Kiểm soát rối loạn lưỡng cực

03/01/2012 00:09 GMT+7

Rối loạn lưỡng cực là một bệnh lý cảm xúc phổ biến, đứng hàng thứ hai trong các rối loạn tâm thần.

Rối loạn lưỡng cực là một bệnh lý cảm xúc phổ biến, đứng hàng thứ hai trong các rối loạn tâm thần.

Đặc điểm của bệnh là sự tái diễn hoặc luân phiên của các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm, xen kẽ là những giai đoạn thuyên giảm hoàn toàn.

Sau đây là một số cách kiểm soát rối loạn lưỡng cực.

Giảm stress tại công sở và gia đình. Hãy cố gắng duy trì thời gian làm việc đều đặn để stress không gây ra những giai đoạn hưng hoặc trầm cảm. Nếu stress tại công sở hoặc gia đình là một vấn đề đối với bạn, việc tham vấn có thể giúp ích. Điều quan trọng là phải “xếp lịch” sự nghỉ ngơi thư giãn nhất định trong ngày làm việc và sinh hoạt của mình, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Thường điều này bao gồm thời gian đi gặp và “tám” chuyện với bạn bè.

 
Ảnh: Shutterstock 

Thực hiện chế độ ăn cân bằng. Hãy đảm bảo bạn hấp thu tất cả những dưỡng chất cần cho cơ thể. Dùng bữa điều độ sẽ giúp thiết lập một thói quen hằng ngày làm giảm stress.

Duy trì thời gian ngủ. Những thay đổi trong mô hình giấc ngủ đôi khi có thể gây ra một giai đoạn hưng hoặc trầm cảm. Nên cố gắng duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy, với mức giao động không quá 1 giờ.

Tránh rượu và thuốc kích thích. Thậm chí 1 ly rượu cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, thay đổi tâm trạng, hoặc can thiệp vào thuốc men, vốn có thể khiến các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn và thậm chí có thể gây ra một giai đoạn hưng trầm cảm.

Tập thể dục mỗi ngày. Vận động thể chất vừa phải trong 30 phút mỗi ngày có thể giúp kiểm soát những thay đổi tâm trạng.

Hạn chế caffeine và nicotine. Caffeine và nicotine có thể đóng vai trò như những chất kích thích, vốn có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, hấp thu quá nhiều caffeine có thể làm thay đổi thói quen ngủ của bạn.

Tìm cách chữa trị tức thì. Việc được chữa trị đúng lúc sẽ giúp bạn chủ động kiểm soát các triệu chứng của một giai đoạn hưng hoặc trầm cảm, đồng thời để tránh gây ra những bất trắc trong cuộc sống của mình. Thường bạn không để ý những dấu hiệu hoặc triệu chứng sớm, vì thế nên dành thời gian để “tập huấn” những người thân cận nhất của bạn những dấu hiệu hoặc triệu chứng nên đề phòng. Họ có thể báo động cho bạn khi phát hiện một sự thay đổi cho thấy sự bắt đầu của một giai đoạn rối loạn cảm xúc. Hãy cho họ thấy rằng bạn hoan nghênh những phản hồi như vậy, đồng thời cam đoan rằng bạn sẽ không xem nhẹ phản hồi nếu bạn nhận được nó.

Quyên Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.