(TNO) Việc chủ quan công bố thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội, blog, diễn đàn… trên internet cũng như công tác bảo mật thông tin không tốt đã tự biến nhiều người thành “mồi ngon” cho loại tội phạm công nghệ cao.
Cục An ninh Thông tin truyền thông (A 87) - Bộ Công an mới đây đã xử lý 3 người mua, bán thông tin của các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt, Phó trưởng phòng An ninh Báo chí, A 87 - Bộ Công an, liên quan đến loại tội phạm mới này.
Thiếu tá Việt cho biết, những đối tượng sử dụng thông tin của cá nhân, tổ chức vào mục đích kinh doanh để trục lợi có thể bị xử lý theo điều 226 mục 1 khoản b của Bộ luật Hình sự về hành vi "Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó”.
Mức xử lý theo quy định là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Cẩn trọng với các mạng xã hội
* Một số ý kiến nhận định rằng, việc mua bán thông tin của cá nhân, tổ chức vào mục đích kinh doanh là loại hình tội phạm liên quan đến một số đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng công nghệ cao và dùng thông tin có được để lừa đảo các doanh nghiệp ở nước sở tại như vừa qua đã được ngành công an phát hiện. Theo ông, có sự liên quan giữa hai loại hình tội phạm này không?
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt: Việc sử dụng các thông tin của cá nhân, tổ chức vào mục đích kinh doanh chính là một trong những loại hình tội phạm mới tại Việt Nam trong thời đại công nghệ thông tin.
Tháng 9.2011 vừa qua, Công an Trung Quốc cũng đã triệt phá một đường dây buôn bán thông tin cá nhân của hàng trăm triệu người, bắt giữ hai chủ mưu và 24 đối tượng tình nghi.
Tuy nhiên, chính lực lượng Công an Trung Quốc cũng nhận định rằng đường dây này chỉ là "con tép" trong đại dương thế giới ngầm mua bán thông tin cá nhân rộng khắp Trung Quốc.
|
Từ tháng 6.2010, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an Việt Nam cũng đã liên tiếp tiến hành triệt hạ các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam lợi dụng công nghệ cao để kết nối liên lạc, đe dọa tổ chức, cá nhân, ép chuyển tiền vào tài khoản của chúng.
Với những thông tin như trên, hoàn toàn có thể hiểu rằng việc kinh doanh các thông tin của cá nhân, tổ chức là bước đầu của việc tiến tới sử dụng công nghệ cao để đe dọa, tống tiền.
* Các đối tượng đã sử dụng cách gì lấy được thông tin cá nhân, của các cá nhân, tổ chức?
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt: Qua công tác điều tra truy xét vụ việc, chúng tôi nhận thấy, có hai nguồn chính để các đối tượng thu thập được các thông tin cá nhân.
Một là chính mỗi cá nhân chúng ta đã chủ quan khi công bố thông tin cá nhân trên mạng internet như: mạng xã hội (Facebook, Tiwtter, Linkedin…), blog (hay còn gọi là nhật ký điện tử cá nhân), các forum (diễn đàn)…
Hai là các thông tin cá nhân của chúng ta khi cung cấp cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã không được bảo mật tốt dẫn đến lộ, lọt ra ngoài bởi một vài cá nhân trong chính các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Bán thông tin khách hàng, doanh nghiệp sẽ bị xử lý
* Có ý kiến cho rằng, theo yêu cầu đặc trưng, khi sử dụng điện thoại di động hoặc khi làm thủ tục ở các ngân hàng..., khách hàng đã khai báo thông tin cho những đơn vị này. Nhưng không ít đơn vị đã "bán đứng" khách hàng (bán thông tin của khách hàng). Trong trường hợp đó, các đơn vị này có bị xử lý không?
Mỗi cá nhân cần hết sức cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân của mình trên mạng internet hay với các tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt, Phó trưởng phòng An ninh Báo chí, A 87 - Bộ Công an
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt: Thông tin cá nhân của khách hàng khi cung cấp cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp do không được bảo mật tốt dẫn đến việc một vài cá nhân trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đó đã lợi dụng để thu lời.
Nếu các đơn vị, tổ chức hay doanh nghiệp bán thông tin khách hàng thì cũng sẽ bị xử lý theo khoản 2, điều 39 của Nghị định 83/2011/NĐ-CP của Chính phủ và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn các loại giấy phép; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Ngoài ra, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc chấm dứt cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ viễn thông; buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông…
* Vừa qua, A 87 đã xử lý 3 người sử dụng thông tin của cá nhân, tổ chức vào mục đích kinh doanh. Việc xử lý dừng lại ở việc đề nghị cơ quan thẩm quyền xử phạt hành chính. Liệu biện pháp này có đủ sức răn đe đối với người vi phạm không?
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt: Do đây là loại hình tội phạm mới, các đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội chưa ý thức hành vi vi phạm pháp luật của mình nên việc đề nghị xử lý hành chính là để thể hiện việc chúng tôi muốn cảnh báo, răn đe và phòng ngừa đối với loại tội phạm này.
* Ông có khuyến cáo gì đối với người dùng internet; tham gia vào các diễn đàn, mạng xã hội?
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt: Theo tôi, mỗi cá nhân cần hết sức cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân của mình trên mạng internet hay với các tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia.
Mỗi cá nhân cũng cần chú ý yêu cầu các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có hình thức bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cần chú ý rà soát thật kỹ, thật chắc công tác bảo mật thông tin của khách hàng trong hệ thống của mình vì đây cũng chính là bảo vệ uy tín, thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp đó với khách hàng.
Xin cảm ơn thiếu tá!
Trần Duy
(thực hiện)
>> Xử lý 3 người mua, bán thông tin cá nhân trái phép
>> Phá đường dây bán thông tin cá nhân
>> Dữ liệu cá nhân bị rao bán tràn lan
Bình luận (0)