Hội nghị G20 thất bại, suy thoái ngày càng đến gần

05/11/2011 11:13 GMT+7

(TNO) Một cuộc suy thoái toàn cầu đang đến gần hơn sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 không thể đồng ý về biện pháp cứu trợ tài chính cho những quốc gia gặp khó khăn và Ý buộc phải chấp nhận để Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giám sát chương trình khắc khổ về tài chính.

Theo tờ The Guardian, thị trường tài chính đã giảm đột ngột sau khi hội nghị hai ngày ở Cannes (Pháp) giải tán trong sự xáo trộn, với những lo ngại rằng Ý sẽ thay thế Hy Lạp tại trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ ở châu u.


 Tổng thống Mỹ Obama trò chuyện với Thủ tướng Anh David Cameron và Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne tại hội nghị G20 - Ảnh: AFP

Trong một dấu hiệu thể hiện rằng cuộc khủng hoảng lan rộng đến nước Ý có thể làm tan rã đồng euro, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne thừa nhận bộ này đang vạch ra các kế hoạch xử lý khủng hoảng trong trường hợp đồng euro sụp đổ.

Chủ nhà của hội nghị, Tổng thống Pháp Niclolas Sarkozy, đã thể hiện một gương mặt quả quyết và nhận được nhiều lời tán dương từ Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc phỏng vấn chung trên truyền hình. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhanh chóng chỉ ra rằng các tiến triển cụ thể về cải cách tài chính và những lời hứa về tiền cứu trợ chưa hề ló dạng.

Giữa áp lực từ Mỹ và các quốc gia mới nổi, Ý đã chấp nhận một thỏa thuận ê chề là đặt nền kinh tế dưới sự giám sát của quốc tế trong nỗ lực nhằm tái lập lòng tin của thị trường.

Các nhà đầu tư lo lắng rằng Ý, với gánh nặng nợ lớn và tình trạng tăng trưởng uể oải, có thể theo bước Hy Lạp và đã tăng lãi suất cho vay của Rome lên đến quá mức chịu đựng trong những ngày qua.

Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi xác nhận Ý đã đề nghị IMF giám sát quá trình cải cách kinh tế của nước này song nói ông đã khước từ đề nghị viện trợ tài chính vì “không cần thiết”.

Rome mới đây đã thông qua hai chương trình “thắt lưng buộc bụng” về tài chính và cam kết sẽ áp dụng thêm nhiều biện pháp nữa song thị trường vẫn bi quan về khả năng họ sẽ thành công trong việc loại bỏ thâm hụt vào năm 2013 và thúc đẩy tăng trưởng.

Chủ tịch Ủy ban châu u Manuel Barroso ca ngợi động thái này là “quan trọng không chỉ cho khu vực châu u mà cả với sự ổn định toàn cầu. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Chúng tôi rất hài lòng với kết quả tại đây”.


 Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi tại hội nghị - Ảnh: AFP

Tại Athens, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã thoát hiểm trong gang tấc sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại nghị viện nước này vào đêm 4.11. Ông Papandreou thông báo ông sẽ diện kiến Tổng thống Carolos Papoulias vào chiều nay để nhận ủy thác và bắt đầu đàm phán về việc thành lập chính phủ đoàn kết khẩn cấp.

Bất luận kết quả sẽ như thế nào, các đối tác châu u của ông Papandreou đã nói rõ rằng ông hoặc người kế nhiệm buộc phải thông qua thỏa thuận cứu trợ đi kèm với các biện pháp siết chặt tài chính được châu u đưa ra vào tuần trước.

Các lãnh đạo châu u đã cảnh báo rằng Hy Lạp sẽ không nhận được gói cứu trợ 8 tỉ euro kế tiếp từ IMF và EU trừ phi thỏa thuận được thông qua và đe dọa sẽ khai trừ Athens ra khỏi EU nếu nước này vỡ nợ.

Các lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ bảo đảm để IMF có đủ ngân quỹ để đối phó với cuộc khủng hoảng tiềm tàng và giao cho bộ trưởng tài chính các nước vạch ra kế hoạch cụ thể.


 Tổng thống Mỹ Obama lắng nghe Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị G20 - Ảnh: AFP

Theo tờ The Guardian, G20 được hy vọng sẽ tăng vốn của IMF thêm 250 tỉ USD lên đến hơn 1.000 tỉ USD song những bất đồng về tính đúng đắn, cấu trúc, quy mô và tỷ lệ đóng góp đã buộc các lãnh đạo thế giới chuyển vấn đề này đến một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 vào tháng 2 năm tới. Các nhà quan sát cho rằng điều này đánh dấu một thất bại của hội nghị.

Chuyên gia Sony Kapoor thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách quốc tế Re-Define nhận xét: “Công bằng mà nói hội nghị thượng đỉnh G20 kèm theo những diễn biến kịch tính tại Hy Lạp và Ý cùng việc IMF và Trung Quốc không đáp ứng việc giải cứu châu u đã làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng của đồng euro”.

Thế bế tắc của G20 đã khiến Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra một trong những cảnh báo ảm đạm nhất của ông về tác động đối với kinh tế Anh. “Mỗi ngày cuộc khủng hoảng ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) lại tiếp diễn và mỗi ngày nó không được giải quyết là mỗi ngày nó có tác động xấu đối với phần còn lại của thế giới, bao gồm cả kinh tế Anh”.

Sơn Duân

>> Thủ tướng Hy Lạp thoát hiểm
>> Hy Lạp hủy bỏ trưng cầu dân ý
>> Hy Lạp ám ảnh hội nghị G20
>> Châu u tạm ngừng cứu trợ Hy Lạp
>> Châu u dậy sóng vì Hy Lạp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.