Bão số 4 uy hiếp từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam

26/09/2011 04:30 GMT+7

Chiều 25.9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn bàn và triển khai các biện pháp đối phó với bão số 4 và lũ lớn tại đồng bằng sông Cửu Long.

>> Lũ cuốn trôi một bảo vệ nông trường
>> Khẩn trương sơ tán dân


Bản đồ dự báo đường đi của bão số 4 - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư - cho biết sau 3 ngày hoạt động trên biển, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 4 trong mùa mưa bão năm nay, có tên quốc tế là Haitang (tên do Trung Quốc đề cử, có nghĩa là mùa hoa táo). Theo ông Tăng, chiều cùng ngày, tâm bão số 4 nằm ngay trên quần đảo Hoàng Sa, cường độ bão mạnh cấp 8, giật cấp 9 - cấp 10. “Dự báo, trong 1 - 2 ngày tới, bão số 4 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Như vậy, khoảng tối và đêm nay 26.9 và sáng sớm ngày mai 27.9, bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, tâm bão nhiều khả năng sẽ đi vào địa phận Quảng Trị và Quảng Bình”, ông Tăng nói.

Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6 - cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 - cấp 9, giật cấp 10 - cấp 11, biển động rất mạnh. Trên đất liền, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió cấp 6, vùng gần tâm bão đổ bộ cấp 7, cấp 8, giật cấp 9. Ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa dự báo trong khoảng 100-300 mm, một số điểm cục bộ có thể lên tới 500 mm. Trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn mới trong 3 ngày, từ 27 -29.9, nhiều sông lũ sẽ lên trên báo động 2, báo động 3.

Ngoài bão số 4, theo ông Tăng, ngoài khơi Philippines hiện có một cơn bão khác có tên là Nesat mạnh cấp 10 - cấp 11 đang di chuyển vào biển Đông. Khoảng giữa tuần này, khi bão số 4 tan, cơn bão này sẽ vào biển Đông, trở thành cơn bão số 5 và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến nước ta.

Về diễn biến lũ tại đồng bằng sông Cửu Long, ông Tăng cho biết do mưa lớn tại Lào, Campuchia, trong những ngày tới, lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường khiến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh. Đến ngày 30.9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,8m (trên báo động 3 là 0,3m), tại Châu Đốc lên mức 4,15m (trên báo động 3 là 0,15m), tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ở mức báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3. “Năm nay lũ ở đồng bằng sông Cửu Long thuộc loại lớn, chỉ đứng sau các năm lũ đặc biệt lớn 1961, 1964 và 2000”, ông Tăng thông báo.

Nước lũ ngày lên nhanh, chảy xiết đang đe dọa các tuyến đê bao xung yếu ở Hồng Ngự, Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp). Khoảng 20 giờ 30 ngày 24.9, lực lượng tuần tra phát hiện đê bao kênh Tứ Thường (P.An Lạc, thị xã Hồng Ngự) bị rò, đe dọa 500 ha lúa nên nhanh chóng cứu hộ đê. Tại H.Tân Hồng, đê bao chống lũ ở xã Tân Thành B bị thủng, nước tràn vào đe dọa 900 ha lúa vụ 3 sắp thu hoạch; chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người cứu đê. Hơn 1.000 học sinh ở các điểm trường của thị xã Hồng Ngự phải tạm nghỉ học do trường bị ngập.

Q.Duẩn - M.Vọng - T.Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.