>> Kỳ 1: Còn tuổi nào cho Dao-Ánh-sương-mù
>> Kỳ 2: Yêu một người tên hoa hướng dương
>> Kỳ 3: Ba trăm bức thư - một cõi đi về...
>> Kỳ 4: Huế - một thành phố nhớ
>> Kỳ 5: Dù còn phút cuối xin em nụ cười
Nhạc sĩ Văn Cao khi còn sống đã viết lời bạt in trong Tuyển tập những bài ca không năm tháng (của Trịnh Công Sơn) với phân tích: “Ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ (...). Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, một người bạn già của tôi: “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là chính ở chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới”. Có nhiều nhận xét tương tự như thế về ca từ trong các tình khúc Trịnh Công Sơn - tựu trung cho rằng lời nhạc của Trịnh Công Sơn đầy chất thơ - và đó chính là thơ. Điều ấy lại ứng vào hàng trăm bức thư tình ông viết, nghĩa là “trong thư có thơ” như các trích dẫn dưới đây:
|
Dran 11.11.1964
Dao Ánh, Dao Ánh, Dao Ánh
Ánh đã lạnh tay rồi phải không. Hãy ép giá rét ấy lên giấy rồi gởi lên cho anh. Anh đang cần đang cần. Ánh ơi, suối vẫn chảy cho mòn đá, mưa vẫn xuống cho ẩm mục cỏ may, người vẫn gọi nhau cho mòn mỏi. Sẽ còn gì, sẽ còn gì ngoài những tàn tích buồn bã câm im. Tiếng hát của Châu Hà lại có đó… “xa cách nhau chân trời…”. Ánh còn hiện diện ở đó đến bao giờ. Bao giờ rồi đi. Rồi phủi sạch những trầm tích đã bám vào đời mình như một loại rêu phong. Ánh ạ, anh đã làm phiền Ánh và sẽ làm phiền Ánh. Tiếng hát Thái Thanh nghe não nùng như một định mệnh. Mưa xuống và gió lòn vào những khe gỗ. Anh ngồi hút pipe cho ấm cổ, ấm tay. Bây giờ Ánh gặp anh chắc Ánh lạ lắm. Từ hôm đi đến giờ anh để râu dài ra không còn muốn cắt đi nữa. Anh muốn mình bớt bận rộn về những chuyện làm rất vặt ấy đi. Anh cho mình có dịp trở về với thiên nhiên. Anh nghĩ là Ánh cũng chấp nhận điều đó. Đối với chúng anh, anh nghĩ con trai phải rừng một tí.
Mưa đã nhiều hơn. Ánh đã đắp chăn chưa. Trời Huế có giá buốt mới thú, anh nghĩ thế. Bây giờ Ánh thế nào. Anh chưa thấy rõ tóc của Ánh bây giờ. Làm sao có ảnh cho anh nhìn. Ánh ơi rừng núi quanh đây đã im lìm, anh cũng im lìm, Đinh Cường cũng im lìm, tiếng hát còn đó thanh tao. Anh gọi tên Ánh cho anh trong những ngày da du rừng núi này của anh. Ôi, xin những vách núi hãy ghi lại tiếng gọi này tha thiết (…).
Tiếng suối chảy buồn. Trong căn phòng anh Cường đốt đèn sáp trắng ngồi vẽ chân dung anh. Chúng anh uống rượu cho nồng đêm hơn, cho nỗi vui mừng rộng lớn hơn. Trước mặt anh có Camus, Hemingway, James Dean, Kafka, Steve MacQueen và hai cọng lau dài gió thổi phất phơ nhẹ làm hoa trang điểm.
|
Ánh ơi, Ánh ơi. Anh nhớ Ánh lắm nhớ lắm. Làm sao Ánh có thể biết được điều đó. Anh có còn ai thân yêu nữa đâu. Bạn bè dăm ba đứa. Và Ánh và Ánh của những ngày muộn mọt này, anh làm thế nào không tri ân cho những may mắn của đời mình. Anh gọi thầm tháng 11 này là ngày của Ánh của Ánh - thân - yêu - cẩm - thạch. Mùa hoa vàng tournesol huy hoàng trên cùng khắp vùng cao nguyên. Anh cười nói với chúng nó như cười nói với Ánh - hướng - dương đêm đã mù. Mặt trăng không sáng nổi. Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi. Phải gọi nhau đến bao giờ kiệt lực. Trời sinh con người ra đời để gọi nhau, gọi nhau. Bàn tay anh đêm nay ấm hơn, gầy hơn. Sao không có Ánh cho anh giữ trọn giá buốt trong tay suốt một mùa đông này. Anh còn quà gì quý báu để cho Ánh ngoài những bụi bặm, mùi cỏ hoang, hoa dại suốt những miền anh đi qua. Ánh ơi, Ánh có nhận lấy không. Anh đang nghĩ đến Ánh và mùa hoa mặt trời mà Ánh ngủ quên trên đó. Không có Ánh ở đây để anh làm kẻ đưa đường qua suốt những rừng hoa mặt trời cho Ánh thỏa thích. Đêm ở đây buồn như đêm Blao nhưng chúng anh đang có nhau nên không thấy điều đó. Có lẽ anh sẽ kiếm một số tiền kha khá để lên đây hùn vốn làm rẫy và bỏ những ngày công chức ở đó đi. Anh sẽ sống cho mòn đời anh đi để cuối cùng chết không còn ai, không có ai cho đúng với ý nghĩa khắc nghiệt của định mệnh rừng. Anh sẽ tự do nằm rũ và quên dần những phiền muộn tranh đua quanh anh.
Ánh có gì cho anh, cho anh. Sương đã mù hơn, đêm đã lạnh hơn. Người đã buồn hơn. Anh sẽ ướp anh vào sự tịch liêu như tuổi trẻ ướp xác bướm... (còn tiếp).
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28.2.1939, năm Kỷ Mão. Con mèo Trịnh Công Sơn nhẹ nhàng, hết sức nhạy cảm, hết sức tinh tế. Tưởng như Sơn nghe cả tiếng nói của cỏ cây, nghe được cả lời thở than khi hoa quỳnh lả cánh. Chính vì vậy mà Sơn đã hỏi: “Làm sao em biết bia đá không đau?” và biết “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. (...) Trịnh Công Sơn yêu đời với một tâm hồn rất trẻ thơ. Như hai đứa trẻ đánh nhau giận rồi khóc, nhưng sau đó hai đứa lại cười đùa, lại dắt tay nhau chạy nhảy tung tăng. Nguyễn Quang Sáng |
Giao Hưởng - Dạ Ly
(giới thiệu)
Bình luận (0)