Vì miền Trung

08/10/2010 10:05 GMT+7

T.Ư Đoàn TNCS HCM, Báo Thanh Niên và các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp tiếp tục đến với đồng bào vùng lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh * 52 người chết, 24 người bị mất tích * Tan hoang miền di sản >> Hà Nội hủy bắn pháo hoa, dành kinh phí ủng hộ miền Trung

(TNO) Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, tính đến sáng nay 8.10, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 52 người chết, 24 người mất tích và 54 người bị thương.

>>  Càng đi càng thấy thương tâm
>> Tan hoang thủy điện Hố Hô
>> Đến với người dân vùng lũ
>> Di sản Phong Nha trong cơn đại hồng thủy

Hiện mưa đã giảm, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang tiếp tục xuống, sáng cùng ngày phổ biến chỉ còn ở mức báo động 1 - báo động 2.

Tại các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, đã hoàn toàn hết ngập; trong khi đó, tại Hà Tĩnh chỉ còn 32 xã của 6 huyện (gồm: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên) và 12 xã của các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình còn ngập lụt nhưng không còn bị cô lập.

Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang được triển khai khẩn trương, từng bước ổn định đời sống nhân dân vùng mưa lũ.

Tại cuộc họp với các tỉnh, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, đã quyết định trước mắt hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi tỉnh 100 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo để giúp các tỉnh có đủ điều kiện khắc phục hậu quả, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ dân sinh, khôi phục sản xuất, khôi phục hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Tính đến hết ngày 7.10, Bộ Quốc phòng đã tổ chức được 9 chuyến bay, chở 7,6 tấn hàng tiếp tế cho nhân dân vùng giao thông đường bộ chưa đi lại được của Quảng Bình, điều hai tàu hải quân tìm kiếm tàu bị nạn trên biển.

Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức sửa chữa các tuyến đường sau khi lũ rút, hiện quốc lộ 1A đã thông xe toàn tuyến, đường Hồ Chí Minh chỉ còn tắc tại hai điểm thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình, tuyến đường sắt Bắc - Nam đã thông tuyến bước 1, chỉ còn ách tắc tại một số điểm thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Ngành đường sắt cũng đã tổ chức chuyển tiếp hành khách trên các chuyến tàu Thống Nhất bị kẹt do lũ để tiếp tục hành trình, hiện không còn hành khách nào bị mắc kẹt tại các ga bị ảnh hưởng của lũ lụt.

Các địa phương huy động các nguồn lực, xử lý các sự cố hồ đập, khôi phục các tuyến giao thông quan trọng, các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại và khắc phục hậu quả sau lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân...

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương vùng thiên tai huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn dân tại các vùng bị ngập lụt và tàu thuyền đang bị trôi dạt trên biển; tiếp tục tìm kiếm người mất tích, tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà bị sập, hư hỏng.

Chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, huy động các lực lượng giúp dân ổn định đời sống, sản xuất tại những khu vực lũ đã rút... (Quang Duẩn)

Tan hoang miền di sản

Sau nhiều ngày ngập trong nước và bùn, sáng 8.10, toàn tỉnh Quảng Bình đang cố gượng dậy.

PV Thanh Niên Online trong buổi sáng nay đã có mặt tại vùng đất di sản Phong Nha - Kẻ Bàng (thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch). So với sự tấp nập, đông đúc du khách những ngày bình thường thì nay một bức tranh hoàn toàn đối lập đã bị vẽ lên do mưa lũ.

Theo nhiều người dân địa phương, trong cơn lũ vừa rồi, cả xã đã bị nước nuốt chửng, nhiều nơi nước đã lên quá tầng hai các khu nhà công sở. Lúc chúng tôi có mặt, mặc dù nước đã rút nhưng dấu vết của sự tàn phá vẫn còn in rõ trên các bức tường và những ngọn cây.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, quần áo bê bết bùn đất, nói: “Tan hoang hết cả rồi các anh ơi, cả xã có đến 66 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; nhà xiêu vẹo và ngập trong bùn thì nhiều vô kể. Thiệt hại ước tính ban đầu lên đến hơn 44 tỉ đồng”. Người dân ở đây đang rất thiếu thốn nước sạch, thực phẩm.

