Theo chân đội “đặc nhiệm” - Kỳ 2: Vớt xác và cứu người

06/01/2012 00:56 GMT+7

Sau một thời gian bị ngưng hoạt động, nhiều thành viên trong Đội vớt rác trên sông (Q.8, TP.HCM) vui mừng khi được trở lại với nghề, dẫu họ biết đây là công việc cực nhọc và độc hại.

Sau một thời gian bị ngưng hoạt động, nhiều thành viên trong Đội vớt rác trên sông (Q.8, TP.HCM) vui mừng khi được trở lại với nghề, dẫu họ biết đây là công việc cực nhọc và độc hại.

>> Theo chân đội “đặc nhiệm”

Gặp xác người mà không giúp là “vô lý”

Theo Đội trưởng Đoàn Hồng Nhanh, chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, các công nhân trong lúc làm nhiệm vụ đã vớt 5 xác người.

 
Nhiều hộ dân sống dọc kênh “vô tư” xả rác - Ảnh: Như Lịch

Anh Trần Minh Thiện, lái tàu SG 1413, chỉ nhớ trong năm nay nhóm của anh đã phát hiện 2 xác người và kéo vào bờ. Anh Thiện kể: “Cách đây hơn 1 tháng, một thanh niên tự tử ở cầu Nhị Thiên Đường. Thân nhân họ đến đây nhờ tìm xác. Anh em chúng tôi bơi ghe đi kiếm 2-3 ngày mà không gặp. Sau đó, tình cờ thấy xác người nổi lên ở sà lan cát, cách hiện trường tự tử khoảng 100m”.

Mấy anh công nhân như Huân, Tư, Thiện… được đồng nghiệp đánh giá là bạo gan không thua gì “dân nhà đòn” (ý nói những người làm dịch vụ mai táng - PV). Một buổi chiều, khi lênh đênh cùng anh Huân trên chiếc ghe nhỏ anh thường dùng vớt rác và cũng để… vớt xác người, tôi được anh kể chuyện trực tiếp tham gia vớt 4 xác (3 nam, 1 nữ). Song ám ảnh nhất với anh Huân có lẽ là cái xác gần đây: “Đó là một thanh niên bị treo lủng lẳng do mắc vào hai cây xà cừ. Khi chúng tôi gỡ xác ra, máu và nước dịch từ tử thi ộc ra… Chúng tôi khiêng xác lên chiếc ghe này để đưa vào bờ”. Sau này, anh Huân biết được người chết khoảng 30 tuổi, ngụ ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), do buồn vì mắc bệnh nan y nên đã lao xuống sông tự tử.

Một dạo, tui nghe có quy định xử phạt những người xả rác nơi công cộng. Vậy mà từ đó đến giờ, tui đâu thấy ai đi phạt và phạt ai
Anh Trần Minh Thiện - lái tàu SG 1413

Thông thường, khi thấy xác người nổi lên, công nhân luồn một đầu sợi dây qua tử thi rồi cột lại, đầu kia dùng kéo vào bờ. Họ hạn chế tối đa không đụng vào cái xác, cốt giữ hiện trường để công an làm việc. “Có những xác người cặp sát hông sà lan, rất khó tiếp cận” - anh Huân nói.

Cũng có không ít trường hợp gặp phải… xác giả. Đó là những hình nộm (ma nơ canh) người ta thải ra. Ngược lại, có những người gặp tử thi lại tưởng (và cầu mong) đó chỉ là hình nộm. Nhiều công nhân thú nhận khi mới làm nghề này, họ đã bỏ chạy khi chứng kiến người chết trương phình. Phạm Văn Phương - 25 tuổi, đầu quân vào đội khoảng 1 năm nay - thật thà kể: “Em gặp xác lần đầu cách đây gần 2 tháng. Em run lắm, vội chạy ra đuôi tàu tránh. Nhưng tàu đang chạy, nên em lại thấy cái xác ngay đuôi tàu. Cứ vậy, em chạy tới chạy lui, mất hết hồn vía cho đến khi xác được kéo vào bờ”.

Công nhân Thới Hòa nhớ lại tình huống oái ăm xảy ra khá lâu: Khi thấy một cái áo nổi lên, nhóm anh Hòa sợ quá đã cho ghe chạy luôn. Đột nhiên, chiếc ghe chạy không nổi vì chân vịt vướng chiếc áo đó. Thế là cả nhóm phải quay lại vớt xác. Anh Hòa tâm sự: “Có người tin, người không. Riêng tui cảm nhận như có tâm linh vậy”.

Thuyền trưởng Minh Thiện giãi bày: “Mỗi lần thấy xác trong đống rác hoặc đang trôi trên kênh, điều trước tiên là tui thấy tội cho họ. Đa số họ còn trẻ, suy nghĩ không chín chắn nên đã tự hủy hoại mạng sống của mình”. Theo anh Thiện, bất kể nguyên nhân gì, khi gặp xác người mà không giúp là “vô lý”. Bởi thân nhân của những người này đã rất đau lòng vì bị mất con mất cháu, nếu không tìm được xác, họ càng khổ tâm.

 
Các tàu “no” rác cập bến và công nhân tiếp tục chuyển rác lên xe

Đặc biệt, thành viên trong đội “đặc nhiệm” vớt rác này từng cứu kịp ít nhất hai đứa trẻ trên ghe té xuống kênh.

