Giá xăng dầu tăng liên tục, doanh nghiệp vận tải lao đao

30/03/2011 13:26 GMT+7

(TNO) Chỉ trong vòng hơn một tháng, hai đợt tăng giá xăng, dầu liên tiếp khiến nhiều chủ doanh nghiệp choáng váng than trời: “Biết còn trụ nổi nữa không!”.

>> 22 giờ tối nay, giá xăng lên 21.300 đồng/lít
>> Giá xăng tăng, khiến chỉ số CPI lên thêm 0,65%
>> Bất ngờ vì giá xăng tăng cao kỷ lục

Khó khăn chồng chất

Đêm 29.3, khi nhận được thông tin giá xăng dầu tiếp tục tăng, ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ vận tải Đặng Tiến (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã thức trắng vì lo lắng.

Nỗi lo trước mắt của ông Tiệp là hơn 15 container hàng hóa đã ký hợp đồng vận chuyển cho khách hàng phải 2 ngày nữa mới hoàn tất. Điều này có nghĩa là chuyến làm ăn này, công ty của ông chịu lỗ trên 500.000 đồng/container bởi giá vận chuyển lô hàng này vẫn phải thực hiện theo giá cũ.

“Do thời gian giữa hai lần tăng giá xăng, dầu quá ngắn nên ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp vì không thể đàm phán với khách hàng để lên giá ngay được”, ông Tiệp nói.

Chủ doanh nghiệp vận tải Minh Thành cũng than: “Mệt lắm! Không biết còn có thể trụ nổi không”.

Ông Thành cho biết, lần điều chỉnh giá cước trước đó (vào ngày 24.2), các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cũng thống nhất tăng thêm 20% nhưng đến tận bây giờ, nhiều khách hàng vẫn chưa chấp nhận mức giá cước ấy. Vì thế, trong đợt tăng giá xăng, dầu lần này, khó có thể thuyết phục khách hàng tăng giá cước.


Ngành vận tải tiếp tục bị ảnh hưởng đáng kể do giá xăng, dầu tăng - Ảnh: Trần Duy

“Trong các loại hình vận tải, giá cước vận tải hàng hóa không thể nào tăng tùy tiện và tăng liên tục được. Nhưng nếu đi giá cũ thì không thể được vì ăn theo giá xăng dầu, những thứ liên quan khác đến vận tải cũng tăng theo như xăm, lốp, dịch vụ, sửa chữa…”, ông Thành nói. “Thường chúng tôi ký hợp đồng với đối tác trước 6 tháng nên trong thời điểm này nói điều chỉnh giá là rất khó”, ông Thành cho biết thêm.

Nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng theo hình thức cho thuê tài chính lại gặp phải tình trạng phương tiện được đầu tư nhiều nhưng nguồn hàng ít hoặc không có hàng để chạy.

Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, giá dầu tăng 2.800 đồng/lít (tăng 15,3%) thì phí vận chuyển mà hiệp hội khuyến cáo doanh nghiệp điều chỉnh ở mức tăng 8% là hợp lý.

Chắc chắn phải tăng

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải VN cho biết với lần điều chỉnh này, giá xăng đã tăng khoảng 10%, dầu diesel tăng 15,3% (tương ứng với đầu vào cho vận tải tăng từ 5 - 8%), thông thường giá xăng dầu tăng vượt ngưỡng 10% thì giá cước phải điều chỉnh.

Theo ông Hùng, đợt điều chỉnh gần đây nhất khi giá xăng tăng ngày 24.2, nhiều doanh nghiệp vận tải đã tăng 10 - 15% giá cước, ông Hùng cho biết Hiệp hội yêu cầu các doanh nghiệp đã tăng giá đợt trước cần cân nhắc khi tăng giá lần này để không mất thị phần vận tải. Tuy nhiên, mức tăng tối thiểu cũng sẽ phải xấp xỉ 5 - 8% để bù đắp chi phí nguyên liệu.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết với mức tăng giá 2.000 đồng/lít xăng các hãng taxi chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lại giá cước (mới được các hãng điều chỉnh tăng thêm 1.000 - 1.500 đồng/km vào đầu tháng 3). Tuy nhiên mức điều chỉnh có thể sẽ thấp hơn một chút so với lần điều chỉnh trước.

Đề xuất tăng giá trần vé máy bay của nhiều hãng máy bay cũng đang được liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải xem xét. Theo một nguồn tin, đề xuất này có thể sẽ được chấp thuận trong tháng 4. Bên cạnh đó, giá vé tàu hỏa sẽ tăng 5 - 18% từ 8.4 tới đây.

Theo dự đoán của Tổ điều hành thị trường trong nước, CPI trong tháng 4 cũng sẽ chịu thêm nhiều sức ép bất khả kháng như giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trên giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt dầu thô biến động khó lường, ảnh hưởng lớn tới giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu. Dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm, đặc biệt có thể khan hiếm thịt lợn.

Vượt khó bằng giảm phí cầu đường?

Không kém phần lo lắng, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết chưa thể tính được các doanh nghiệp trong hiệp hội có tiếp tục điều chỉnh giá cước taxi trong thời gian tới hay không. Ông cũng từ chối đưa ra mức nhận định giá cước mới.

Nhiều hãng taxi hiện đang nhấp nhổm vì đợt tăng giá xăng, dầu lần này. Trước đó, nhiều hãng taxi đã tăng giá cước trung bình 12 - 15%. Nhiều hãng cũng chỉ vừa mới hoàn tất kiểm định đồng hồ; lập trình lại đồng hồ tính cước với mức giá mới. Giờ đây, giá xăng tăng thêm.

Ông Hỷ cho biết, để giảm thiểu khó khăn cho hoạt động kinh doanh taxi, hiệp hội đã kiến nghị cơ quan chức năng giảm thuế VAT nhưng kiến nghị này không được chấp nhận.

Để có thể tiếp tục tồn tại trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TP.HCM đang kiến nghị giảm lệ phí cầu đường, giảm mật độ trạm thu phí “dày đặc”.

Trần Duy - Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.