Tại sao thế giới internet chống SOPA?

21/01/2012 12:39 GMT+7

(TNO) Một số website khổng lồ như Wikipedia, Reddit và Wired đã tổ chức “đình công” nhằm phản đối dự luật chống vi phạm bản quyền SOPA (hay còn gọi là Đạo luật chấm dứt vi phạm bản quyền trên mạng).

>> Megaupload bị đóng cửa, tin tặc tấn công FBI
>> Wikipedia đóng cửa một ngày để biểu tình

Tại sao thế giới mạng rầm rộ chống lại dự luật này? Rõ ràng là vi phạm bản quyền đã gây tổn hại cho những người giữ quyền sở hữu bản quyền song cách thức mà SOPA muốn gò cương các hành vi này lại đe dọa một số khía cạnh của internet.

SOPA ngăn chặn vi phạm bản quyền bằng cách nào?

Các website vốn cung cấp liên kết hoặc chứa những nội dung vi phạm bản quyền thường "trú ngụ" tại những nơi xa xôi, nằm ngoài phạm vi quyền tài phán của Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ vẫn có thể yêu cầu các nhà cung cấp internet chặn các website kiểu đó.

Thậm chí, các công cụ tìm kiếm như Google có thể được yêu cầu loại bỏ kết quả tìm kiếm từ các trang có tên trong "danh sách đen".

Các công ty thẻ tín dụng và thanh toán trực tuyến như Paypal có thể bị yêu cầu chặn việc chuyển tiền và những công ty có thể bị cấm đặt quảng cáo trên những website đó.


 Một người biểu tình chống SOPA - Ảnh: AFP

Ai ủng hộ SOPA?

Về căn bản, đó là những người nắm quyền sở hữu bản quyền và các hãng ghi âm, điện ảnh như Motion Picture Association of America (MPAA) và Recording Industry Association of America (RIAA).

Những tranh cãi xung quanh SOPA

Ai sẽ là người định nghĩa điều gì cấu thành nội dung vi phạm bản quyền? Liệu chỉ đơn giản nói về một bộ phim bị ăn cắp bản quyền trên blog cá nhân có thể bị phân tích là khuyến khích vi phạm bản quyền hay không?

Tình huống một website vô tình chứa nội dung vi phạm bản quyền sẽ được xử lý như thế nào? Ví dụ, một website chia sẻ trực tuyến có nội dung do người sử dụng tải lên.

Điều khoản sử dụng của website có thể tuyên bố rõ ràng rằng chia sẻ nội dung vi phạm bản quyền là bất hợp pháp và họ sẽ gỡ bỏ các nội dung vi phạm và chặn tài khoản của người dùng. Tuy nhiên, việc theo dõi hàng triệu người trong thời gian thực dường như là chuyện dài nhiều tập.

Các dịch vụ chia sẻ trực tuyến có nên bị trừng phạt vì những gì người sử dụng đăng tải? Thực tế, nhiều website mà chúng ta đang sử dụng (như Facebook, Twitter hoặc các dịch vụ của Google) vốn sống nhờ vào những nội dung mà cộng đồng người dùng chia sẻ.

SOPA giết chết internet?

SOPA đề xuất mức án 5 năm tù cho những ai bị kết tội vi phạm bản quyền hoặc các hàng hóa giả mạo (cho lần đầu tiên nếu bị phát hiện truyền bá 10 nội dung vi phạm bản quyền trong vòng 6 tháng).

Từ ngữ lỏng lẻo trong dự luật tuyên bố rằng những tên miền vi phạm sẽ bị chặn. Điều này ngay lập tức đã bị chỉ trích dữ dội bởi có thể xem xét ví dụ sau: nếu chỉ một blog trên trang Blogspot hoặc Wordpress chứa nội dung vi phạm thì điều đó có nghĩa là tất cả blog cá nhân trên hai trang này có thể bị chính quyền Mỹ xem là bất hợp pháp.

Nếu một người sử dụng (vô tình hay cố ý) đăng tải bất kỳ nội dung vi phạm bản quyền trên Facebook, Twitter, Google hoặc những website tương tự, thì hậu quả là các website này có thể bị chặn và thậm chí bị nhà chức trách đóng cửa.

SOPA sẽ tác động thế nào đến người sử dụng internet?

Những người phản đối lập luận rằng internet phải mở cho mọi người truy cập các tài nguyên trên toàn cầu và thực thi quyền tự do ngôn luận.

Nếu SOPA có hiệu lực, nhưng nhà điều hành các website phải theo dõi mọi động thái truy cập của từng người sử dụng. Điều này không chỉ đặt ra vấn đề về quyền riêng tư mà còn mở cửa cho các tin tặc truy cập các dữ liệu nhạy cảm về người sử dụng.

SOPA, về bản chất, sẽ hợp pháp hóa việc kiểm duyệt và chính phủ Mỹ sẽ có quyền xem bất kỳ website nào là bất hợp pháp.

Theo Economic Times, điều này sẽ gây hại cho các doanh nghiệp hoạt động mạng, cắt giảm việc làm và một số website ưa thích của người dùng có thể biến mất vĩnh viễn.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.