“Ăn vô não rồi”

Trưa 9.12.2011, tôi lên tàu SG 1415 theo công nhân vớt rác trên kênh Tàu Hủ. Chưa đến giờ ngọ, cả bốn tàu đều xuất bến. Hầu hết các công nhân rất kỷ luật, tuân thủ giờ giấc bởi ca làm việc của họ dựa theo con nước thủy triều. Chỉ cần trễ nải một chút là có thể “khóc ròng” khi tàu bị mắc cạn.

So với kênh Đôi, nước kênh Tàu Hủ đen đặc hơn, trông như cặn nhớt xe. Mùi hôi gắt liên tục xộc lên khiến đầu tôi váng vất suốt buổi. Một số công nhân kỳ cựu cho biết, những khi làm việc dưới trời nắng chang chang, họ cũng thường bị xây xẩm mặt mày.

Bồi dưỡng độc hại: 6 ngàn đồng/ngày công

Theo ông Nguyễn Văn Tốt - Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Q.8, TP.HCM, Đội vớt rác trên sông Q.8 được thành lập trong năm 1998. Do khó khăn về kinh phí, đội ngưng hoạt động trong 2 năm (2009-2010). Nhưng rồi “chịu không nổi” trước cảnh rác thải ô nhiễm kênh rạch ngày càng trầm trọng, công ty đã xin thành phố cho khôi phục đội hình trên vào đầu năm 2011. Hiện mỗi công nhân có mức lương khoán bình quân 4 triệu đồng/tháng. Hằng năm, họ được khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, chích ngừa vi trùng uốn ván... Tuy nhiên, chế độ bồi dưỡng độc hại rất thấp, chỉ 6 ngàn đồng/người/ngày công. Một cán bộ công ty giải thích: “Chúng tôi chỉ làm theo quy định của Nhà nước”.

Đến khu vực Bến Phú Định (P.16, Q.8), thuyền trưởng tàu SG 1415 Lương Xuân Thịnh thông báo: “Nãy giờ máy đã rất nặng vì chân vịt bị vướng dây nhợ, bịch nylon”. Anh Thịnh cho hay, mỗi ngày từ 1-2 lần, anh và những thuyền trưởng khác thường phải ngâm mình gỡ rác, có hôm đến mấy tiếng đồng hồ. Thuyền trưởng Hớn Sáng than thở: “Những lúc trầm mình dưới kênh Tàu Hủ gỡ rác, tui bị ngứa dữ lắm!”. Một công nhân lớn tuổi lý giải: “Kênh này hứng chịu nhiều chất thải độc hại, hóa chất từ những cơ sở sản xuất. Nên dù có vớt hết rác thì nước vẫn đen kịt”.

Trong lúc phụ vớt rác, bản thân người viết cũng “được” nếm trải cảm giác ngứa ngáy hết sức khó chịu khi bị dính nước kênh Tàu Hủ. Cái ngứa bám rất lâu khiến tôi nhấp nhổm không yên. Đến khi chuyển sang một tàu khác đang hoạt động trên kênh Đôi, tôi gặp công nhân Huỳnh Văn Tư với con mắt đỏ hoe, đau rát cũng bởi trúng nước kênh. Cố “chịu trận” hơn 2 tiếng đồng hồ để làm xong việc, anh Tư chỉ mong được vào bờ nhanh để chạy đi mua thuốc nhỏ mắt.

Không những vậy, nhiều công nhân cho hay họ còn gặp không ít hiểm nguy khác rình rập. Anh Huân kể: “Trước đây dưới gầm cầu Nguyễn Tri Phương, chỉ một chỗ nước xoáy thôi, tui gom đầy cần xé kim tiêm ma túy/ngày. Chính tui vớt thường xuyên mà còn nổi da gà”. Đã ba lần, anh Huân bị ống chích đâm ở tay. Anh Huân cho hay, những lần đó, anh nặn máu và lấy xà phòng rửa sạch chứ không đi tiêm ngừa. “Đa số đều bị kim tiêm đâm. Còn việc đạp trúng đinh, miểng chai là quá bình thường. Nếu sợ thì không làm được nghề này” - công nhân Tấn Tài đúc kết.

Công nhân Thới Hòa cho hay, anh vốn “khoái sông nước” nên thấy phù hợp với công việc vớt rác. “Ở nhà, tui thường làm một việc mà nhiều người cho là “hâm”, đó là tự động phân loại rác. Chẳng biết sau này tui có thành lão già lẩm cẩm đi lượm rác tối ngày không nữa. Bởi nghề này đã ăn vô tới não tui rồi” - anh Hòa chất phác bày tỏ.

Liệu công việc này có như dã tràng xe cát, vì vừa dọn rác xong lại thấy rác khác nườm nượp trôi tới? Một số công nhân lạc quan: Hôm nay mình vớt một chút, mai một chút, dần dà nó sẽ sạch. Vả lại, nếu nhiều nơi khác cũng duy trì đội vớt rác, tình hình sẽ khá hơn.

“Một dạo, tui nghe có quy định xử phạt những người xả rác nơi công cộng. Vậy mà từ đó đến giờ, tui đâu thấy ai đi phạt và phạt ai, cũng không thấy đội giám sát thực hiện quy định đó?”, đây là điều lái tàu Minh Thiện cũng như anh em trong đội “đặc nhiệm” băn khoăn.

Phóng sự của Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.