>> Mưa lũ chia cắt miền Trung
>> Vùng áp thấp nhích dần lên phía Bắc
>> Mưa lũ hoành hành ở miền Trung
Đặc biệt, thủy điện Hố Hô giáp ranh giữa hai huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và Tuyên Hóa (Quảng Bình) bị ngập tràn cao hơn 1m.
Mưa lớn, các cửa xả gặp sự cố khiến nước trong lòng đập thủy điện Hố Hô cao, tràn ngập qua thân đập hơn 1m, lượng nước đo được lên tới khoảng 40 triệu m2 nước, khiến 25.000 hộ dân bị ngập, trong đó có gần 9.000 hộ dân ngập trên 2m.
Hàng ngàn hộ dân ở khu vực xung quanh thủy điện Hố Hô: Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên (Hà Tĩnh) chìm trong biển nước. Được biết, Công trình thủy điện Hố Hô do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.
Ngay trong ngày 4.10, hàng trăm chiến sĩ bộ đội thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lực lượng dọn dẹp lại khu vực thủy điện Hố Hô, khiến trạm thủy điện như một bãi chiến trường.
Cũng theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ đạo PCLB Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có 4 người chết, 3 người mất tích, tập trung tại Hương Sơn và Hương Khê.
Hiện đã xác định được danh tính 4 người chết là: Đoàn Trọng Giáp, chiến sĩ thuộc Đại đội 17, Bộ chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh khi đang thi công tại đường hầm CH-01, xã Hòa Hải và cô Trần Thị Hoa - giáo viên trường Mầm non xã Hương Thủy, huyện Hương Khê bị lũ bất ngờ cuốn trôi; và hai anh em trai: Bùi Khánh Linh (4 tuổi) và Bùi Sỹ Nguyên (3 tuổi), đều trú tại thôn Kim Lĩnh, xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn. Còn 3 người khác bị lũ cuốn trôi chưa tìm thấy.
Tính đến 15 giờ chiều nay, huyện Vũ Quang có 12/12 xã bị ngập và 8/12 xã bị cô lập hoàn toàn, trong đó gần 32.000 người dân bị cô lập hoàn toàn, một ngôi trường mầm non ở Đức Bồng, huyện Vũ Quang bị sạt lở đè sập trường.
Riêng huyện Hương Khê đến 15 giờ chiều nay, đã có 15/22 xã bị cô lập hoàn toàn, làm gần 25.000 hộ dân bị ngập. Người và gia súc đã được tập trung di dời đến nơi an toàn. Theo dự báo, huyện Hương Khê sẽ chịu nước ngập trong vòng 4 ngày tới.
Hiện các lực lượng chức năng: Bộ đội, dân quân tự vệ, người dân địa phương đang khẩn trương tìm kiếm người mất tích. (Tin, ảnh: Trương Hoa)
|
Trong đó, Hà Tĩnh có bốn người chết và một người bị thương, Quảng Bình một người chết và một người bị thương, Quảng Trị một người chết.
Mưa lũ cũng đã làm ngập và hư hại 6.294 căn nhà của người dân, cuốn trôi một tổ máy và làm hư hỏng nhà máy phát điện phía sau tràn đập Hố Hô...
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, mưa lũ vẫn còn diễn biến xấu tại miền Trung.
Dự báo, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh và từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục lên. Trưa và chiều nay, lũ trên sông La tại Linh Cảm lên mức 4,7m (trên báo động I là 0,2m), sông Gianh tại Mai Hóa ở mức 6,5m (báo động III), sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 3m (trên báo động III khoảng 0,3m), sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 5,7m (trên báo động III gần 0,2m), sông Hương tại Huế: 3m (dưới báo động III là 0,5m).
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân, bảo đảm an toàn về người và tài sản. Tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn đồng thời nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cũng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình.
Trước khi xả nước hồ, chủ công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ lưu biết để chủ động sơ tán, đồng thời báo cáo Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp liên quan để chỉ đạo kịp thời.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) triển khai ngay lực lượng xử lý đảm bảo an toàn đập thủy điện Hố Hô.
Hiện các địa phương vùng chịu thiên tai đang tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà bị sập, hư hỏng. (Quang Duẩn)
Quảng Bình: Nhiều nơi ngập sâu hơn 1,5m, hoàn toàn bị cô lập
|
Có những địa bàn ngập sâu hơn 1,5m như Quảng Hải, Quảng Tiên (H.Quảng Trạch), Châu Hóa, Văn Hóa (H.Tuyên Hóa) nên hoàn toàn bị cô lập trong nước lũ.
