Chiều 8.12, Cục Hàng không VN cùng lãnh đạo Vietnam Airlines (VNA) có cuộc gặp báo chí xung quanh quyết định của Bộ Tài chính tăng giá vé máy bay nội địa.
Theo quyết định của Bộ Tài chính, bắt đầu từ 1.1.2012 mức tối đa áp dụng cho chặng bay từ 500 km trở lên là 3.000 đồng/km, tức chặng Hà Nội - TP.HCM có thể lên tới 3,84 triệu đồng/chiều (chưa tính thuế, phí).
Tại buổi gặp, ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN, nói mức tăng giá này vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của doanh nghiệp. “Nếu để các hãng thỏa mãn phải tăng tối đa 5.000 đồng/km/vé theo trần giá tối đa quy định của Bộ Tài chính”, ông Thanh nói và cho biết với khung mới, đường bay từ 500 km trở lên vẫn âm, chỉ đường bay 300 - 500 km dương 16%.
Còn theo ông Phạm Ngọc Minh, TGĐ VNA, với mức giá trần cũ, theo một thống kê của hãng này hồi tháng 5.2011, giá áp dụng trên toàn đường bay nội địa bằng 77% giá trần, Jetstar Pacific Airlines (JPA) khoảng 59%. “Giá trần dựa trên giá thành, tính đúng tính đủ không mang lại ý nghĩa gì nữa. Kinh doanh nội địa vẫn từ lỗ đến lỗ. Tại sao tăng giá vẫn lỗ? Chỉ có một lượng khách rất ít của JPA mua giá trần, VNA là 40%. Chừng nào còn giá trần, chừng đó giá rất khó ổn định”, ông Minh nói và tiếp tục khẳng định đẩy giá trần lên, có những người sẵn sàng trả giá cao để đi máy bay, từ đó mới có cơ hội cho người thu nhập thấp đi được và các hãng có lãi.
|
Người thu nhập thấp có được bay?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Lưu Thanh Bình, Cục phó Cục Hàng không VN, nói: “Dải giá của JPA có 17 mức, thấp nhất là 20.000 đồng/vé. VNA thấp nhất là 100.000 đồng/vé. Người thu nhập thấp phải bám vào đó mà đi”.
Còn theo ông Thanh, “giá thấp tưởng tốt cho người tiêu dùng, nhưng có cái không tốt. Nếu giá thấp không phát triển được các mạng đường bay, như JPA, họ cũng chỉ lựa chọn các đường bay nhất định, có lãi”.
“Không có khái niệm người thu nhập thấp cần đi ngay sẽ có vé giá rẻ. Tôi bay một chặng từ Honolulu bay 25 phút bằng TP.HCM đến Phan Thiết giá vé 100 USD, khi cần đi ngay phụ thu 60 USD, phải chịu giá cao”, ông Minh khẳng định và dẫn giải, đáy tam giác thu nhập rất lớn, nên không kỳ vọng khách thu nhập cao của chóp sẽ đông, nhưng đẩy giá trần sẽ có nhiều người ở dưới đi được.
Liên quan đến việc nhiều hãng lữ hành kêu khó do giá vé tăng cao, ông Minh cho rằng: “Đó là các hãng không có kinh nghiệm thương trường. Hiện VNA đang đàm phán giá vé cho các chặng bay mùa đông 2012 nhưng không có ai phàn nàn gì về giá trần hay giá sàn”.
Việc điều chỉnh tăng giá vé đúng vào thời điểm nhạy cảm cận tết Nguyên đán cũng khiến nhiều người lo lắng. Theo tính toán, trên 70% hành khách đi lại vào dịp tết sẽ bị ảnh hưởng bởi mức tăng giá vé máy bay 15%.
Mức trần khung giá vé (chưa tính thuế GTGT) Chặng bay 500 km - 850 km: Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Nẵng |
Mai Hà
Bình luận (0)