Có một số khách định đổ đầy bình với xăng 95, nhưng thấy giá nhảy vọt bất ngờ trên bảng niêm yết, đành đổi ý đổ xăng 92, cho bớt tiền.
"Bây giờ tới đổ mới biết xăng tăng giá mạnh như vậy, hình như đây là giá cao nhất từ trước đến nay. Xăng tăng thế này thì phải giảm đi lại thôi, có việc cần mới xách xe chạy để tiết kiệm bớt chi phí, bây giờ cái gì cũng tăng mà!", anh Nguyễn Xuân Tiến, nhà ở Q.7, TP.HCM nói.
|
Nhiều nhân viên bán xăng cũng vô cùng bất ngờ vì giá xăng tăng quá cao, ở mức kỷ lục từ trước đến nay, dù thông tin tăng giá đã "rục rịch" từ nhiều ngày qua.
"Đây là mức giá xăng cao nhất từ trước đến giờ, nhân viên tụi tui cũng không biết sẽ tăng giá sáng nay, mà lại tăng cao như vậy. Trước 10 giờ sáng, có quá nhiều người đem thùng nhựa lớn đến đây mua xăng để về trữ", anh Tức - nhân viên tại trạm xăng dầu số 13 (góc CMT8 - Điện Biên Phủ, Q.10, TP.HCM) cho biết.
|
10 giờ 45 phút, bảng niêm yết giá xăng tại trạm xăng dầu K24 (Điện Biên Phủ, P.11, Q.10) mới được cập nhật, dù giá bán đã tăng từ thời điểm 10 giờ.
Vì thế, nhiều khách hàng đến đây đổ xăng vẫn không biết giá tăng.
Phải đến 10 giờ 50 phút, các nhân viên của trạm xăng này mới niêm yết bảng giá mới.
|
Ồ ạt mua xăng, dầu trước giờ tăng giá Trước thông tin giá xăng sẽ tăng 2.900 đồng/lít từ 10 giờ ngày 24.2, khoảng 9 giờ sáng, đông đảo người dân Huế đã tranh thủ đi đổ xăng. Tại các cây xăng trên địa bàn thành phố Huế chật ních người chen lấn mua xăng trước thời điểm tăng giá xăng. Đưa tay nhìn đồng hồ, một người dân cho biết: "Tôi chờ đã hơn 10 phút mà vẫn chưa đổ được xăng. Kiểu này đến lượt mình thì cũng đã đến giờ cây xăng áp dụng mức giá mới rồi. Đã mất công chờ, nhưng e là cũng không kịp". Cũng với tâm lý này, không ít người dân buôn bán nhỏ lẻ đem can đến các cửa hàng xăng để mua xăng trước thời điểm tăng giá. Tuy nhiên, không phải ai cũng mua được xăng. Do có quá đông người mua nên không ít trường hợp đành đem can không ra về bởi khi đến lượt họ thì cửa hàng xăng đã áp dụng mức giá mới.
"Mình là dân buôn bán nhỏ, nghĩ đi mua trước cả nửa tiếng đồng hồ vậy là sẽ mua được, mong kiếm ít lời. Ai dè ra đây, ai cũng như mình, kéo nhau đi đổ xăng, đông quá nên đến lượt mình thì giá xăng đã nhảy từ 16.400 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít", chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ. Trong khi đó tại TP Đà Nẵng, từ 9 giờ sáng nay, người dân đã ồ ạt kéo đến các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn để đổ xăng, dầu trước giờ tăng giá. Tại khắp các cây xăng lớn ở trung tâm TP Đà Nẵng như Total Thái Phiên, Total Điện Biên Phủ, cây xăng Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương, Cửa hàng xăng dầu số 8... đều đông nghịt người. 9 giờ 45 phút, 15 phút trước thời điểm xăng dầu tăng giá, người dân càng kéo đến đông hơn.
Ông Nguyễn Nho Hậu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho biết, 9 Đội QLTT đã kiểm tra tất cả các cây xăng nhưng chưa phát hiện trường hợp găm hàng, ngừng bán. Ông Lữ Bằng - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi ngày người dân TP Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 1 triệu lít xăng, dầu. Đại diện các đơn vị cung ứng cho biết hiện nguồn xăng dầu dự trữ dư đến 20 - 30% so với nhu cầu tiêu dùng, đủ cung ứng cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Bà Hoàng Thị Bích Hoa, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty xăng dầu khu vực 5 (nắm 55% thị phần xăng, dầu TP Đà Nẵng) cho biết: “Trước thời điểm tăng giá, một số đại lý đề nghị chúng tôi cung ứng thêm dù chưa đến đợt nhập hàng mới. Do không đúng theo tiến độ nhập hàng nên chúng tôi không chấp nhận để tránh tình trạng trữ hàng, đầu cơ”.
