Cần lấp “lỗ hổng” trách nhiệm

04/01/2011 23:52 GMT+7

Bài viết Bẫy thi công “vô chủ”? đăng trên Thanh Niên hôm qua đã nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc từ bạn đọc.

Khắp nơi có bẫy

Trên địa bàn TP.HCM không chỉ có cái bẫy ở quận 4 mà còn rất nhiều bẫy ở các nơi khác. Trên đường Bà Triệu (thị trấn Hóc Môn), trước Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn cũng đang có 2 cái bẫy to, đơn vị thi công đào xong rồi để đấy, lấy vài cành cây che lại, thế là xong. Một đoạn vỉa hè đường Lý Thường Kiệt (trước Bệnh viện Thống Nhất, P. 7, Q.Tân Bình, TP.HCM) đang bị bong tróc, bê tông, cát đá… tràn ra lòng đường, nguy hiểm vô cùng. Một thành phố năng động, lớn nhất nước mà như thế thì sao gọi là văn minh cho được?

Nguyễn Minh Quân (Cao Đạt, Q.5, TP.HCM)

Thiệt hết biết!

Việc gia đình ông Nguyễn Hữu Phú (Q.1, TP.HCM) bị sụp hố thi công trên đường Nguyễn Tất Thành vào ngày 1.1.2011 không chỉ có Thanh Niên đưa tin, các báo mạng cũng đăng tải, vậy mà đến nay vẫn chưa có đơn vị nào lên tiếng nhận trách nhiệm, cơ quan quản lý cũng chưa biết ai đào đường mình quản lý. Thiệt hết biết! Trách nhiệm ở đâu vậy? Đề nghị UBND TP.HCM sớm xem xét, kiểm tra vụ việc.

Văn Huấn (P.Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM)

Hãy quy trách nhiệm

Ở các nước, đường là do các đơn vị có trách nhiệm quản lý hạ tầng cơ sở theo dõi. Ai muốn đào đường phải xin phép, đóng tiền và phải tái lập lại đường đúng hiện trạng ban đầu, thậm chí phải có cơ quan thẩm tra chất lượng. Còn ở ta, quy trình cũng vậy nhưng một con đường phải oằn mình chịu sự đào bới của không biết bao nhiêu đơn vị, đơn vị này lấp, đơn vị kia đào và cũng chẳng thấy ai xin lỗi, xin phép gì người dân vì sự bất tiện mà đơn vị đào đường gây ra. Đào xong, chẳng biết có tái lập nguyên trạng, có đảm bảo chất lượng không mà ổ voi, ổ gà, bẫy… cứ liên tục gây tai nạn cho người dân. Vậy trách nhiệm chính ở đây vẫn thuộc về cơ quan quản lý. Cứ quy trách nhiệm đơn vị này thì mọi chuyện sẽ sáng tỏ ngay thôi.

(NhatHoang78@yahoo.com)

Nguyên nhân

Theo một số chuyên gia phân tích thì việc TP.HCM xuất hiện ngày càng nhiều bẫy là do chất lượng các công trình ngầm quá kém, chủ yếu là công trình thoát nước và cấp nước. Ống thoát nước đặt trong lòng đất, do áp lực nước trong các ống cấp nước rất lớn, chỉ cần một chỗ rò rỉ nhỏ, nước sẽ bung ra, thấm dần vào lòng đất, tạo nên những lỗ hổng trong lòng đất, đến thời điểm nào đó, dưới sức nặng của các phương tiện giao thông, mặt đường sẽ sập xuống, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện giao thông. Các trường hợp khác cũng vậy. Nói như thế để thấy rằng lỗ hổng trong lòng đất, trên đường xuất phát từ “lỗ hổng” trong khâu kiểm định, kiểm tra chất lượng, giám sát công trình… Sự cẩu thả cộng với sự nể nang là những nguyên nhân chính dẫn đến những “cái bẫy” này. Muốn hết bẫy, phải lấp những “lỗ hổng” trách nhiệm.

(thanhdongcat@yahoo.com)

Phạt nhà thầu 25 triệu đồng

Sau khi Thanh Niên ngày 4.1 có bài Bẫy thi công "vô chủ"?, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM và Đội thanh tra giao thông số 6 đã kiểm tra, xác định công trình đào đường tại ngã ba Nguyễn Tất Thành - Xóm Chiếu (Q.4) gây tai nạn cho gia đình ông Nguyễn Hữu Phú là do Công ty điện thoại Đông TP thi công. Theo thanh tra giao thông, Công ty điện thoại Đông TP đào đường sửa chữa cáp viễn thông, đến thời điểm Tết dương lịch chưa xong nên đậy tạm bằng tấm thép. Thanh tra đã lập biên bản xử phạt nhà thầu 25 triệu đồng, do các lỗi thi công không đảm bảo an toàn giao thông, thi công không xin phép, không rào chắn và gắn biển cảnh báo. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu bỏ tấm thép, tái lập hoàn chỉnh mặt đường.

Ông Nguyễn Hữu Phú hiện vẫn nằm điều trị tại Bệnh viện Sài Gòn, các bác sĩ dự kiến phải mất ít nhất 2 tháng thì phần xương vai bị gãy của ông mới lành hẳn. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Công ty điện thoại Đông TP khẳng định sẽ kiểm tra, nếu xác định nguyên nhân gây tai nạn là do đơn vị thi công thì sẽ có hình thức bồi thường hợp lý cho người dân. 

P.Thanh

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.