Xả thân chữa cháy

17/12/2011 00:55 GMT+7

Dù cơ thể đang bỏng rát vì lấm lem dầu hạt điều có chứa a xít, hàng chục chiến sĩ trẻ vẫn dũng cảm xông lên dập tắt đám cháy đang bốc ngùn ngụt.

Dù cơ thể đang bỏng rát vì lấm lem dầu hạt điều có chứa a xít, hàng chục chiến sĩ trẻ vẫn dũng cảm xông lên dập tắt đám cháy đang bốc ngùn ngụt.

Đến chiều 15.12, vẫn còn 33 chiến sĩ trẻ PCCC Công an TP.HCM điều trị tại Bệnh viện Q.Bình Tân. Họ là những người đã xả thân chữa cháy trong vụ hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn Q.Bình Tân (Thanh Niên đã đưa tin). Nhiều người hiện vẫn chưa thể tự đi lại, tay chân bị bỏng cháy, sưng vù, đau nhức không cử động được. 

Lúc 5 giờ 25 ngày 9.12, Phòng Cảnh sát PCCC Q.Bình Tân nhận được tin báo cháy tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại mạch nha Thành Công ở đường Tân Hòa Đông, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân.

Trong quá trình chữa cháy, hầu hết các cán bộ, chiến sĩ đều bị phỏng vì cơ thể dính phải dầu hạt điều có chứa a xít văng tứ tung. Song, mọi người đều cố chịu đựng, không một ai rời vị trí tác chiến. Khi đám cháy được dập tắt cũng là lúc hàng chục chiến sĩ được đưa đi cấp cứu.


Các chiến sĩ PCCC Công an TP.HCM trong khói lửa của vụ cháy - Ảnh: Ngọc Thọ

Sau 7 ngày điều trị, thiếu úy Phan Nguyễn Trung Hải (26 tuổi) vẫn chưa thể tự đi lại được vì 2 chân bị bỏng nặng, phần lớn lớp da đã bị trầy xước. Hải kể: “Mấy hôm nay nằm viện, ngày nào vợ con em cũng đòi đến chăm sóc nhưng em không cho, phần vì đã có đồng đội giúp đỡ, phần vì cứ mỗi lần thấy em băng bó nằm một chỗ là vợ em cứ khóc hoài, lo lắng không yên”. Khi xảy ra cháy là giờ nghỉ ca nhưng Hải vẫn cùng đồng đội hăng hái đến hiện trường, không ngại nguy hiểm lao vào đám cháy.

Còn thượng sĩ Nguyễn Xuân Giảng (25 tuổi) đã có hàng chục lần tham gia chữa cháy tại kho xưởng, rừng, nhà cao tầng, khu dân cư, nhưng chưa một lần bị thương. “Lần này em bị thương là do không ngờ dầu hạt điều có chứa a xít trong lúc cháy đã hòa tan vào nước lan ra xung quanh khu vực cháy. Quên mình tác chiến nên mọi người đều bị ướt sũng. Chất a xít lúc đó dù làm bỏng da thịt nhưng anh em cứ bảo nhau phải ráng sức chịu đựng, dập lửa được rồi sẽ tính sau”, Giảng tâm tình. 

Đi nghĩa vụ quân sự rồi tình nguyện phục vụ có thời hạn trong lực lượng PCCC Q.Bình Tân, trung sĩ Phan Tuấn Nghĩa (23 tuổi) cũng bị thương nặng, cơ thể bỏng độ 2. Nghĩa ấp ủ ước mơ sau này sẽ được trở thành một chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp. Nghĩa thổ lộ: “Khi mới vào ngành, mỗi lần lên xe, nghe còi hụ là trong người em cứ run, hồi hộp lắm, không biết đến hiện trường rồi mình có thao tác chữa cháy cứu người, cứu tài sản hiệu quả không. Sau một thời gian được huấn luyện và tác chiến, giờ thì em đã quen rồi. Đối mặt với hỏa hoạn, những người khác dạt ra nhưng em và đồng đội lại phải xông lên. Dù ở hoàn cảnh nào, trong đầu anh em cũng thường trực ý nghĩ đó để hành động”.

Là chủ cơ sở, sau vụ cháy, ông Lê Tấn Lộc ngày nào cũng vào bệnh viện thăm hỏi các chiến sĩ trẻ bị thương. Ông Lộc nói: “Tôi đã làm việc với lãnh đạo lực lượng PCCC, đề nghị được lo toàn bộ viện phí để bày tỏ lòng biết ơn của gia đình. Nếu hôm đó không có họ đến kịp thời, thì có lẽ không chỉ tài sản của gia đình tôi cháy hết mà lửa cũng sẽ cháy lan các khu dân cư bên cạnh".

Hôm qua, Ban Chấp hành Đoàn Phòng Cảnh sát PCCC Q.Bình Tân đã làm đề xuất gửi Hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp xem xét hình thức khen thưởng đột xuất các chiến sĩ trẻ bị thương nặng, trong đó có thượng sĩ Nguyễn Xuân Giảng, trung sĩ Phan Tuấn Nghĩa và thiếu úy Phan Nguyễn Trung Hải... 

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.