Thói quen sử dụng các gia vị “hiện đại” thay thế muối đã gây thiếu hụt i ốt trong cộng đồng, đặc biệt ở khu vực thành thị.
Bà Phạm Thị Minh, ở phố Tây Sơn, Hà Nội cho biết, mấy năm nay gia đình đã dùng hạt nêm để nấu ăn hằng ngày vì "hạt nêm có sẵn vị ngọt của mì chính, mặn của muối nên tiện lợi, chỉ khi kho cá thì mới thêm chút muối cho đậm đà thôi".
Còn chị Mai, nhà ở khu tập thể Vĩnh Hồ chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn ngon: “Nấu canh bí xanh thì cho hạt nêm vị thịt, vị xương; nấu canh nấm, mọc cho hạt nêm vị nấm rất thơm. Nếu nhớ hương vị truyền thống thì chỉ cần chút mắm là dậy mùi”.
|
Bác sĩ (BS) Lê Phong, Phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nội tiết T.Ư, cho biết, tỷ lệ sử dụng i ốt sụt giảm những năm gần đây vì người dân có phần xem nhẹ vai trò của i ốt với sức khỏe.
Thực tế nhiều gia đình ở thành thị đang thay thế việc dùng muối i ốt bằng các chế phẩm gia vị “hiện đại” như hạt nêm. Nếu có thêm các gia vị khác như xì dầu, nước mắm thì cũng chỉ quan tâm phù hợp khẩu vị và đang dần bỏ quên gia vị có chứa i ốt cần được bổ sung trong bữa ăn.
Theo BS Phong, trước đây bệnh do thiếu hụt i ốt như bướu cổ được coi là bệnh của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhưng vài năm trở lại đây, căn bệnh này đã được phát hiện nhiều ở vùng đồng bằng, thậm chí ở Hà Nội và TP.HCM.
Công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, trong số 11.545 hộ gia đình được khảo sát chỉ có khoảng 45% người dân sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn. “Chưa đến 30% số hộ dùng muối i ốt để phòng các bệnh”, BS Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết.
BS Phong nhấn mạnh, có thể trong cả đời người chỉ cần một thìa i ốt nhưng lượng i ốt sẽ được hấp thụ đều đặn hằng ngày để đảm bảo phòng bệnh. I ốt sẽ theo nguồn thức ăn vào ruột, hấp thụ vào máu. Nếu lượng i ốt được cung cấp quá nhiều do cung nhiều hơn cầu hoặc uống thuốc chứa i ốt thường xuyên... sẽ gây nên hội chứng cường giáp, ngoài ra còn có u tuyến độc giáp, viêm tuyến giáp. Vì thế cách tốt nhất để bổ sung i ốt là sử dụng muối và các chế phẩm có chứa i ốt.
Theo BS Nguyễn Văn Tiến, trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu i ốt do nhu cầu tăng cao. Thiếu i ốt ở thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu i ốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc… Thiếu i ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ...
Ở người lớn, thiếu i ốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, mệt mỏi, giảm khả năng lao động. Số bệnh nhân bướu cổ tới khám và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết đang có xu hướng tăng, chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân.
BS Lê Phong cho rằng, nên sử dụng hài hòa muối i ốt cùng với các phụ gia khác trong bữa ăn gia đình để phòng chống các bệnh do thiếu hụt nguyên tố này. Riêng với trẻ em, nhất là lứa tuổi ăn dặm, khi chế biến thức ăn, các bậc phụ huynh cũng nên sử dụng muối i ốt để chế biến thức ăn cho trẻ.
BS cũng lưu ý, i ốt dễ bay hơi nên không rang muối i ốt, không để muối i ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào. Lượng i ốt trộn vào các sản phẩm được lưu hành an toàn cho mọi người.
"Chương trình phòng chống bướu cổ, Viện Dinh dưỡng quốc gia đang nghiên cứu đưa i ốt vào nhiều loại sản phẩm ngoài muối như nước mắm đạt hiệu quả phòng bệnh giúp cộng đồng có thêm nhiều chọn lựa bổ sung i ốt cho bữa ăn hằng ngày”, PGS TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết.
Liên Châu
>> Muối ớt ba miền
>> Khốn khổ vì... muối
>> I-ốt trong bữa ăn hằng ngày
>> Thiếu i-ốt sẽ ảnh hưởng gì?
Bình luận (0)