>> Phát hiện thêm kẹo xốp và si rô chứa DEHP tại TP.HCM Lẫn lộn phụ gia công nghiệp và thực phẩm
>> Thu hồi thêm một số thực phẩm nhiễm DEHP
>> Thu hồi xong sản phẩm rau câu có hóa chất tạo đục
Việc phát hiện chất tạo đục công nghiệp DEHP được các nhà sản xuất Đài Loan sử dụng trong nhiều loại thực phẩm đang gây chấn động. DEHP trên nguyên tắc là không được có trong thực phẩm vì chất này có thể gây ung thư, nguy cơ giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ giới, gây nguy hại đến sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo y tế dự phòng của TP.HCM thì hiện nay không biết có bao nhiêu sản phẩm nữa có thể có DEHP.
“Sự cố” DEHP cũng một lần nữa cảnh báo về tình trạng kinh doanh, sử dụng hóa chất trên thị trường hiện nay. Đặc biệt, hóa chất, phụ gia công nghiệp vẫn được bày bán, giới thiệu chung với phụ gia thực phẩm và dễ dàng mua được ở nhiều nơi.
|
Ghi nhận ở chợ Kim Biên (TP.HCM), chuyên kinh doanh phụ gia, hóa chất, tại bất kỳ một quầy hàng phụ gia, hóa chất nào người mua cũng có thể tìm thấy từ hương liệu ca cao, hương thịt heo cho đến các loại hương liệu chống ẩm mốc, các hương chanh, cam được dùng trong nước rửa chén, dầu gội…
Thậm chí, khi được hỏi mua hóa chất tẩy trắng giá rẻ để tẩy ngó sen, lòng heo, bao tử heo, một chủ sạp hàng sẵn sàng giới thiệu magnesium sunlfate. Đây là hóa chất dùng để tẩy vải sợi trong công nghiệp.
Các loại hóa chất, phụ gia công nghiệp và hóa chất, phụ gia thực phẩm được bày bán lẫn lộn, không nhãn mác. Tất nhiên tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả của hai loại phụ gia này là hoàn toàn khác nhau.
Giá của phụ gia, hóa chất công nghiệp (có cùng công dụng) thường rẻ hơn rất nhiều (trên dưới 10 lần) so với phụ gia thực phẩm.
Ví dụ như, tại TP.HCM, chất tạo đục được bán trên thị trường có nhiều nguồn khác nhau. Chất tạo đục dùng trong thực phẩm hàng chính hãng của các tập đoàn sản xuất lớn từ Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc… có mức giá bán khoảng 250.000 - 270.000 đồng/kg.
Trong khi đó, chất tạo đục dùng trong công nghiệp (được dùng nhiều trong sản xuất bao bì, xà bông cục, sữa tắm, dầu gội, sơn móng tay…) cũng là hàng nhập từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc… nhưng giá của chúng chỉ khoảng 35.000 đồng/kg. Hóa chất công nghiệp trôi nổi không nguồn gốc còn rẻ hơn rất nhiều.
|
“Chất phụ gia sử dụng cho thực phẩm đòi hỏi khắt khe hơn nhiều so với chất phụ gia công nghiệp về tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất nhằm đảm bảo sức khỏe người dùng. Do đó, giá thành của hóa chất, phụ gia trong thực phẩm thường cao hơn rất nhiều lần hóa chất sử dụng trong công nghiệp”, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM nói.
Nói thêm về việc dùng hóa chất trong thực phẩm, bà Bùi Phương Mai, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Công ty Vifon, cho biết: Ví dụ như việc dùng phẩm màu đã có từ lâu đời trong việc chế biến món ăn. Trong đó, phẩm màu tự nhiên được chiết xuất từ thảo mộc hoặc từ động vật tốt cho sức khỏe nhưng khó chiết xuất do đó giá thành sản phẩm cao. Trong khi đó, phẩm màu tổng hợp lại rẻ tiền, cho màu tươi hơn phẩm màu tự nhiên... Thế nên nhiều doanh nghiệp khi muốn giảm giá thành sản phẩm đều có khuynh hướng sử dụng phẩm màu tổng hợp trong chế biến.
Theo bà Mai, ngay cả việc sử dụng các chất bảo quản, dù nằm trong danh mục cho phép của cơ quan y tế, vẫn như con dao hai lưỡi. Việc sử dụng tùy tiện hoặc lạm dụng các chất phụ gia, bảo quản luôn đem lại hậu quả khó lường.
Trong khi đó, thực tế là người tiêu dùng khó mà lựa chọn, phân biệt giữa một "rừng" thực phẩm để biết loại nào có hay không có sử dụng hóa chất độc hại.
Ngộ độc hóa chất tăng
Theo ông Võ Trọng Thiện, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, kết quả giám sát, thanh tra hậu kiểm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam trong năm 2010 và 4 tháng đầu năm 2011, cho thấy: Trong 30 mẫu thịt heo quay lấy ở chợ và các cơ sở trên địa bàn TP.HCM được kiểm nghiệm thì có đến 4 mẫu ở 4 cơ sở dùng phẩm màu không cho phép; hơn một nửa số mẫu bắp chiên, tương ớt được kiểm định sử dụng chất Sunset FCF độc hại.
Tương tự, gần một nửa số mẫu hạt dưa khách hàng mang đến viện kiểm tra cho ra kết quả sử dụng phẩm màu cấm; trong 30 mẫu mì ăn liền thì có đến 33,3% dùng chất cấm Natribenzoat để bảo quản và 30 mẫu bánh bao thì có đến 28 mẫu dùng chất bảo quản không đạt...
|
Bà Nguyễn Khánh Trâm - Phó cục trưởng Cục ATVSTP, cho biết, dù không muốn nhưng vẫn có hơn 63% người tiêu dùng phải ăn thức ăn nhuộm màu bất đắc dĩ và 20% người tiêu dùng mua phẩm màu có thể không rõ nguồn gốc ở chợ để tự chế biến thực phẩm.
"Yếu tố gây hại do vi sinh vật gây bệnh trong thực phẩm có giảm trong khi ngộ độc hóa chất đang tăng. Trong đó, ngộ độc hóa chất cấp tính thì có thể phát hiện được ngay, nhưng với ngộ độc hóa chất mãn tính thì cực kỳ nguy hiểm vì các chất độc hại tích lũy trong cơ thể lâu dài sau đó mới bộc phát và rất khó kết luận nguyên nhân", giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn đánh giá.
Theo nghiên cứu của ông Sơn, tại VN, trong tổng số vụ ngộ độc năm 2005 có 15% là do ngộ độc thực phẩm từ hóa chất. Đến năm 2010, con số này tăng lên thành 60%.
“Nhà nước ta chưa quản lý chặt chẽ, rạch ròi giữa hóa chất thực phẩm và hóa chất công nghiệp. Phụ gia thực phẩm được bày bán chung với hóa chất được dùng trong những mục đích khác, tạo điều kiện cho nhà sản xuất lạm dụng trong chế biến thực phẩm. Nhiều nhà sản xuất, mặc dù phân biệt được nhưng vẫn sử dụng hóa chất, phụ gia công nghiệp thay thế cho hóa chất, phụ gia thực phẩm trong sản xuất thực phẩm, chủ yếu nhằm mục tiêu lợi nhuận”, ông Sơn cảnh báo.
Nguyên Mi
Bình luận (0)