Gợi ý giải đề Văn lớp 10

21/06/2011 10:45 GMT+7

(TNO) Sáng nay 21.6, học sinh nhiều nơi đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2011-2012.

>> Hơn 50.000 TS thi tuyển vào lớp 10
>> Lo lắng trước ngày thi vào lớp 10

Các thí sinh (TS) thi môn Ngữ văn (120 phút) vào buổi sáng và Ngoại ngữ (60 phút) buổi chiều. Sáng mai (22.6), TS sẽ thi môn Toán (120 phút) và thi môn chuyên (120 hoặc 150 phút, tùy môn thi) vào buổi chiều.

Dự kiến, điểm thi lớp 10 sẽ được công bố vào ngày 3.7 và điểm chuẩn tuyển sinh các nguyện vọng vào các trường THPT công lập được công bố vào ngày 17.7.

Bấm vào liên kết dưới đây để tải về gợi ý giải đề thi môn Văn:

- TP.HCM:  Word hoặc  PDF.

- Đà Nẵng:  Word hoặc  PDF.

Lưu ý: Để xem được những file gợi ý dạng PDF, máy tính của bạn cần cài đặt phần mềm Adobe Acrobat Reader. Nếu chưa có phần mềm này, bạn có thể bấm vào đây để tải về máy và cài đặt.

 Đề Văn tương đối khó

TP.HCM:

Cấu trúc đề thi năm nay giống như đề thi năm 2010 (gồm 4 câu: một câu giáo khoa về văn học, một câu ngữ pháp, một câu nghị luận xã hội và một câu nghị luận văn học). Đa số học sinh đều có cảm giác thoải mái khi đọc cấu trúc đề.

- Câu 1 là câu hỏi về giáo khoa văn học. Câu này đòi hỏi học sinh phải nắm được tình huống quan trọng trong truyện mới có thể trả lời đúng câu hỏi. Khi trả lời, học sinh lại phải có cách trình bày sao cho không quá đơn giản mà lại không quá dài dòng. Hai điều này đều ảnh hưởng đến chất lượng của câu trả lời.

So với câu 1 năm 2010, câu này tương đối khó hơn.

- Câu 2 là câu hỏi về ngữ pháp. So với câu 2 năm 2010, câu này khó hơn vì nó đòi hỏi học sinh vừa phải thuộc bài, hiểu bài (phương châm hội thoại lịch sự) vừa phải hiểu cả những ẩn dụ trong ngữ liệu được dùng để hỏi. Không đáp ứng hai điều nói trên, học sinh khó có thể làm tốt câu số 2 này.

- Câu 3 là câu nghị luận xã hội. Về cơ bản, yêu cầu của câu 3 này không có gì khác với câu 3 của năm 2010. Tuy nhiên, vấn đề “tự lập” trong đề thi năm nay tương đối dễ hiểu hơn, gần gũi hơn so với cách “thể hiện bản thân trong môi trường học đường” trong đề thi năm 2010.

- Câu 4 là câu nghị luận văn học. Về cơ bản, yêu cầu của câu 4 này không có gì khác với câu 4 của năm 2010. Cả hai đều đòi hỏi học sinh trình bày cảm nhận của mình. Tuy nhiên, mỗi đề lại có cái khó riêng. Nếu đề thi năm rồi đòi hỏi học sinh phải nhớ nhiều chi tiết về nhân vật anh thanh niên để nói lên cảm nhận của mình về vẻ đẹp của nhân vật ấy thì đề thi năm nay lại đòi hỏi học sinh phải thể hiện được cảm nhận của mình đối với cái hay, cái đẹp của một đoạn thơ và phải trình bày được cảm nhận đó một cách có cảm xúc, có lý lẽ chẳng những để làm rõ cảm xúc suy nghĩ của mình mà còn để thuyết phục được người đọc. Do đó, câu 4 này có tính phân loại học sinh tương đối cao.

Nhìn chung, cấu trúc đề quen thuộc, nội dung được kiểm tra gắn với những kiến thức cơ bản của chương trình. Độ khó của đề tương đối cao, có tính phân loại học sinh và phù hợp với yêu cầu tuyển sinh. Tuy nhiên, câu 1, câu 2 và câu 4 của đề thi đều thuộc học kỳ 1 và đấy cũng là một điều khó đối với học sinh.

