>> Kỳ 2: Xây rồi... bỏ hoang
>> Kỳ 1: Tù túng thân phận sống nhờ, xé lẻ
Làm sao có nhân tài cho đất nước đây?
Phát triển giáo dục (GD) toàn diện, ổn định lâu dài để đào tạo ra những lớp người có trình độ, trí tuệ, thể lực là nhiệm vụ của ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi Nhà nước quan tâm, xã hội cùng góp sức. Qua hai số báo liên tục, tôi thấy các cấp địa phương dường như không có kế hoạch cũng như giải pháp cho việc thiếu trường học. Một trường có nhiều cơ sở sẽ gây khó khăn cho giáo viên trong việc đi lại và điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Nếu đào tạo không tốt thì lấy đâu ra nhân tài cho tương lai đất nước?
Hải Yến (yentieuthu@gmail.com)
Quan tâm hơn nữa đến giáo dục
Ai cũng nói GD là tương lai của đất nước nhưng việc đối xử với ngành GD thì dường như ngược lại. Các cấp chính quyền chỉ tính đến chuyện làm dự án này, xây chung cư kia, lập dự án thương mại nọ chứ xây trường thì cứ chờ đã. Trẻ em thì rất hiếu động cho nên bên cạnh việc được GD kiến thức thì còn cần có môi trường vui chơi để có thể phát triển trí tuệ, sự năng động. Thế nên, ở những ngôi trường nhỏ như “cái lỗ mũi” làm sao có thể phát huy khả năng sáng tạo của các em? Xin hãy trân trọng những mầm non - tương lai của đất nước.
Thanh Tùng (antinus@yahoo.com)
Xem lại chính sách đầu tư cho giáo dục
Không thể tin được ở thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có những ngôi trường trần dột, đường ngập, sĩ số quá tải như thế. Điều này cho thấy lãnh đạo địa phương chưa có những quan tâm đúng mức cho GD ở địa phương mình. Việc học ở những nơi không phải là trường sẽ dẫn đến tình trạng các em bị lệch xương sống, cận thị…, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của các em. Không thể chấp nhận kiểu quy hoạch nửa vời trong việc xây dựng trường lớp của các địa phương. Tại sao những dự án xây dựng trung tâm thương mại, chung cư cao cấp... thì giải tỏa đền bù nhanh còn dự án xây trường thì giải tỏa đền bù không xong, cần xem lại chính sách đầu tư cho GD ở các địa phương.
Trần Thanh (thanhtt_841@yahoo.com)
Thiên Long (tổng hợp)
Bình luận (0)