Tại Hà Nội, trước thông tin mỗi lít xăng A92 sẽ tăng thêm 2.900 đồng/lít từ 10 giờ sáng 24.2, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở Thủ đô bỗng nhiên đông nghẹt khách. Trong đó, nhiều người biết xăng tăng giá nên tranh thủ đi mua “chạy giá”. Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, từ 9 giờ sáng nay, hầu hết các cây xăng tại Hà Nội đều đông khách hơn bình thường. Cửa hàng xăng dầu số 4 nằm trên phố Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), lúc hơn 9 giờ sáng, đã có nhiều ôtô và xe máy xếp hàng chờ đổ xăng. Tuy nhiên, thời điểm này, không nhiều người biết thông tin xăng tăng giá. Anh Nguyễn Xuân Hùng (Hàng Bài, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, sáng nay, lên cơ quan, nghe các đồng nghiệp kháo nhau xăng sắp tăng giá, ngó xe thấy gần chạm vạch hết xăng nên phải đi đổ.
Tại cây xăng này, theo quan sát của chúng tôi, trên các cột bơm xăng vẫn còn tấm bảng thông báo, nội dung "cột bơm phục vụ khách hàng mua một mức 40.000 đồng/lần". Theo nhiều khách hàng, việc cửa hàng giới hạn số xăng được mua với mức tối đa 40.000 đồng/lần như thế này, là động thái cố tình chờ đến giờ G, khi xăng tăng giá.
Đến khoảng gần 10 giờ, tại nhiều cây xăng khác như cây xăng Nam Đồng trên đường Tây Sơn, cây xăng Trường Chinh, cây xăng nằm trên đường Láng (Hà Nội)…, cảnh hỗn loạn đã bắt đầu diễn ra, khi nhiều người kéo đến mua xăng. Thậm chí, tại cây xăng Trường Chinh, theo ghi nhận của Thanh Niên Online, còn có nhiều người dân mang thêm can, chai… đi mua xăng dự trữ.
Tại cây xăng nằm trên đường Thái Thịnh, lúc hơn 10 giờ, có nhiều xe máy, ôtô xếp hàng dài đợi đến lượt vào đổ xăng. Tuy nhiên, thời điểm này, nhân viên bán xăng cho hay tạm ngừng bán hàng để kiểm kê. Theo nhiều người đợi mua xăng tại đây, rõ ràng đây là hành vi cố tình "găm" xăng chờ lên giá.
Đợi 30 phút mà không đổ được bình xăng, anh Nguyễn Tất Thắng, nhà ở ngõ 1101 đường Láng (Hà Nội) bức xúc cho biết, từ hơn 9 giờ, anh đã đến xếp hàng tại 3 điểm bán xăng là cây xăng Nam Đồng, Trường Chinh và Thái Thịnh, nhưng vẫn không mua được giọt nào.
Minh Phương - Nguyễn Tú - Trần Đan - Lê Quân |
Giá cước vận tải có thể tăng thêm 12 - 15% |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô VN cho biết, giá xăng dầu tăng tác động trực tiếp đến chi phí vận tải đầu vào, buộc các doanh nghiệp (DN) vận tải phải điều chỉnh giá cước. “Tác động từ giá điện, giá xăng sẽ khiến một số mặt hàng trong ngành vận tải sẽ tăng theo như phụ tùng vật liệu, phí bảo dưỡng sửa chữa xe... Khả năng chi phí đầu vào của ngành vận tải sẽ gián tiếp tăng trên dưới 15%, người tiêu dùng phải chia sẻ với các DN về việc bắt buộc phải điều chỉnh giá cước”, ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, tỷ suất lợi nhuận của ngành vận tải ôtô hiện trên dưới 10%, đầu vào tăng 15% nếu DN không tăng tương ứng sẽ khó tồn tại được. Tuy nhiên, quy trình điều chỉnh không phải ngày một ngày hai, các đơn vị phải tính toán lại phương án giá, kê khai với chính quyền địa phương. Theo đó, taxi phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, vận tải hành khách phải in lại vé, thời gian điều chỉnh chính thức trong vài ngày tới. Riêng vận tải hàng hóa, cái khó là đã ký hợp đồng, các DN vận tải sẽ phải thương lượng lại với khách hàng. “Giá cước vận tải trong năm 2010 tương đối ổn định, nhưng từ bây giờ sẽ hình thành mặt bằng giá cước mới”, ông Hùng khẳng định. Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, mức tăng giá xăng lên 2.900 đồng/lít tương ứng gần 18,3%. Với mức tăng này, dự kiến sơ bộ giá cước taxi sẽ phải tăng từ 12 - 15% tùy từng loại xe. Hiện trên địa bàn Hà Nội có 14.000 xe taxi, việc tăng giá sẽ thực hiện trong một, hai ngày tới. M.Hà |
Trí Quang
Bình luận (0)