Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 3: Miếng “vá” trên "Người đàn bà hái rau muống"

24/08/2011 01:02 GMT+7

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã vẽ không chỉ một mà tới hai bức tranh Người đàn bà hái rau muống. Bức vẽ đầu tiên có một miếng “vá” và không phải là bức đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN hiện nay.

>> Kỳ 2: Sự trở về của bức tranh lụa

Bức tranh quý dưới chân tường

Vào thế kỷ trước, ở chốn Hà thành, ngoài ông Đức Minh còn có ông Nguyễn Văn Lâm (còn gọi là Lâm cà phê hay Lâm toét) nổi tiếng với những bộ sưu tập tranh lớn. Cà phê ở quán ông Lâm trên đường Nguyễn Hữu Huân từ xưa đã nức tiếng bởi vị đậm đà quyến rũ đặc biệt (cho đến giờ vẫn vậy). Tính ông chủ lại quý mến giới văn nghệ sĩ. Thành ra, nhiều người trong giới rất thích lui tới quán ông tụ tập, hàn huyên. Ông Lâm có nhiều người bạn thân là họa sĩ, trong đó có bộ tứ Nghiêm-Liên-Sáng-Phái. Các họa sĩ nghèo đến uống cà phê không có tiền trả, toàn đưa tranh trừ nợ mà chẳng bao giờ thấy ông Lâm phiền lòng.

Bảo tàng Mỹ thuật VN được thành lập vào năm 1966. Thời kỳ đầu khi còn thiếu tranh, bảo tàng thường đến mượn các bộ sưu tập của ông Đức Minh và ông Lâm cà phê để trưng bày. Hai ông lúc nào cũng sẵn sàng, duy chỉ có điều cả hai không bao giờ đồng ý bán tranh. Trong một lần đến quán ông Lâm, năm 1973, bà Nguyễn Hải Yến - lúc đó đang công tác tại Phòng Nghiên cứu của Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật VN, bỗng nhìn thấy một khung kính nhỏ phủ lớp bụi thời gian, để ở dưới chân tường. Bà hỏi thì chủ quán cho biết bức tranh này đã hỏng nên để tạm ở đó. Bà lại gần, nhìn kỹ và ngạc nhiên khi nhận ra chữ ký của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. 

Vẫn là hình ảnh người phụ nữ nông thôn thường thấy trong tranh Nguyễn Phan Chánh. Có lẽ, do sinh ra và lớn lên tại làng quê (thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, Thạch Hà, Hà Tĩnh) mà cả con người lẫn tranh của ông đều đầy chất quê. Có nhiều câu chuyện vui kể về Nguyễn Phan Chánh khi học tại trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương. Trong khi các bạn thường mặc âu phục thì ông vẫn thích giữ lấy vẻ quê kiểng: mặc áo the, đi guốc mộc, tay cầm ô đen. Lúc nào, Phan Chánh cũng giữ khư khư cái ô bên mình, ngay cả trong giờ học. Thầy hiệu trưởng Victor Tardieu nhẹ nhàng lấy chiếc ô mang ra khỏi lớp thì quay lại đã thấy Nguyễn Phan Chánh đi ngay phía sau cầm ô vào.

Bức tranh, khi được nhận ra, đã bị hỏng hết phần trên, chỉ còn thấy rõ từ chiếc mũi của người phụ nữ trở xuống. Bức tranh được vẽ trên lụa Vân Nam, loại lụa rất giòn, để lâu vụn thì như cám. Tranh dính hết cả vào mặt kính. Khi biết đây là tranh quý, không một ai dám tháo ra vì sợ làm hỏng hết tranh. Bà Yến liền đem cả khung kính về, đưa cho tổ phục chế ở bảo tàng.

 
Lớp hội họa và điêu khắc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoảng năm 1930 - Ảnh: tư liệu

 
Bức Người đàn bà hái rau muống được Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1938 - Ảnh: chụp lại

Vá tranh

Sau một thời gian, tổ phục chế đã tìm được cách tách bức tranh ra khỏi tấm kính. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vừa nhìn thấy đã mừng rỡ nhận ra ngay đây là bức Hái muống hay Người đàn bà hái rau muống mà ông vẽ từ năm 1938. Ông cùng họa sĩ Nguyễn Xuân Kế ở tổ phục chế của bảo tàng quyết tìm lại hình ảnh như ban đầu cho bức tranh, nhưng mọi việc không hề đơn giản. Khó nhất là hình chiếc khăn vấn của người phụ nữ đã bị hỏng, trong khi vào thời kỳ đó có rất ít người vấn khăn theo lối cổ. Phải làm sao đây?

Trong một lần ngồi ăn cơm cùng gia đình, bà Hải Yến chăm chú nhìn nếp vấn khăn nền nã của mẹ, rồi mừng rỡ reo lên: “Người mẫu đây rồi!”. Ngay sau ngày hôm đó, họa sĩ Phan Chánh đi xe đạp tới nhà bà. Ông và họa sĩ Nguyễn Xuân Kế cùng chăm chú quan sát lối vấn khăn của “người mẫu”, rồi mải miết ký họa. Cuối cùng, một bản vẽ ưng ý nhất đã được chọn ra. 

Nhưng khó khăn vẫn chưa phải đã hết. Màu lụa mới và màu lụa trải màu thời gian đã hơn 30 năm hoàn toàn khác nhau. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sau đó nghĩ ra cách làm cũ lụa bằng nước chè. Khi vẽ, ông rửa lụa nhiều lần để màu phần vẽ mới hòa với màu tranh cũ. Để ghép nối lại hình ảnh khuôn mặt người phụ nữ một cách hoàn hảo, Nguyễn Phan Chánh đã phải vô cùng khéo léo, tỉ mỉ. 

Cần nói thêm về kỹ thuật vẽ lụa tuyệt vời của Nguyễn Phan Chánh. Thường ông phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành một tác phẩm tranh lụa. Nguyễn Phan Chánh thường vẽ hình họa lên trên tờ giấy rồi áp vào sau tấm lụa để in nét vẽ lên, vì thế trên tranh không có nét chì. Màu được phủ lên hình họa, để khô. Sau đó, người họa sĩ cọ rửa nhẹ nhàng cho hết lớp gợn của bột màu, để khô rồi lại tiếp tục quết lên lớp màu nữa. Để khô, rồi lại cọ đi. Cứ làm như thế cho đến khi có được màu ưng ý.

Lụa thấm từ mặt phải sang mặt trái tranh, nên màu sắc hai mặt tranh hoàn toàn giống nhau. Đặc biệt là màu từng mảng trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh không bao giờ bị loang, lẫn với màu của mảng khác. Điều đó minh chứng rằng, người họa sĩ không chỉ có tài năng mà còn rất kiên trì, bền bỉ. Bức tranh Người đàn bà hái rau muống được phục hồi nguyên vẹn. Nếu nhìn bình thường, chẳng mấy ai phát hiện thấy trên tranh có một miếng “vá”.

Sau khi họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và Nguyễn Xuân Kế phục hồi xong bức tranh Người đàn bà hái rau muống, Bảo tàng Mỹ thuật VN đã đề nghị hai họa sĩ sao chép lại tác phẩm này trên một tấm lụa nguyên. Hiện tại bức tranh chép đang được giữ ở bảo tàng.

Bức tranh đầu tiên với miếng “vá” đã được trả lại cho ông Lâm cà phê. Muốn nhận biết bức Người đàn bà hái rau muống đâu là thật, đâu là chép, người ta chỉ cần dựa vào miếng “vá” này.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.