Nguyên nhân là do các "đội lái" này chần chừ ra hàng bởi nghe thông tin PGS chuẩn bị mua vào 1 triệu CP quỹ. Nếu tin này chính xác, giá CP PGS sẽ có "trớn" để tiếp tục tăng mạnh và lợi nhuận mà đội lái thu về sẽ tiếp tục được nhân lên. Nhưng không ngờ, thị trường xuống nhanh và việc mua CP quỹ đến giờ này vẫn "bặt âm vô tín" khiến các đội lái không kịp trở tay. Broker này thú thực: "Sau khi dẫn dắt giá PGS tăng liên tục từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 8 với mức tăng tới 40% - 50% giá trị, các đội lái đã trúng đậm. Nhưng vì tham, định đón gió thông tin mua CP quỹ và thấy khối ngoại cũng tích cực gom PGS nên họ lại tiếp tục nhảy vào ôm hàng và ôm luôn tới tận bây giờ. Đúng là gậy ông lại đập lưng ông".
"Gậy ông đập lưng ông" cũng là bài học cho các CTCK trong vụ bị các đội lái "bỏ bom" CP AAA của Công ty nhựa và môi trường xanh An Phát. Trước vụ này, chỉ nghe chuyện NĐT kiện CTCK tự ý mua, bán; tự ý giải chấp CP của mình. Các NĐT nhỏ, lẻ thì ấm ức vì sự ưu ái của CTCK đối với các NĐT VIP. Nhưng đến vụ AAA, chính các NĐT VIP đã câu kết với nhau thành đội lái để "đánh úp" các CTCK khi sử dụng đòn bẩy tài chính của chính các công ty này để mua CP AAA rồi "bỏ của chạy lấy người", để lại cho các CTCK này những tài khoản đầy ắp CP AAA đã mất giá (Thanh Niên đã có phản ánh trong bài viết Công ty chứng khoán sập bẫy NĐT). Thế mới thấy, đòn bẩy tài chính là con dao 2 lưỡi. Một mặt, nó được các CTCK sử dụng để chiều lòng khách hàng cũng như tăng doanh thu, tăng khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng mặt khác, nó cũng trở thành công cụ để các NĐT “giăng bẫy” các CTCK.
Theo luật sư Trần Phạm Thanh Loan, Giám đốc Công ty luật ELAF, Ủy ban chứng khoán đã cấm các CTCK cầm cố chứng khoán mà không thông qua ngân hàng. Tuy nhiên, để lách luật họ vẫn sử dụng hình thức này dưới dạng “hợp đồng hỗ trợ vốn” hay “hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán”. Và hậu quả là dẫn đến khá nhiều tranh chấp giữa NĐT và CTCK. Theo luật sư Loan, đã đến lúc cần có các biện pháp mạnh tay hơn để quản lý hình thức đòn bẩy tài chính này. Trong trường hợp các cổ đông nhỏ, lẻ bị thiệt hại trong các vụ cổ đông lớn thao túng thị trường có sự tiếp tay của thành viên nội bộ trong công ty thì có thể yêu cầu ban kiểm soát khởi kiện hoặc trực tiếp khởi kiện (nếu ban kiểm soát không khởi kiện).
Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Đội lái thao túng thị trường cũng có lúc bị ôm hàng mất giá. CTCK ưu ái NĐT VIP thì bị sập bẫy bởi chính các NĐT này. Đúng là "gậy ông đập lưng ông".
Nguyên Khanh
Bình luận (0)