>> Tê giác Java tại Cát Tiên chết do trúng đạn?
Cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên Online qua điện thoại, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên xác nhận thông tin nói trên.
Một cán bộ của WWF cho biết, sáng 25.10, một buổi hội thảo khoa học kéo dài từ 9 giờ đến 11 giờ cũng đã thông báo rộng rãi cho giới khoa học trong và ngoài nước về thông tin tê giác Java một sừng đã tuyệt chủng tại VN.
Thông báo nói trên được WWF đưa ra sau khi có kết quả phân tích gen của 22 mẫu phân do nhóm chuyên gia của WWF và Vườn quốc gia Cát Tiên thu thập từ 2009 đến 2010.
Theo đó, tất cả các mẫu phân này đều thuộc về xác cá thể tê giác được tìm thấy tại Vườn quốc gia Cát Tiên vào tháng 4.2010.
Một hồ sơ được công bố kết luận, cá thể tê giác này chết do vết thương gây ra từ một viên đạn được tìm thấy ở chân và sừng đã bị lấy đi. WWF nói săn bắt trộm có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của cá thể tê giác này.
|
Trước sự tuyệt chủng của cá thể tê giác Java cuối cùng tại VN, bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF tại VN, nói: “Thật đau lòng khi mà những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loài tê giác Java này. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại VN”.
Ông Christy Williams, điều phối viên chương trình voi và tê giác châu Á của WWF, cho biết: “Đưa tê giác trở lại VN là một việc làm tốn kém và không khả thi. Loài này đã vĩnh viễn mất khỏi VN”.
WWF nhấn mạnh công tác bảo vệ thiếu hiệu quả tại Vườn quốc gia Cát Tiên chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng.
WWF cũng cảnh báo việc thực thi pháp luật không thỏa đáng; quản lý thiếu hiệu quả; xâm lấn đất và xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong và gần các khu vực được bảo vệ làm tăng thêm áp lực cho các quần thể loài vốn đã dễ bị tổn thương trong các khu vực này.
Khi được hỏi về những cảnh báo nói trên của WWF, ông Trần Văn Thành đã hẹn trả lời PV Thanh Niên Online trong một cuộc gọi khác vì ông đang bận làm thủ tục lên máy bay.
Tê giác Java từng được coi là tuyệt chủng tại đất liền châu Á cho đến khi giới khoa học phát hiện một cá thể tê giác bị săn bắn vào năm 1988 tại khu vực Cát Tiên. Từ giữa những năm 1990, một số tổ chức đã tham gia sâu vào công tác bảo tồn quần thể tê giác Java còn lại ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Hiện nay, chỉ còn lại quần thể tê giác Java duy nhất tại một vườn quốc gia nhỏ của Indonesia với số lượng chưa đến 50 cá thể.
Loài tê giác Java đang bị đe dọa nghiêm trọng khi một số thầy thuốc cổ truyền ở châu Á tin rằng sừng tê giác có tác dụng chữa các bệnh nan y.
Trần Duy
Bình luận (0)