Mua thuốc như mua... kẹo!

12/10/2011 09:00 GMT+7

(TNO) Nhiều bác sĩ, nhà quản lý dược đã phải thốt lên như vậy trước tình trạng hiện nay người dân đang tự làm “thầy thuốc” kê đơn cho chính mình và dùng thuốc không cần kê đơn một cách... tùy hứng!

Tự kê, “ké” đơn thuốc

Tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM), một khách hàng đến mua một lọ Terpicod. Hỏi ra mới biết, con gái (12 tuổi) của chị hục hặc ho từ hôm qua nên chị chạy ra mua thuốc về cho con uống.

Còn lý do người mẹ này chọn Terpicod trong vô vàn những loại thuốc ho khác là vì “dì cháu mấy lần bị ho uống có loại thuốc này thấy rất nhanh hết”.


Người dân có thể dễ dàng tự ý mua hơn 250 loại thuốc không kê đơn tại các nhà thuốc - Ảnh: Nguyên Mi 

Một người mẹ khác lại đến mua chai thuốc nhỏ mũi Nasoline về nhỏ cho bé con ở nhà đang nghẹt mũi. Sẵn tiện, chị mua luôn vỉ thuốc Paracetamol… “để dành” khi cháu có sốt thì có thuốc “cấp cứu” kịp.

Quan sát tại nhà thuốc này dễ dàng nhận thấy, người đến mua đủ loại thuốc, hầu như không có toa, đa phần là các thuốc bệnh thông thường như: thuốc ho, đau bụng, nhỏ mũi, hạ sốt,…

Có người tự nói tên thuốc muốn mua, có người có toa của bác sĩ, có người chỉ mô tả bệnh sơ sơ rồi nhân viên nhà thuốc sẽ tư vấn bán thuốc.

Chị Bạch Vân, nhà ngay trên đường Nguyễn Hữu Cầu (Q.1, TP.HCM), gần Chợ Tân Định, cho biết: “Mấy hôm nay, con nhỏ em có triệu chứng đau quặn bụng, ăn vô cứ nhợn nhợn lên tới cổ, tức ngực, khó chịu. May mà có chị nhà kế bên cho toa thuốc, nói chồng chỉ trước cũng vậy, đi khám bác sĩ kê toa này, uống hết”.

Chị đưa cho nhân viên bán thuốc một đơn thuốc ngoằn ngoèo nét chữ, được kê từ cuối năm 2010.

Khi được hỏi, đơn thuốc kê không đúng người, sao nhà thuốc vẫn bán, nhân viên nhà thuốc cho biết: “Người ta đem đơn thuốc tới đòi bán vậy thì mình đành chịu. Còn các loại thuốc trong danh mục thuốc không kê toa, thì nhà thuốc có quyền bán thoải mái cho người dân, đúng như quy định ngành y tế cho phép”.

Mua nhầm "kẹo đắng"

“Việc sử dụng thuốc tùy tiện sẽ dẫn đến nhiều tác hại, nhất là thuốc kháng sinh. Nếu dùng kháng sinh không cần thiết sẽ làm bệnh nhân lờn thuốc và những lần nhiễm trùng tới rất khó điều trị”, Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, Cố vấn hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo.


Trẻ em cần được thận trọng khi cho dùng thuốc - Ảnh: Nguyên Mi 

Với trường hợp mua thuốc nhỏ mũi như trên, bác sĩ Cam cho biết: Các loại thuốc như Nasoline, có chất gây co mạch máu. Thuốc này dùng cho người lớn, khi nhỏ thuốc cho trẻ em, trẻ có thể bị co mạch toàn thân, khó thở.

Tương tự, thuốc ho thường có codeine (trong thuốc Terpicod cũng có), trẻ nhạy cảm với thành phần này uống vô có thể dẫn đến tình trạng mê man, ngừng thở và phải chở đi cấp cứu.

Theo quy định của Bộ Y tế: “Thuốc không kê đơn (hay còn gọi là thuốc OTC) là thuốc khi cấp phát, bán và sử dụng không cần đơn thuốc”. Trong danh mục có đến hơn 250 loại thuốc không kê đơn. Trong đó, bao gồm những thuốc giảm đau, hạ nhiệt trị cảm sốt, thuốc trị ho, trị tiêu chảy, trị táo bón hay thuốc bổ là vitamin, chất khoáng và có cả những loại kháng sinh...

Như thế, trên nguyên tắc, người dân có thể tự mua những loại thuốc này tại tất cả các nhà thuốc.


Thuốc không phải là... kẹo - Ảnh: AFP 

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Thị Diễm Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI - ADR) khu vực phía Nam, vấn đề cần được quan tâm là cùng một loại thuốc nhưng hiệu quả điều trị cũng như phản ứng có hại của thuốc không phải lúc nào cũng giống nhau đối với tất cả mọi người. Có nhiều yếu tố đưa đến sự khác biệt này như: tuổi, cơ địa, tiền sử bệnh của từng người, có nhiều bệnh phối hợp khác nhau, sự tương tác thuốc do kết hợp nhiều loại thuốc cùng một lúc, liều lượng thuốc và thời gian điều trị…

Bên cạnh đó, bác sĩ Cam cho biết, thêm một cái khó là hiện nay nhiều loại thuốc không chỉ có một tác dụng mà nhà sản xuất thường phối hợp nhiều thứ trong cùng một viên thuốc.

Tất cả những điều này người dân không thể tiên lượng được.

Đặc biệt, với trẻ em, bác sĩ Cam nhấn mạnh: “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Vì vậy, không thể lấy thuốc dùng cho người lớn rồi chia nhỏ liều để dùng cho trẻ em. Một số loại thuốc của người lớn không dùng được cho trẻ em”.

“Không nên tự ý mua thuốc, uống thuốc. Tốt nhất là dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ”, cả bác sĩ Cam và Thủy đều có cùng quan điểm khuyến cáo người dân.

Những chú ý khi dùng thuốc

- Người bệnh không nên: tự đi mua thuốc, bắt chước uống thuốc theo toa của người khác, nghe theo lời giới thiệu của người khác.

- Đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng thuốc đối với phụ nữ có thai, người có tiền sử dị ứng thuốc, mắc các bệnh mạn tính đặc biệt. Trong những trường hợp này, bệnh nhân phải tự giác khai với thầy thuốc.

- Sử dụng ít thuốc, nếu có thể được.

- Không lạm dụng chích thuốc, truyền dịch khi không thật sự cần thiết. (Bác sĩ Lê Thị Diễm Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI & ADR) khu vực phía Nam)

-  Đối với trẻ em, không được dùng thuốc của người lớn chia nhỏ ra cho trẻ sử dụng.

- Thuốc dùng cho trẻ em phải tính theo liều, theo trọng lượng của cơ thể.

- Cho dù có uống thuốc theo toa của bác sĩ, có chỉ định, phụ huynh vẫn cần theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ sau khi dùng thuốc. Nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như ngứa, nổi mẩn đỏ thì phải ngưng thuốc ngay, đến gặp và hỏi lại ý kiến của bác sĩ. (Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, Cố vấn hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM)

Viên An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.