q.2). |
Viên An - Mai Vọng - Diệp Đức Minh - Nghĩa Phạm
Bình luận (0)