Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Lương tối thiểu cần được xem xét

19/12/2011 17:17 GMT+7

(TNO) Đối thoại trực tuyến người dân về về công tác an sinh xã hội (trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) vào chiều nay (19.12), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định vấn đề lương tối thiểu cần được xem xét.

(TNO) Đối thoại trực tuyến người dân về về công tác an sinh xã hội (trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) vào chiều nay (19.12), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định vấn đề lương tối thiểu cần được xem xét.

 

Cùng tham gia trả lời với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền còn có các cán bộ của Bộ LĐ-TB-XH.

Điều chỉnh có lộ trình

Đề cập vấn đề lương không theo kịp lạm phát, độc giả Trương Hoàng Trọng (TP.HCM) nêu: “Hiện nay quy định về mức lương tối thiểu không còn phù hợp do lạm phát giá cả tăng cao. Xin Bộ trưởng cho biết trong năm 2012 tới chế độ tiền lương có tiếp tục được điều chỉnh hay không?”.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng vấn đề lương tối thiểu là vấn đề nhạy cảm. Việc xây dựng lương tối thiểu dựa trên căn cứ khoa học về mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, khi xây dựng, so với quá trình trượt giá thì đến thời điểm này, rõ ràng, mức lương tối thiểu cần được xem xét. Chính vì vậy, Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng Luật Lương tối thiểu. Tới đây, trong quá trình xây dựng Luật Lương tối thiểu, những nội dung cụ thể này sẽ được giải quyết.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Minh Thắng (Yên Bái) về căn cứ nào của bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay để áp dụng chuẩn nghèo hiện nay, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết chuẩn nghèo được xác định trên cơ sở chuẩn chi tiêu tối thiểu. Trên cơ sở đó NQ 09 năm 2009 của Chính phủ đã quy định rõ, chuẩn nghèo đối với bình quân 1 khẩu là 400.000 đồng/tháng ở nông thôn, 500.000 đồng/tháng ở thành thị. Với chuẩn ấy, về nguyên tắc phù hợp tại thời điểm ban hành quy định, nhưng khi trượt giá cần nâng chuẩn lên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng trên thực tế, việc nâng chuẩn nghèo cần có quá trình nghiên cứu đánh giá, khảo sát và phải phụ thuộc khả năng chung của ngân sách để hỗ trợ cho người nghèo theo chuẩn nghèo đó. Do vậy, không thể ngay một lúc có thể thay đổi chuẩn nghèo. Nhưng, trong bối cảnh trượt giá, nếu quá khó khăn, Chính phủ sẽ nghiên cứu biện pháp hỗ trợ nhất định để đảm bảo mức tối thiểu.

Quyết liệt hỗ trợ lao động thất nghiệp

Độc giả Bùi Văn Đệ (Long Thành, Đồng Nai) thắc mắc thực hư của hiện tượng lao động thất nghiệp gia tăng do các doanh nghiệp (DN) giải thể, Bộ trưởng Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thông tin thêm, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 11.2011, DN đã đăng ký là 609.907, DN đã thu hồi chứng nhận đăng ký là 76.317, chiếm khoảng 12,6%, chứ không phải 40%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết thêm rằng trong số DN chưa phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký cũng có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng nhất định tới đời sống người lao động hoặc ảnh hưởng tới việc làm.

Giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng khẳng định: "Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Thứ nhất, làm sao để những người lao động này có việc làm ở nơi khác. Thứ hai, hỗ trợ họ nếu chưa thể tìm việc làm ở chỗ khác".

Bà cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ đạo cụ thể như có văn bản đề nghị địa phương ưu tiên những người thất nghiệp vay vốn từ Quỹ việc làm quốc gia; chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm cung cấp thông tin về thị trường lao động để họ có thể tìm được việc làm mới; thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp; kiểm tra, hướng dẫn các DN phải thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ chính sách đối với người lao động.

Siết chặt quản lý lao động nước ngoài

Đề cập đến vấn đề quản lý lao động nước ngoài, độc giải Lê Đức Thành (Ninh Bình) hỏi: "Tôi thấy trong khi nhiều lao động trong nước gặp khó khăn về việc làm hoặc thậm chí thất nghiệp thì tình trạng lao động phổ thông nước ngoài làm việc không phép tại VN vẫn có chiều hướng tăng. Vấn đề này đã được dư luận cảnh báo nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đây là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm. Bà đã đề nghị Cục phó Cục Việc làm Lê Quang Trung giải thích rõ hơn.

Ông Trung cho biết, theo báo cáo của các sở LĐ-TB-XH, tính đến tháng 9.2011, ở VN có 78.440 người nước ngoài làm việc, trong đó 41.529 người được cấp giấy phép. Số không thuộc diện được cấp giấy phép (tức là vào VN làm việc dưới 3 tháng) là 5.581 người, số còn lại chưa được cấp giấy phép, đang làm thủ tục chiếm khoảng 30%.


Vấn đề lao động nước ngoài không phép tại VN sẽ được Bộ LĐ-TB-XH siết chặt quản lý. Trong ảnh là công nhân Trung Quốc tại Ninh Bình trở lại nhà tạm sau giờ tan ca - Ảnh: Cường Trung

 

Ông Trung cũng nói thêm: "Qua kiểm tra của các địa phương, của bộ, lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn cao hầu hết làm việc cho các nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại VN. Trong số này, phần lớn làm việc dưới 3 tháng, không thuộc diện cấp giấy phép lao động”.

 

Giải quyết vấn đề trên, theo ông Trung, Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật.

 

"Đồng thời, chúng tôi đề nghị sớm xây dựng Luật Xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài làm việc tại VN, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu quy định cụ thể vấn đề lao động từ khâu mời thầu, dự thầu, chấm thầu, thực hiện gói thầu các nhà thầu nước ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về người nước ngoài làm việc tại VN, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm" - ông Trung kết luận.

 

Cuộc đối thoại của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền còn tập trung vào các nhóm vấn đề: thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; trợ cấp, trợ giúp các đối tượng khó khăn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Xem toàn bộ cuộc đối thoại tại đây

 

Thành Trung (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.