Canh môn vốn là món ăn của người Mường xứ Thanh. Sau này khi nấu cho chị em tôi ăn, mẹ đã “biến tấu” đi đôi chút nhưng vẫn giữ nguyên cái hương vị núi rừng mộc mạc ấy. Góc vườn nhà tôi, những bụi khoai môn no nước lúc nào cũng xanh um mập mạp, cầm dao cắt một loáng là đủ một nồi canh. Nhưng phải chọn những nõn môn non nhất, hoặc dải môn nhỏ xíu bằng đầu đũa toàn thân phủ một màu tím biếc. Những vòi voi xinh xinh ấy được bóc sạch bẹ, cuộn tròn thành từng bó rồi sắp vào nồi. Canh môn ngon nhất là nấu cùng với da trâu.
Ngày xưa ở các bản Mường, cứ mỗi lần mổ trâu, mổ bò, phần da lại được lọc ra để lên gác bếp. Những miếng da trâu đã khô lại ong óng nướng trên than hồng thơm lựng, thái nhỏ ra nấu cùng canh môn thì không còn gì hấp dẫn hơn. Nhưng món canh môn da trâu ấy có lẽ chỉ còn đọng lại trong ký ức. Giờ đây mẹ nấu môn với thịt bò, loại bạc nhạc nhiều gân là ngon nhất. Từng bó môn cuộn tròn trong nồi được đun lên thật lâu với thịt bò, đậu đen cho đến khi mềm quánh thì lấy đũa cả đánh tơi, nêm thêm ít mẻ chua, mắm tôm cho dậy mùi. Canh chín, rắc thêm vài sợi lá chanh, mùi tàu là hoàn chỉnh.
Bát canh môn sóng sánh, những dải môn vòi voi giờ ngả sắc vàng nâu, tơi mịn sánh quyện vào nhau. Ẩn hiện những lát thịt bò hồng hồng quyến rũ, sắc đen anh ánh của hạt đỗ đen to tròn lay láy và loáng thoáng những sợi lá chanh, mùi tàu xanh biếc. Ăn canh môn lần đầu tiên, có lẽ sẽ hơi ngại ngần cái vị ngai ngái vấn vít trong cổ họng. Nhưng một vài lần thì đâm “nghiện”. Vị béo của môn đậm đà mà thanh tao, thịt bò thơm mềm ngọt đậm. Húp một hơi, lại bắt gặp cái bùi bùi nha nhẩn của hạt đỗ đen. Mỗi lần nấu canh môn, mẹ thường nấu một nồi to, vậy mà đến cuối bữa chẳng bao giờ còn sót lại.
Ăn canh môn mẹ nấu từ hồi bé, nhưng mãi khi đi học xa nhà tôi mới vỡ lẽ rằng hóa ra bát canh ngọt ngào ấy chỉ có ở nhà mình. Để rồi mỗi khi nhớ mảnh vườn nhà quanh năm xanh mướt, lại nhớ da diết bát canh môn giản dị mà đậm đà từ bàn tay của mẹ.
Tịnh Tâm
Bình luận (0)