* Quá tải tại TP.HCM
Trước hàng loạt vụ cháy, nổ xe, đặc biệt là những vụ xe “bỗng dưng” bốc cháy khi để trong nhà xe, nhiều người lo ngại nếu không có biện pháp phòng ngừa thì đây không khác gì những “quả bom nổ chậm” gây hậu quả khôn lường.
Theo khảo sát của PV Thanh Niên tại một số khu chung cư cũ ở khu vực Thành Công (Q.Ba Đình), Kim Liên, Trung Tự (Q.Đống Đa)… những nơi luôn tập trung hàng trăm điểm gửi xe tự phát, nhưng không hề có hệ thống, thiết bị PCCC. Do yếu tố lịch sử nên các tòa chung cư không có nhà để xe riêng, do đó các hộ dân ở tầng 1 cơi nới thêm diện tích sử dụng để làm nơi giữ xe cho các hộ ở tầng trên. Tại khu H, tập thể Thành Công, căn hộ bác Hoàng Văn Đình chỉ có 40m2, trong đó phòng khách rộng khoảng 20m2 được trưng dụng để làm chỗ chứa cho 20 chiếc xe máy. Bác Đình cho biết xe đa phần là người ở tầng trên gửi theo tháng, mỗi chiếc thu được 200 ngàn đồng, tức mỗi tháng có thêm 4 triệu, “chỉ thêm được chút tiền chợ”. Đổi lại, lối ra vào nhà bị xe bít kín, vào ban đêm, muốn ra ngoài phải lách từng bước một. Khi được hỏi vì sao nhà trông xe nhưng không có bình cứu hỏa, bác Đình thản nhiên đáp: “Bình biếc làm gì cho rách ra, sống chết có số cả, lo gì”.
''Nhiều chỗ để xe hiện nay gọi là có trang bị hệ thống PCCC nhưng thực chất chỉ có vài bình cứu hỏa, giả dụ xảy ra hỏa hoạn thì những chiếc bình này chẳng có tác dụng gì cả'' - Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội |
Đa số các bãi gửi xe tự phát tại các khu chung cư cũ đều nằm xa họng nước cứu hỏa, mặt khác nhiều hộ dân cơi nới thêm phần sử dụng chung, hoặc lấn chiếm làm hàng quán nên khi có sự cố hỏa hoạn thì xe cứu hỏa cũng rất khó tiếp cận.
Tại khu vực tầng trệt vốn được dùng để trông giữ xe máy của các tòa nhà 3D, 3C, 3A… trong khu đô thị mới Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội), trên diện tích sàn lên tới hàng trăm mét vuông có hàng trăm xe máy để san sát nhau nhưng chỉ có một bình cứu hỏa. Chưa hết, các đường ống dẫn nước phục vụ công tác chữa cháy, thay vì được cất vào hộp đồ để tránh chuột, bọ cắn lại bị vứt chỏng chơ ngay dưới nền nhà. Điều khiến chúng tôi bất an hơn cả, đó là khu vực nhà xe đã được người bảo vệ tận dụng luôn làm chỗ sinh hoạt. Chị Hoàng Thùy, một người dân sinh sống trong tòa nhà 3D phản ánh: “Nhà để xe thì đã bí, xe gửi thì nhiều, mà không hiểu sao người ta lại cho bảo vệ nấu nướng, rồi sinh hoạt ngay trong nhà để xe được. Thậm chí, nhiều hôm bạn bè của người bảo vệ này tới ngồi hút thuốc lá, thuốc lào ngay trong nhà xe”. Qua quan sát, các nhà để xe kiểu này, được thiết kế duy nhất một cánh cửa ra vào. Và tuyệt nhiên không có cửa thông gió, trong khi các cửa sổ kính lại luôn đóng kính.
Không chỉ ở các khu đô thị, chung cư, hiện tại ở Hà Nội còn xuất hiện rất nhiều nhà trọ cao tầng. Một điều dễ thấy là do tận dụng tối đa diện tích để làm phòng trọ, nên hầu hết những khu trọ cao 4 - 7 tầng này đều không hề có lối thoát hiểm, còn cầu thang lên xuống lại rất hẹp. Điển hình, khu nhà trọ của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (xóm 3, thôn Hạ, xã Mễ Trì, H.Từ Liêm) được thiết kế xây dựng cao 4 tầng, mỗi tầng có 6 phòng. Thế nhưng, cả khu nhà trọ với 24 phòng của gia đình chị Hoa chỉ có một khoảng sân rộng chưa đầy 25m2 để làm chỗ để xe luôn nghẹt cứng. Trong khi phần cầu thang, lối hành lang đi chung cũng được gia chủ thiết kế gọn nhỏ tới mức tối đa, không hề có lắp bóng điện chiếu sáng, biển báo hiệu hay bình cứu hỏa mini phòng ngừa trường hợp xảy ra cháy, nổ...