Xơ xác nhất tại nơi này có lẽ là khu vực chợ Xuân Sơn, toàn bộ các hàng quán đều đã đổ sập, cuốn theo nhiều vật dụng của các tiểu thương.

Gia đình anh Nguyễn Văn Côi (45 tuổi) chỉ còn biết ngồi ôm nhau khóc bên đống đổ nát. “Vợ chồng tui bòn mót cả đời mới được cái quán này, giờ thì nhà sập, tủ lạnh, ti vi hỏng cả, đồ đạc cũng trôi theo lũ. Đến cái chỗ ngả lưng gia đình cũng không có, đành chui vào cái nhà sập xem nào còn khô ráo rồi ôm nhau ngủ cho qua ngày…”, anh Côi nói.

Công tác dọn dẹp sau lũ cũng đã bắt đầu được triển khai, những hộ dân chủ động lau rửa đồ đạc để bắt đầu lại cuộc sống. Trong khi đó, nhân viên của công ty môi trường Phong Nha - Tràng An đã tỏa ra các khu công cộng để “xử lý” rác thải và bùn đang chất đống…

Những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đã đến được với người dân vùng lũ Sơn Trạch. (Bài, ảnh: Nguyễn Phúc)


Nước uống bây giờ là mặt hàng rất cần thiết đối với người dân Sơn Trạch


Dấu vết của trận lũ kinh hoàng


Chợ Xuân Sơn (xã Sơn Trạch) tan hoang sau lũ


Gia đình anh Nguyễn Văn Côi khóc nức nở bên đống đổ nát


Chốn trú ngụ cuối cùng của gia đình anh Côi


Người dân dọn dẹp sau lũ


Nhân viên môi trường tranh thủ lót dạ sau hai ngày làm việc cật lực


Khẩn trương chuyển hàng cứu trợ


Trao hàng cho người dân vùng lũ


Trung ương Đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội LHTN VN và Báo Thanh Niên thiết tha kêu gọi quý bạn đọc, những đơn vị, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương” cùng nhau chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua hoạn nạn này.

Mọi đóng góp xin vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM: 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM, ĐT: (84.8) 38394046 - 39322026 - 38332955

- Tòa soạn tại Hà Nội: Tầng 2, số nhà 17, ngõ 167 Tây Sơn, Q.Đống Đa, Hà Nội, ĐT: (84.4) 38570981 - 62755310

- Văn phòng đại diện đông Bắc Bộ: 41B Cát Cụt, Q.Lê Chân, TP Hải Phòng, ĐT: (031) 6256625

- Văn phòng đại diện khu vực bắc Trung Bộ: 1 Nhà Thờ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ĐT: (037) 3855748

- Văn phòng đại diện miền Trung: 144 Bạch Đằng, TP Đà Nẵng, ĐT: (0511) 3824231

- Ban đại diện khu vực Tây Nguyên và nam Trung Bộ: 22 Hùng Vương, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ĐT: (063) 3827807

- Văn phòng đại diện khu vực trung Trung Bộ và bắc Tây Nguyên: 133 Lê Lợi, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ĐT: (056) 3824142

- Văn phòng đại diện tại Nha Trang: Nhà A3, chung cư 26 Hai Bà Trưng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ĐT: (058) 3819306

- Ban đại diện đồng bằng sông Cửu Long: 99 Trần Văn Hoài, TP Cần Thơ, ĐT: (0710) 3825244

Báo Thanh Niên sẽ nhanh chóng chuyển đến tận tay bà con vùng lũ tấm lòng quý báu của bạn đọc gần xa.

Thanh Niên

>> tiếp tục cập nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.