(TNO) Hằng năm, trên vùng đất trù phú U Minh Hạ (Cà Mau), khi những cơn mưa cuối mùa dứt hạt, sau vài ba con nắng, cá rút hết xuống đìa là thời điểm người nông dân chuẩn bị thu hoạch cá đồng.
Vào mùa này không chỉ người dân U Minh Hạ tất bật, mà thương lái cũng sẵn sàng cho những thương vụ mới với việc thu mua, tiêu thụ hàng trăm tấn cá các loại. Riêng phần cá bổi, người dân nơi đây thường giữ lại làm khô.
Hiện hai xã Trần Hợi, Khánh Hưng của huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) được xem là “vương quốc” cá bổi (cá sặc rằn) của vùng U Minh Hạ. Đây cũng là thời điểm vào vụ làm khô của “vương quốc” này.
Để kịp thời cung ứng cá bổi khô cho thị trường tết, người dân nơi đây phải tranh thủ cả ngày lẫn đêm. Khuya, cánh đàn ông xuống lưới (còn gọi là chụp đìa), đến khi lên lưới thì cánh đàn bà, con gái lo phần đánh vảy, muối cá.
Theo một số người dân nơi đây, bí quyết làm khô cá bổi ngon là muối xong đem ngâm 2 đêm, sau đó phải rửa thật sạch. Cần chú ý khâu nêm muối, vì nếu lượng muối không phù hợp, cá sẽ không ngon.
Sau khi ngâm muối xong, vớt cá mang phơi khoảng 3 nắng thì thành phẩm.
Để có một kg cá khô cần 2,2 - 2,5 kg cá tươi. Cá nguyên liệu phải chọn lựa kỹ, muối dùng để muối cá phải được mua từ làng muối Lưu Hoa Thanh (Tân Thuận, Đầm Dơi).
Ngày xưa người dân vùng U Minh Hạ có cách trữ khô cá bổi để ăn quanh năm.
Sau khi cá đã khô, người dân mang cá vùi trong bồ lúa, lúa sẽ hút ẩm và cá không bị mốc. Khi họ cần ăn thì mang ra nướng, thịt cá không hề giảm chất lượng.
Đặc biệt, trong những ngày tết, người dân nơi đây cũng hay uống trà với khô cá bổi.
Ở vùng U Minh Hạ hiện nay, chỉ còn Nông trường Khánh Hà và Nông trường 402 (hai nông trường của quân đội) còn chế biến khô “bổi phệt” (loại cực lớn, từ 5 - 6 con/kg) có giá 450 ngàn đồng/kg. Và trung bình hằng năm, hai nông trường này cung cấp cho thị trường tết hàng chục tấn khô cá bổi.
|
|
|
|
|
|
|
|
Gia Bách
(thực hiện)
>> Khô tết hút hàng, tăng giá
>> Mùa cá chạy
>> Đổi vị với cá kèo hấp rau răm
>> Đi xa nhớ bún nước lèo
Bình luận (0)