Tương tự, tại khu vực P.Láng Thượng (Q.Đống Đa) nơi tập trung rất đông sinh viên nhiều trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Hà Nội thuê trọ, cũng xuất hiện một loạt những dãy nhà cao tầng, mỗi dãy có cả năm, sáu chục phòng cho thuê trọ. Trong ngõ 898 đường Láng, có ít nhất hai dãy nhà cao tầng kiểu này. Nhà số 29 cao 6 tầng với 50 phòng chứa hơn 100 con người sinh sống, nhưng chỉ có duy nhất một cầu thang - vừa đủ để hai người tránh nhau. “Nếu tối hôm nào về sớm, cất xe thì kiểu gì sáng hôm sau cũng phải đi xe buýt đi học, vì có quá đông xe nên không tài nào lôi được xe ra. Chúng em ở đây cũng lo lắm, vì dạo này đọc báo, xem ti vi có nhiều vụ, xe để trong nhà tự cháy, nổ. Nói dại miệng, lỡ chỉ có một chiếc xe máy của bạn nào đó bốc cháy như chiếc xe từng cháy khi để trong sân ở một nhà trên phố Hàng Cót, thì chắc chắn sẽ lan sang các xe khác”, H.L, sinh viên thuê trọ ở đây lo lắng.
|
Ai quản lý?
Trên thực tế, Hà Nội đã từng xảy ra vụ phương tiện bốc cháy khi gửi ở bãi để xe. Vào đêm 24.12.2011, trong lúc hàng ngàn người đang đổ xô về khu vực Nhà thờ Lớn và Bờ Hồ đón Noel thì tại một bãi gửi xe ở phố Bảo Khánh (Q.Hoàn Kiếm), xe máy Honda Air Blade của khách bốc khói nghi ngút khiến nhiều người trên phố hoảng loạn. Nhân viên bảo vệ bãi trông xe đã dùng bình cứu hỏa mini ngay tại bãi xe phun tới tấp nhưng không ngăn được lửa, sau đó, một số người đã vào một khách sạn đối diện lấy thêm 3 bình chữa cháy mới dập được cháy.
Trả lời Thanh Niên chiều 8.1, đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội cho hay, về mặt nguyên tắc các nhà để xe trong khu chung cư phải có hệ thống chữa cháy tự động bằng vòi phun nước: “Nhiều chỗ để xe hiện nay gọi là có trang bị hệ thống PCCC nhưng thực chất chỉ có vài bình cứu hỏa, giả dụ xảy ra hỏa hoạn thì những chiếc bình này chẳng có tác dụng gì cả”, đại tá Thiều lo lắng.
Ông Thiều bày tỏ lo ngại về nguy cơ cháy nổ phương tiện tại các điểm trông giữ xe trong các khu chung cư cũ hoặc chung cư mini. “Đối với những trường hợp này, chính quyền địa phương sẽ kiểm tra rà soát và phối hợp cùng cảnh sát PCCC xử lý, nhưng khi địa phương không có ý kiến thì chúng tôi cũng không nắm bắt được”, ông Thiều nói.
Quá tải tại TP.HCM Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chuyện xe máy "bỗng dưng bốc cháy" đang làm cư dân các nhà cao tầng (NCT) lo lắng vì không ít bãi giữ xe gắn máy, ô tô tại tầng hầm của cao ốc cho thuê, chung cư cao tầng đã quá tải nghiêm trọng; lượng xe quá đông, để san sát nhau, rất dễ cháy lan khi có sự cố. Đã vậy, tại một NCT chuyên tổ chức đám cưới trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), bãi giữ xe (BGX) còn được thiết kế 2 - 3 tầng, độ cao từ sàn đến trần của các tầng này rất thấp và lối thoát hiểm không đảm bảo nên không khí ở đây rất ngột ngạt... Trong khi đó, bãi xe luôn chật cứng xe gắn máy, mỗi lần khách lấy xe ra, nhân viên phải dời tới, dời lui rất mất thời gian. Nhìn quanh BGX, chúng tôi không hề thấy thiết bị PCCC. Chúng tôi rùng mình khi đặt giả thuyết nếu BGX ở tầng hầm này xảy ra cháy thì hàng ngàn người đang dự đám cưới ở tầng trên không khác nào như đang trên chảo lửa. Đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết thêm, một số chung cư tái định cư được xây dựng trước đây khá lâu nên trang thiết bị PCCC và cứu hộ cứu nạn không đảm bảo an toàn. "Do đó, Sở đã tham mưu, đề xuất UBND TP về phương án khắc phục, sửa chữa đối với các chung cư, để phải đảm bảo an toàn PCCC đúng với quy định hiện hành, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Châu nói. Một cán bộ Sở PCCC TP cho hay, trong khi chưa tìm ra nguyên nhân xe “bỗng dưng” bốc cháy, trước mắt lực lượng PCCC sẽ tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm việc thiếu trang thiết bị PCCC, hệ thống điện không đảm bảo, để xe chiếm lối thoát nạn… tại các tầng hầm để xe ở các NCT. Đồng thời, tổ chức huấn luyện cho lực lượng PCCC tại chỗ xử lý ngọn lửa ban đầu đúng theo nghiệp vụ để tránh xảy ra hỏa hoạn đáng tiếc. Sở cũng khuyến cáo ban quản lý NCT nên trang bị hệ thống chữa cháy bằng bột foam (loại chữa cháy đặc thù về xăng), lắp đặt đèn chống nổ (loại này được lắp đặt tại cây xăng) tại BGX để tăng thêm an toàn khi xảy ra sự cố”. Nguyên Bảo |
Thái Sơn - Minh Sang
>> Thêm một vụ xe máy phát cháy
>> Xe khách chất lượng cao suýt cháy
>> Cháy xe máy trong cốp có hơn 200 triệu đồng
>> Hai xe khách bị cháy rụi
>> Lại liên tiếp cháy ô tô, xe máy
>> Cháy xe đầu kéo chở khí trên quốc lộ 1A
>> Những nạn nhân cháy xe nói gì?
>> Lại cháy xe
Bình luận (0)