Dư luận ủng hộ việc Bộ GD-ĐT xử lý nghiêm các đơn vị liên kết đào tạo với nước ngoài không phép. Tuy nhiên, qua sự việc này lại thấy còn nhiều vấn đề bất cập trong quản lý.
Người học chịu thiệt
Học phí các chương trình liên kết ERC Việt Nam: 24.000 USD/khóa. Trung tâm Raffles: 20.000 USD/khóa Chương trình Martin College tại ILA: 7.500 USD/55 tuần |
Theo kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT, hầu hết các chương trình liên kết đào tạo không phép với nước ngoài của các trung tâm như ERC Việt Nam, Raffles, ILA, Viện Kế toán quản trị doanh nghiệp (IABM) đều diễn ra từ nhiều năm nay, gần đây nhất cũng bắt đầu từ năm 2008. Thế nhưng, tại sao đến những tháng cuối năm 2011 Bộ GD-ĐT mới tiến hành kiểm tra? Trong khi đó, nhiều chương trình đã có sinh viên tốt nghiệp. Hằng năm, những trung tâm này vẫn quảng cáo rầm rộ với quy mô lớn trên rất nhiều kênh thông tin, chẳng lẽ trong thời gian này những người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT không hề hay biết? Đó là chưa kể một số trung tâm, chẳng hạn như Raffles, luôn tự hào với danh sách ban cố vấn là những người đã từng làm công tác quản lý cấp cao của Bộ và Sở GD-ĐT TP.HCM. Với lực lượng cố vấn có thừa kinh nghiệm này, chẳng lẽ những trung tâm như Raffles lại dễ dàng qua mặt được Bộ trong nhiều năm? Vấn đề cho thấy Bộ đã buông lỏng quản lý ngay từ trước nên sự vụ mới dẫn đến tình hình phức tạp, học viên phải lao đao.
Thực tế là có gần 1.700 học viên từ CĐ, ĐH đến sau ĐH đã và đang theo học các chương trình liên kết với nước ngoài ở những trung tâm vừa nêu. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy những chương trình này đã được nhiều người biết đến. Ấy vậy mà tại sao Bộ GD-ĐT không tiến hành xử phạt ngay từ những ngày đầu các trung tâm này thực hiện liên kết sai quy định?
Mặc dù trong quyết định xử phạt các trung tâm này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu trả lại kinh phí cho người học, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người học, giải quyết hậu quả (nếu có). Thế nhưng, với học viên và gia đình đơn giản không chỉ là vấn đề trả lại kinh phí. Họ đã dành thời gian, công sức để đeo đuổi chương trình học do các trung tâm có giấy phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam quảng cáo công khai thì đến giờ, nói cho công bằng, họ không đáng nhận một kết quả như vậy. Thêm nữa, họ cũng không có tội khi không biết rằng những chương trình họ đang theo học là chưa được cấp phép. Vì thế, việc không công nhận trên lãnh thổ Việt Nam bằng cấp của những người đã tốt nghiệp cũng như việc các trung tâm đang tìm phương án đưa học viên những chương trình này ra nước ngoài học tập không làm cho học viên thoải mái, yên tâm.
|
Nên giải quyết từ gốc
Trên thực tế, không chỉ có 4 trung tâm vừa nêu vi phạm quy định. Trong thời gian qua, báo chí đã phản ảnh hàng loạt trường hợp liên kết đào tạo với nước ngoài không phép, trong đó có cả các trường ĐH lớn. Vì thế, dư luận mong nhân thời điểm này Bộ GD-ĐT cần làm một cuộc “truy quét” tận gốc các đơn vị khác có sai phạm tương tự, thông tin công khai để người dân được biết đâu là những chương trình hợp pháp.
Thêm nữa, vấn đề còn lại là những quy định của nhà nước cũng cần điều chỉnh để theo kịp với nhu cầu của thực tế. Hiện nay, ở các thành phố như Hà Nội và TP.HCM, theo học các chương trình nước ngoài, nhận bằng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam là một nhu cầu rất lớn. Thế nhưng nhu cầu này chưa được đáp ứng tốt.
Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, có nhiều đơn vị trực thuộc tập đoàn giáo dục nước ngoài đã có giấy phép hoạt động như một trung tâm đào tạo các khóa học dưới 12 tháng, muốn trở thành trường trung cấp hoặc CĐ nghề. Tuy nhiên, quy định hiện hành lại chưa cho phép các trung tâm thực hiện điều này. Vì vậy, những đơn vị này đã lách bằng cách chia một chương trình chính quy dài hạn thành các chương trình ngắn hơn, tạm chấp nhận mang danh nghĩa trình độ sơ cấp nghề và cấp chứng chỉ (cho phù hợp với giấy phép hoạt động mà trung tâm được cấp). Sau đó, tích hợp các chứng chỉ theo hệ thống để công nhận hoàn thành chương trình chính quy, cấp bằng tương ứng. Như thế, theo quy định hiện hành, các trung tâm này đã vi phạm vì giấy phép là đào tạo ngắn hạn nhưng lại liên kết để cấp bằng CĐ, ĐH.
Nhiều tập đoàn giáo dục nước ngoài cũng mong muốn được hợp thức hóa điều này. Ngày 6.1, trả lời Báo Thanh Niên, ông Hwong Kee Hong, Tổng giám đốc Trung tâm Raffles, cho biết nơi này rất mong muốn được cấp phép thành lập trường CĐ để hoạt động lâu dài tại Việt Nam. “Nên giải quyết vấn đề từ gốc. Các đơn vị này sai, phải xử lý, chấn chỉnh. Nhưng họ có nhu cầu hoạt động lâu dài tại Việt Nam, trong khi học viên cũng có nhu cầu lớn để học tập. Vậy sao không tạo điều kiện cho họ hoạt động đúng theo luật pháp? Tôi cũng có văn bản gửi Tổng cục Dạy nghề đề nghị tìm một hướng ra tạm thời cho những nơi này hoạt động nhưng vẫn chưa có câu trả lời”, ông Hiệp cho biết.
Nếu không có sự cởi mở trong cơ chế, học sinh Việt Nam sẽ có nguy cơ mất cơ hội du học tại chỗ vì các tập đoàn giáo dục quốc tế e dè khi đến Việt Nam.
Ý kiến: “Sao Bộ GD-ĐT không thông báo sớm để đến nay bao nhiêu người mắc lừa, thật oan uổng cho mồ hôi, công sức. Khi đến những đơn vị đó đăng ký, là người dân làm sao chúng tôi biết là họ có phép đến mức độ nào và làm sao mà họ dám nói là không được phép đào tạo để lừa chúng tôi, con em chúng tôi”. Ông Thanh Xuân “Ngoài danh mục các chương trình liên kết đào tạo của các trường ĐH Việt Nam với nước ngoài, Bộ GD-ĐT cũng nên có thêm danh mục các tập đoàn giáo dục nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam để phụ huynh tham khảo khi đăng ký cho con mình học tập. Khi tìm hiểu về nơi cho con mình học, tôi cũng không biết tìm ở đâu để biết việc cấp phép đào tạo của Raffles như thế nào. Chúng tôi chỉ nghĩ nơi này được hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có cơ sở lớn, dễ nhận biết là đã được hoạt động rồi”. Một phụ huynh gửi thư đến Báo Thanh Niên |
Đăng Nguyên
>> Đình chỉ tuyển sinh 3 trường ĐH và 12 ngành đào tạo
>> Đào tạo "vượt cấp": Nhiều trường bị xử phạt, không được công nhận bằng cấp
>> Những chiêu lừa trong mùa thi
>> Học viên vẫn chịu thiệt
>> Bát nháo chương trình liên kết - Bài 2: Không ai bảo vệ quyền lợi học viên
>> Còn nhiều chương trình trái phép
Bình luận (0)