Người dân xã Quảng Hải, H.Quảng Trạch nhận mì cứu đói giữa dòng nước xoáy
Nước chảy mạnh đến nỗi thuyền không thể đi vào nhà dân được
Nhận mì xong, người dân tự đi ứng cứu với nhau
Em bé này đói quá, ăn mì dưới nước lũ
Hàng ngàn căn nhà chìm trong nước
Thả xuồng chuyển mì từ thuyền lớn vào
Bốc mì dưới mưa
Người dân cũng không thể chèo đò ra nhận nên phải dùng dây thừng néo vào gốc cây để bám
Thông tin từ Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh cho biết có hai người chết do lũ ở xã Quảng Tiên (H.Quảng Trạch) và Xuân Trạch (H.Bố Trạch), một tàu cá bị sóng đánh chìm tại cửa Nhật Lệ, lực lượng cứu hộ nhanh chóng cứu được hai người trên tàu. Hiện các đoàn cứu hộ đang nỗ lực tiếp cận vùng bị chia cắt nhưng rất khó khăn vì mưa to, gió giật cấp 7, sóng lớn không thể hạ xuồng cứu hộ. Toàn bộ học sinh trong vùng lũ được cho nghỉ học. (Tin, ảnh: T.Q.Nam)
Một huyện hơn 8.000 căn nhà ngập sâu trong nước
Trưa nay 4.10, PV Thanh Niên Online có mặt tại huyện miền núi Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), một trong những địa phương đang bị thiệt hại nặng do trận mưa liên tục mấy ngày qua.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó ban chỉ đạo PCLB huyện Tuyên Hóa cho biết, lúc 13 giờ hôm nay, mưa to vẫn không ngừng trút xuống trên địa bàn huyện. Tại Trạm thủy văn Đồng Tâm, lượng mưa đo được lên tới trên 700 mm.
Hiện tại, toàn huyện có đến 8.000 căn nhà bị chìm sâu trong biển nước, một căn nhà bị lũ cuốn trôi, nhiều cụm dân cư trong địa bàn huyện đang trong tình trạng bị cô lập hoàn toàn, giao thông đường bộ bị cắt, nước chảy xiết nên thuyền cũng rất khó tiếp cận.
Địa phương đã sơ tán khẩn cấp 1.571 hộ dân với 5.016 người có nhà bị ngập nóc và ở vùng có nguy cơ sạt lở, đến nơi an toàn.
Trường học ở 8 xã vùng hạ lưu sông Gianh đều phải đóng cửa. Thiệt hại ban đầu ước tính lên đến hàng trăm tỉ đồng. (Tin, ảnh: Việt Hoàng)
|
Thừa Thiên - Huế: Một cháu bé chết đuối
Sáng nay 4.10, các tuyến đường trong nội thị TP Huế nước đã xuống. Tuy nhiên, một số xã như Quảng An, Quảng Phú, Quảng Phước (H.Quảng Điền), Phong Thu, Phong Hòa, Phong Chương (H.Phong Điền)... nước vẫn còn ngập sâu.
Tuyến Quốc lộ 1A tại km829 đoạn cầu vượt Thủy Dương ngập 0,5m khiến giao thông qua lại trên đoạn đường này rất khó khăn.
Trong lúc đó, tỉnh lộ 17 từ thị trấn Phong Điền đi Phong Mỹ (đoạn qua thôn Vĩnh Nguyên) vẫn còn ngập sâu 1m, tại tỉnh lộ 4 (đoạn Phong Bình đi Phong Chương) bị ngập 0,5m, người dân vẫn phải đi lại bằng đò.
Lợi dụng lúc nước lũ dâng ngập các tuyến đường, nhiều người chèo đò đã tranh thủ “làm ăn” với giá cắt cổ, như đoạn tỉnh lộ 4 (Bao Vinh, Quảng An) chỉ ngập khoảng vài trăm mét, nhưng người đi đường phải tốn từ 10.000 - 20.000 đồng/người lượt (gồm cả xe máy).
Đường tỉnh lộ 4 (Bao Vinh- Quảng Thành, H Quảng Điền) ngập sâu gần 0,5m
Người dân vùng lũ xã Hương Vinh (H.Hương Trà) bủa lưới trên đồng ruộng ngập lũ
Nước lũ dâng ngập tuyến tỉnh lộ 8b (đường Nguyễn Chí Thanh, Huế đi H.Quảng Điền) khiến người dân phải đi lại bằng thuyền
Tuy lấy tiền với giá cao nhưng hầu hết các thuyền này đều không hề có bất cứ phương tiện cứu hộ nào.
Trong khi đó, giá cả thực phẩm tại các chợ tăng chóng mặt. Tại xã Quảng An, H.Quảng Điền, giá 1kg thịt lợn là 60.000 đồng, tăng 15.000 đồng, rau muống 4.000 đồng/bó, cá lóc 60.000 đồng/kg…
Tại TP Huế đã có một cháu bé 4 tuổi chưa xác định danh tính, con ông Bình ở đường Trần Quý Cáp, phường Thuận Lộc, do không may đã chết đuối trên sông Ngự Hà.
Ở thị trấn Phong Điền, ngày 3.10, cũng đã xuất hiện một cơn lốc làm hơn 10 ngôi nhà tốc mái. (Bùi Ngọc Long, ảnh: M.P)
Bình luận (0)