>> Hệ thống cảnh báo thuốc chưa hiệu quả
Bệnh nhẹ thành… suýt tử vong
Bệnh nhân nữ (sinh năm 1970), được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong tình trạng có dấu hiệu choáng, huyết áp tụt rất thấp, mạch rất nhanh, cực kỳ nguy hiểm.
Bệnh nhân gần như đối mặt với nguy cơ tử vong. Phải cấp cứu tích cực, các bác sĩ mới “kéo” bệnh nhân khỏi “cửa tử”. Bệnh nhân được chẩn đoán là "phản ứng phản vệ" do tác dụng của thuốc.
Theo ghi nhận trong bệnh án, do cảm thấy đau lưng nên bệnh nhân này đã tự đi mua thuốc uống.
Mười lăm phút sau khi uống thuốc, bệnh nhân thấy tê rần ở môi và nổi mẩn đỏ khắp người, rất mệt. Người nhà hốt hoảng vội đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
|
Một bệnh nhân nữ khác (sinh năm 1982) cũng qua một phen “hú vía”. Chuyện xảy ra khi bệnh nhân bị cảm sốt và đau họng nên đã tự đi mua thuốc về uống.
Sau khi uống thuốc được nửa ngày thì mặt sưng phù, đỏ ửng, môi căng và nổi mẩn đỏ toàn thân. Bệnh nhân cũng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bác sĩ cho biết đây là trường hợp dị ứng thuốc.
Theo ghi nhận của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đa phần các trường hợp cấp cứu do tác dụng xấu của thuốc, bệnh nhân đều không biết rõ mình đã uống cụ thể những loại thuốc gì. Thường là bệnh nhân tự mua thuốc uống, kể cả thuốc tây và đông y.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Khoa Cấp cứu, cho biết, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca cấp cứu do tác hại của thuốc mỗi năm. Có những ca nhẹ, trẻ bị nổi mề đay và ngứa. Còn những ca nặng, trẻ có thể bị sốc, trụy tim mạch.
Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Thị Diễm Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI - ADR) khu vực phía Nam, thống kê: Tính từ tháng 11.2010 đến tháng 7.2011, đã có 315 báo cáo về phản ứng có hại của thuốc từ các đơn vị y tế (từ Đà Nẵng trở vào) gửi về trung tâm. Có 19 trường hợp choáng phản vệ do tác dụng của thuốc, trong đó, 1 trường hợp tử vong.
“Sát thủ” trong những “người quen”
Thuốc có tác dụng điều trị bệnh bên cạnh đó hầu như mỗi loại đều có tác dụng phụ. Kẻ gây ra các tác hại ngoài mong muốn nhiều lúc chẳng đâu xa lạ mà lại toàn là “người quen”, những loại thuốc người dân có thể điểm mặt gọi tên và dễ dàng mua uống thông thường.
|
Bác sĩ Diễm Thủy cho biết: Bất cứ một loại thuốc nào cũng có thể gây ra các phản ứng có hại. Loại thuốc điều trị dễ gây hại nhất lại gần như là quen thuộc nhất. Đó là nhóm thuốc kháng sinh với những cái tên như Penicillin dạng chích rất dễ gây choáng, Amoxicillin dạng uống có thể gây dị ứng và các loại dịch truyền;…
Aspirin, một loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm nhưng cũng là “sát thủ” có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
Antihistamine là dược chất chống dị ứng, thường có trong nhiều loại thuốc trị ho, cảm cúm, lại có tác dụng phụ là gây buồn ngủ.
Bác sĩ Diễm Thủy khuyến cáo: “Những công nhân đứng máy hoặc làm việc ở các công trường xây dựng, những người đang điều khiển các phương tiện giao thông… nếu uống thuốc này trong lúc đang làm việc hoặc đang tham gia giao thông thì rất dễ dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông do… ngủ gật”.
|
“Các tác hại của thuốc khi sử dụng tùy tiện có thể xảy ra dưới nhiều bệnh cảnh và nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ thì bệnh nhân có thể bị dị ứng với các biểu hiện như: hắt hơi, chảy nước mũi, ho, sốt, nổi mề đay, ngứa, sưng đỏ mặt và tay chân. Các triệu chứng này thường xuất hiện trong khoảng từ 1-72 giờ sau khi dùng thuốc và biến mất trong vòng vài ngày sau khi ngưng dùng thuốc. Nặng thì bệnh nhân có thể bị choáng phản vệ và tử vong”, bác sĩ Diễm Thủy giải thích.
Choáng phản vệ cực kỳ nguy hiểm vì gây ảnh hưởng toàn thân, xuất hiện đột ngột và diễn tiến nhanh, có thể xảy ra khi đang tiêm thuốc hoặc trong vòng 1-2 phút sau khi tiêm.
Cảm giác bứt rứt, khó chịu, tức ngực, khó thở, đau bụng là những triệu chứng cảnh báo quan trọng vì thường xuất hiện rất sớm. Sau đó, bệnh nhân chuyển qua trạng thái lơ mơ, mất khả năng nhận biết và không trả lời được các câu hỏi của bác sĩ, huyết áp tụt nhanh và hôn mê. Nếu được phát hiện và xử trí sớm trong vòng 5 phút kể từ khi xuất hiện các triệu chứng nặng thì mới có khả năng được cứu sống.
Về lâu dài, khi người bệnh lạm dụng thuốc và thường xuyên sử dụng thuốc không đúng cách, có thể dẫn đến các nguy cơ như dị dạng thai nhi, nghiện thuốc, điếc, suy thận, suy gan,…
Thuốc giúp cho chất lượng cuộc sống được tốt hơn nhưng đồng thời thuốc cũng có thể gây ra những phản ứng có hại. Việc sử dụng thuốc hợp lý sẽ góp phần làm giảm bớt các tác dụng gây hại và làm gia tăng hiệu quả trong phòng ngừa cũng như trong điều trị bệnh.
Viên An
Bình luận (0)