Đà Nẵng:

Nhìn chung, các câu hỏi vừa đảm bảo yêu cầu cơ bản và vừa có tính nâng cao và phân loại học sinh. Cấu trúc đề thi so với đề thi năm 2010 có khác chút đỉnh. Năm 2010, đề thi có 5 câu và năm nay đề thi chỉ có 4 câu. Tuy nhiên, sự thay đổi này không đáng kể và không gây ảnh hưởng đến học sinh.

Câu 1: là một câu giáo khoa về tiếng Việt. Câu hỏi có tính chất cơ bản. Học sinh thuộc trình độ trung bình có thể làm tốt câu này dù đoạn thơ trích không nằm trong sách giáo khoa lớp 9.

Câu 2: cũng là một câu giáo khoa về tiếng Việt. Câu hỏi cũng có tính chất cơ bản. Đoạn văn trích nằm trong sách giáo khoa lớp 9 nên cũng có thể quen thuộc đối với học sinh. Do đó, câu hỏi cũng không đến nỗi quá khó đối với học sinh.

Câu 3: là một câu về nghị luận xã hội. Nội dung tương đối gần gũi với học sinh. Đây là một vấn đề có liên quan tới nhiều tiết học về phương châm hội thoại và được các thầy cô thường xuyên nhắc nhở. Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu tốt ở câu này, học sinh cần có suy nghĩ đúng đắn, phong phú và còn phải biết chiêm nghiệm một cách sâu sắc từ những kinh nghiệm bản thân. Ngoài ra, học sinh lại phải có kỹ năng cấu tạo bài viết, trình bày ý tưởng rõ ràng, mạch lạc, sinh động. Đây là một câu mở, thí sinh có thể có nhiều cách trình bày và nhiều ý tưởng khác nhau. Do đó, có thể sẽ có nhiều tranh luận khi chấm điểm câu này và cách chấm điểm câu này cũng là vấn đề “tế nhị”. Học sinh có thể sẽ rơi vào tình trạng viết ngắn hơn hoặc quá dài hơn so với yêu cầu.

Câu 4: là một câu nghị luận văn học. Yêu cầu của kiểu bài vốn quen thuộc với học sinh nhưng các em thường được yêu cầu nêu cảm nhận về một đoạn thơ, trong khi ở đây lại đòi hỏi các em nêu cảm nhận về một đoạn văn xuôi. Do đó, câu này có thể là một câu khó đối với nhiều em. Để đạt được kết quả tốt học sinh phải thỏa nhiều điều kiện: phải nắm chắc những biểu hiện cụ thể trong tình cảm cha con sâu nặng giữa anh Sáu và bé Thu, phải biết khai thác giá trị của những biểu hiện đó để làm nổi bật tình cảm sâu nặng đó. Đây là một đoạn văn trĩu nặng cảm xúc, do đó nó đòi hỏi học sinh cũng phải thể hiện được cảm xúc của mình khi trình bày cảm nhận. Ngoài ra, bố cục bài viết phải rõ ràng, chặt chẽ, hành văn trong sáng, sinh động, không mắc lỗi chính tả.

Tóm lại, đề thi có tính tư tưởng cao. Trong đó, hai câu 3 và 4 có tính phân loại cao, sẽ thuận lợi cho việc tuyển sinh vào lớp 10.

Nguyễn Hữu Dương
(Trung tâm Luyện thi Đại học và Bồi dưỡng Văn hóa Vĩnh Viễn)

Hơn 1.200 thí sinh thi vào trường chuyên Lý Tự Trọng

Ngày 20.6, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ tổ chức thi tuyển sinh lớp 10. Có 1.244 thí sinh thi vào trường THPT chuyên Lý Tự Trọng.

Các thí sinh thi tuyển vào các lớp chuyên Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh; chỉ tiêu tuyển sinh chung của mỗi môn là 35 học sinh/môn.

Trong buổi sáng 20.6, các thí sinh thi môn Ngữ văn, chiều thi môn Ngoại ngữ. 

Ngày 21.6, sáng thi môn Toán, chiều thi môn chuyên.

Trong đợt tuyển sinh lần này, các thí sinh thi tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng và Trường THCS An Thới. (Chí Nhân)

Thanh Niên Online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.